Tố hữu được mệnh danh là gì

Tố Hữu là nhà thơ cách mạng lớn nhất Việt Nam trong thế kỷ XX. Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, bí danh là Lành, sinh ngày 4/10/1920 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, quê gốc tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Tố Hữu-Trăm năm duyên kiếp Đảng và Thơ

Được mệnh danh là người gieo vần vĩ đại của nền thơ cách mạng Việt Nam thế kỷ XX, nhà thơ Tố Hữu đã sống một cuộc đời trọn vẹn với cách mạng, với nghệ thuật, thơ ca. Ông từng tâm sự rằng: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ. Đối với tôi: trăm năm duyên kiếp Đảng và Thơ”. Thơ ông là tiếng nói toàn tâm toàn ý vì cách mạng, là bản anh hùng ca, là cuốn biên niên sử hào hùng và bi tráng. Có thể nói, Tố Hữu là người cách mạng làm thơ và coi thơ cũng là một nhiệm vụ cách mạng.

Tố Hữu đã đến với cách mạng, đến với thơ từ rất sớm. Mười bẩy tuổi ông đã có thơ đăng. Cùng năm đó, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4/1939, Tố Hữu bị địch bắt và đày đi nhiều nhà lao, như: Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, ngục Đắk Lay (Kon Tum)… Tuy nhiên, trong lao tù, Tố Hữu vẫn làm thơ động viên tinh thần các chiến sĩ cộng sản. Mỗi bài thơ của Tố Hữu như một tiếng kèn thôi thúc, cuốn hút lớp lớp thanh niên đi theo cách mạng, để giành lại độc lập tự do, tương lai tươi sáng cho dân tộc.

Năm 1946, tập thơ đầu tay “Từ ấy” ra đời. Với “Từ ấy”, ông viết bằng cả niềm náo nức, reo vui của tâm hồn trẻ tràn đầy nhiệt huyết khi gặp được lý tưởng cách mạng, cho thấy một trái tim đầy nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng của ông: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”. Cho đến những bài thơ trong các tập thơ sau này của ông như “Việt Bắc” (1947 – 1954), “Gió lộng” (1955 – 196l), “Ra trận” (1962 – 1971), “Máu và Hoa” (1972 – 1977)…, ông đều viết về cuộc cách mạng và tình yêu của ông dành cho quê hương, cho đất nước và con người Việt Nam.

Dù viết về Đảng, về cách mạng và cuộc chiến tranh, nhưng thơ Tố Hữu không hề cứng nhắc mà luôn tha thiết và thẫm đẫm tình người. Đó cũng là biệt tài của nhà thơ Tố Hữu mà không phải ai cũng làm được. Ngay cả những vấn đề khô khan vậy mà Tố Hữu vẫn viết một cách đằm thắm và chân thành: “Ở đâu u ám quân thù/ Nhìn lên Việt Bắc, cụ Hồ sáng soi/ Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”.

Thơ của Tố Hữu hào hùng thúc giục mà vẫn thủ thỉ tâm tình nên có sức truyền cảm, dễ nhớ, dễ thuộc, do đó đã tác động đến cuộc đời nhiều người, ở những bước ngoặt quan trọng, khi phải chọn lựa hướng đi. Ngoài những bài thơ yêu nước đậm chất sử thi, thơ của Tố Hữu còn là sự chia sẻ, cảm thông những số phận, những cuộc đời đau khổ, không chỉ nói lên lòng trắc ẩn mà còn giáo dục, vạch ra lối đi, dìu dắt quần chúng tham gia cách mạng.

Thơ Tố Hữu thể hiện tình yêu trọn vẹn với Bác Hồ

Tố Hữu được gần Bác nhiều hơn những nhà thơ khác. Vì tình yêu cách mạng thấm đẫm trong tâm hồn, nên thơ ông rất hay, đặc biệt là khi viết về Bác Hồ, dù bình dị về ngôn ngữ và quen thuộc về thể loại.

Những dòng thơ của Tố Hữu viết về Bác Hồ có thể coi là đặc sắc bậc nhất trong số các bài thơ ca ngợi lãnh tụ. Đó là: Hồ Chí Minh, Sáng tháng Năm, Xưa… Nay, Bác ơi, trường ca Theo chân Bác… Ngoài ra, ta còn thấy Bác trong “Việt Bắc”, “Ta đi tới”. Có rất nhiều câu thơ tuyệt hay về Bác mà gần như chúng ta chỉ có thể trích từ Tố Hữu. Ông không chỉ là người có điều kiện tiếp xúc gần gũi với Bác mà Tố Hữu đã cảm nhận được sự rất thực, rất đời trước vị lãnh tụ, khiến cho người đọc không cảm thấy đó là lời ca ngợi thuần túy mà như là sự miêu tả, sự diễn đạt, là điều hiển hiện mà nhà thơ đã thấy, đã cảm.

Bác kêu con đến bên bàn

Bác ngồi Bác viết, nhà sàn đơn sơ…

Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng

Bác ngồi đó lớn mênh mông

Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non

Bác Hồ, Cha của chúng con

Hồn của muôn hồn

Cho con được ôm hôn má Bác

Cho con hôn mái đầu tóc bạc

Hôn chòm râu mát rượi hoà bình… (Sáng Tháng Năm)

Ở “Việt Bắc”, đoạn viết về Bác ngắn nhưng vô cùng đẹp. Những lời thơ giản dị nhưng chứa chất được tình cảm của nhà thơ đối với vị cha già dân tộc một cách thành kính.

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường

Nhớ Người những sớm tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi, rừng núi trông theo bóng Người…

Bác Hồ, sự vĩ đại của trí tuệ, của lòng nhân, của sự nghiệp, trong phong thái ung dung, giản dị của Người đều được “hình tượng hóa” cao độ trong thơ của Tố Hữu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với các nhà thơ, nhà văn: Tố Hữu (bìa trái), Phan Tứ (thứ 2 bên trái), Trần Đình Vân (bìa phải). Ảnh: Tư liệu

Ở Tố Hữu, lý tưởng, đất nước, cách mạng, con người, tình yêu… đã hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên, thuần thục. Tố Hữu thực sự là bậc thầy của dòng thơ lãng mạn cách mạng và gần như người thể hiện được điều này xuất sắc nhất trong số các nhà thơ cách mạng trong suốt một thế kỷ qua.

Thơ Tố Hữu đã “vẽ” lại bức tranh lịch sử của cách mạng nhân dân Việt Nam thông qua các chặng đường hoạt động của người chiến sỹ cộng sản Tố Hữu. Mỗi tập thơ của ông gắn với một giai đoạn lịch sử của dân tộc, từ khi ông giác ngộ cách mạng những năm 1937, cho đến khi đất nước giành độc lập, rồi trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cho đến ngày thống nhất đất nước…

Với những đóng góp của mình, nhà thơ Tố Hữu đã được nhận các giải thưởng văn học: Giải Nhất giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955 cho tập thơ “Việt Bắc”, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 1996 cho tập thơ “Một tiếng đờn”, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I năm 1996. Đảng và Chính phủ đã ghi nhận những đóng góp to lớn của Tố Hữu bằng những phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng năm 1994, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng./.