Tổ chức cơ sở của đoàn là gì

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị xã hội của thanh niên Việt Nam. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đoàn hiện nay thì tổ chức cơ sở đoàn là nền móng hệ thống của Đoàn đã không ngừng hoàn thiện và thay đổi phù hợp với các nhiệm vụ mà cấp trên giao.

Vậy tổ chức cơ sở đoàn là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức cơ sở đoàn là gì?

Sau đây, chúng tôi sẽ giới thiệu tới quý vị những nội dung sau để hỗ trợ khách hàng những thông tin cần thiết liên quan đến tổ chức cơ sở đoàn.

Tổ chức cơ sở đoàn là gì?

Tổ chức cơ sở Đoàn gồm: Đoàn cơ sở và chi đoàn cơ sở, là nền tảng của Đoàn, được thành lập theo địa bàn dân cư, theo ngành nghề, theo đơn vị học tập, công tác, lao động, nơi cư trú và đơn vị cơ sở trong lực lượng vũ trang nhân dân (Điều 17 Điều lệ Đoàn khóa XI).

Tổ chức cơ sở Đoàn có thể trực thuộc Đoàn cấp huyện, Đoàn cấp tỉnh tùy thuộc vào tính đặc thù của từng đơn vị.

Cơ cấu tổ chức của tổ chức cơ sở đoàn

Tổ chức cơ sở Đoàn gồm:

– Đoàn cơ sở là cấp trên trực tiếp của chi đoàn. Đơn vị có từ hai chi đoàn trở lên và có ít nhất 30 đoàn viên thì thành lập Đoàn cơ sở;

– Chi đoàn là tổ chức tế bào của Đoàn, là hạt nhân nòng cốt đoàn kết, tập hợp thanh thiếu nhi. Đơn vị có ba đoàn viên trở lên được thành lập chi đoàn. Nếu chưa đủ ba đoàn viên thì Đoàn cấp trên giới thiệu đến sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở Đoàn thích hợp. Chi đoàn có thể thành lập các phân đoàn.

+ Chi đoàn có dưới 9 đoàn viên chỉ bầu Bí thư, Phó Bí thư; từ 9 đoàn viên trở lên bầu Ban Chấp hành, Bí thư, Phó Bí thư. Ban Chấp hành Đoàn cơ sở bầu Ban Thường vụ (nếu có), Bí thư, Phó Bí thư.

Hoạt động của tổ chức cơ sở đoàn

– Ban Chấp hành chi đoàn, chi đoàn cơ sở và Đoàn cơ sở mỗi tháng họp ít nhất một kỳ, ở những nơi đặc thù do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn quy định.

– Đại hội đoàn viên của chi đoàn, chi đoàn cơ sở; Đại hội đoàn viên hoặc Đại hội đại biểu của Đoàn cơ sở do Ban Chấp hành chi đoàn, chi đoàn cơ sở, Đoàn cơ sở triệu tập.

– Nhiệm kỳ Đại hội của chi đoàn và tổ chức cơ sở Đoàn:

+ Đại hội chi đoàn khu vực địa bàn dân cư, chi đoàn trong trường học, Đoàn trường trung học phổ thông, Đoàn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Giáo dục thường xuyên là 1 năm 1 lần.

+ Đại hội chi đoàn cơ sở; chi đoàn trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp; Đoàn trường trung cấp là 5 năm 2 lần.

+ Đại hội Đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn; Đoàn cơ sở trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp là 5 năm 1 lần.

– Đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua các báo cáo của Ban Chấp hành; quyết định phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ; bầu Ban Chấp hành; góp ý kiến vào các văn kiện của Đại hội Đoàn cấp trên và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đoàn cấp trên (nếu có).

Nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đoàn

Theo Điều 18 Điều lệ Đoàn khóa XI thì tổ chức cơ sở đoàn có các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi. Nhiệm vụ này cho thấy sự gắn bó giữa các đoàn viên với tổ chức đoàn. Tổ chức đoàn hiểu rõ những vấn đề của đoàn viên và tạo điều kiện đáp ứng các nhu cầu chính đáng cho đoàn viên để họ hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Việc chăm lo phải đảm bảo sự bình đẳng, công bằng giữa các đoàn viên. Tổ chức đoàn cơ sở khuyến khích và bảo vệ các mặt tốt của đoàn viên, đồng thời loại trừ những mặt tiêu cực nhằm bảo vệ sự phát triển tốt đẹp về tinh thần cho đoàn viên. Từ nhiệm vụ này, tổ chức đoàn cơ sở tạo nên một khối đoàn kết giữa các đoàn viên và góp phần xây dựng sự gắn bó của đoàn viên với tổ chức đoàn.

Thứ hai: Tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh thiếu nhi nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, đơn vị. Phải thường xuyên giáo dục và rèn luyện đoàn viên để cho các đoàn viên luôn trong tư thế sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Thứ ba: Phối hợp với chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức kinh tế, xã hội làm tốt công tác thanh niên, chăm lo xây dựng Đoàn, tích cực xây dựng cơ sở Đoàn, Hội, Đội ở địa bàn dân cư, tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và chính quyền.

Quyền hạn của tổ chức cơ sở đoàn

Tổ chức cơ sở đoàn có các quyền hạn theo quy định Điều 19 Điều lệ Đoàn khóa XI như sau:

– Kết nạp đoàn viên mới, quản lý đoàn viên, tiếp nhận, chuyển sinh hoạt Đoàn; giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp; giới thiệu cán bộ, đoàn viên vào quy hoạch đào tạo, sử dụng cán bộ của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức kinh tế, xã hội.

– Tổ chức các hoạt động, các phong trào nhằm đoàn kết, tập hợp thanh niên, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng, hợp pháp của tuổi trẻ; phối hợp với các ngành, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội tạo môi trường, điều kiện thuận lợi trong công tác thanh niên.

– Tổ chức các hoạt động tạo thêm việc làm và thu nhập cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của Đoàn; được sử dụng con dấu hợp pháp.

Trên đây, là toàn bộ nội dung liên quan đến tổ chức cơ sở đoàn là gì? Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức cơ sở đoàn là gì? Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết trên, quý vị có thể liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng nhất.