Tình yêu là gì gdcd 10

Bài 12. Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình

1. Tình yêu

Lý thuyết GDCD 10: Bài 12. Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình - Chi tiết, hay nhất

a. Tình yêu là gì?

– Tình yêu là một dạng tình cảm đặc biệt của con người.

– Tình yêu là sự rung cảm và quyến luyến sâu sắc giữa hai người khác giới. Ở họ có sự phù hợp về nhiều mặt làm cho họ có nhu cầu gần gũi, gắn bó với nhau, tự nguyện sống vì nhau và sẵn sàng hiến dâng cho nhau cuộc sống của mình.

– Tình yêu luôn luôn mang tính xã hội:

+ Tình yêu bắt nguồn và bị chi phối bởi những quan niệm, kinh nghiệm sống của những người yêu nhau.

+ Tình yêu luôn đặt ra những vấn đề mà xã hội cần phải quan tâm, chăm lo như việc kết hôn, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ.

– Xã hội không can thiệp đến tình yêu cá nhân nhưng có trách nhiệm hướng dẫn mọi người có quan niệm đúng đắn về tình yêu, đặc biệt ở những người bắt đầu bước sang tuổi thanh niên.

b. Thế nào là một tình yêu chân chính?

– Trong lịch sử, các giai cấp luôn có quan niệm và thái độ khác nhau về tình yêu.

– Tình yêu chân chính là tình yêu trong sang và lành mạnh, phù hợp với quan niệm đạo đức tiến bộ của xã hội.

– Biểu hiện:

+ Có tình cảm chân thực, sự quyến luyến, gắn bó

+ Có sự quan tâm sâu sắc đến nhau, không vụ lợi. Tình yêu chân chính đòi hỏi mỗi người phải biết sống vì nhau, trong nhiều trường hợp còn biết hi sinh cho nhau để đạt được những ước mơ, hoài bão tốt đẹp

+ Có sự chân thành, tin cậy và tôn trọng từ cả hai phía

+ Có lòng vị tha và sự thông cảm

=> Tình yêu chân chính làm con người trưởng thành và hoàn thiện hơn, là động lực mạnh mẽ để các cá nhân vươn lên tự hoàn thiện bản thân.

c. Một số điều cần tránh trong tình yêu nam nữ thanh niên

– Yêu đương quá sớm: Yêu sớm thường sao nhãng học tập, dễ có những quyết định mà bản thân chưa có quyền hoặc chư đủ khả năng giải quyết, vì còn đang phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ.

– Yêu một lúc nhiều người, yêu để chứng tỏ khả năng chinh phục bạn khác giới hoặc yêu đương vì mục đích vụ lợi.

– Có quan hệ tình dục trước hôn nhân: Vì có thể mang lại nhiều hậu quả tai hại: có thai ngoài ý muốn, lan truyền các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục,…

2. Hôn nhân

a. Hôn nhân là gì?

– Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn.

– Hôn nhân thể hiện nghĩa vụ, quyền lợi và quyền hạn của vợ chồng đối với nhau, được pháp luật công nhận và do đó được pháp luật bảo vệ.

b. Chế độ hôn nhân ở nước ta hiện nay

Thứ nhất: Hôn nhân tự nguyện và tiến bộ

+ Hôn nhân tự nguyện và tiến bộ là hôn nhân dựa trên tình yêu chân chính.

+ Tự nguyện trong hôn nhân thể hiện qua việc cá nhân được tự do kết hôn theo luật định.

+ Hôn nhân tiến bộ là hôn nhân bảo đảm về mặt pháp lí, tức là phải đăng kí kết hôn theo luật.

+ Hôn nhân tự nguyện và tiến bộ còn thể hiện ở việc đảm bảo quyền tự do li hôn. Cần chú ý rằng li hôn chỉ được coi là việc bất đắc dĩ, vì li hôn gây ra nhiều hậu quả xấu cho cả hai người, đặc biệt là đối với con cái.

Thứ hai: Hôn nhân một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng

+ Hôn nhân dựa trên tình yêu chân chính là hôn nhân một vợ một chồng. Bởi vì tình yêu là không thể chia sẻ được.

+ Bình đẳng trong quan hệ vợ chồng là nguyên tắc cơ bản trong gia đình mới. Sự bình đẳng không phải là sự cào bằng, chia đôi… mà là vợ chồng có nghĩa vụ và quyền lợi, quyền hạn ngang nhau trong mọi mặt của đời sống gia đình.

3. Gia đình, chức năng của gia đình, các mối quan hệ gia đình và trách nhiệm của các thành viên

a. Gia đình là gì?

Gia đình là một cộng đồng người chung sống và gắn bó với nhau bởi hai mối quan hệ cơ bản là quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống.

b. Chức năng của gia đình

– Chức năng duy trì nòi giống: Duy trì sự tồn tại và phát triển của xã hội.

– Chức năng kinh tế: Tạo nguồn thu nhập chính đáng để đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu của gia đình.

– Chức năng tổ chức đời sống gia đình: Tạo ra cho mỗi thành viên một môi trường sống an toàn, lành mạnh và dễ chịu.

– Chức năng nuôi dưỡng, giáo dục con cái: Cha mẹ nuôi con khoa học để con khỏe mạnh, thông minh, giáo dục con thành những công dân có ích cho xã hội.

c. Mối quan hệ và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đinh (đọc thêm)

– Quan hệ giữa vợ và chồng.

– Quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

– Quan hệ giữa ông bà và con cháu.

– Quan hệ giữa anh, chị em.