Thức ăn hàng ngày của người việt cổ là gì

Thức ăn thực vật

Qúa trình chuyển từ săn bắn, hái lượm sang sản xuất diễn ra và kéo dài hàng nghìn năm, để thuần hóa lúa dại vốn là cây lâu năm trở thành cây hàng năm, dễ gieo trồng và thu hoạch, rồi từ lúa cạn chuyển sang trồng lúa nước. Các mẫu vật thời đại đá mới được tìm thấy với ba nền văn hóa Bắc Sơn, Bàu Tró, Hạ Long cách nay gần một vạn năm chứng tỏ nghề trồng lúa được đưa lên một trình độ phát triển cao hơn.

Người Việt Nam còn tạo ra nhiều loại lúa khác nhau như lúa nếp, lúa tẻ, lúa sớm, lúa muộn, lúa mùa và một loại lúa đặc biệt có khả năng chịu hạn, đó là lúa chiêm.

Từ những nguyên liệu thiên nhiên, bằng tài năng và óc sáng tạo, tổ tiên của chúng ta còn làm ra các loại đồ ăn khác như mật mía, bánh chưng, bánh dày, bánh bỏng, bánh mật, bánh uôi, bánh tổ… mà sự ra đời gắn liền với nhiều truyền thuyết thời Hùng Vương.

Cùng ăn với thóc gạo là các loại rau, củ, quả. Theo truyền thuyết và kết quả khảo cổ ở một số di chỉ Tràng Kênh, Đồng Đậu, Gò Mun, Hoàng Ngô, Đông Sơn…cung cấp thêm dữ liệu khẳng định sự có mặt trong thực đơn của người Việt cổ có bầu, bí, cúc, đậu, trám, na, cà, củ kiệu, rau cải, dưa hấu, khoai lang, măng… Đặc biệt là các loại củ có chứa chất bột như quang lang (tức củ báng), sách Di vật chí của người Trung Quốc viết: “Trong ruột có bột trắng, đem giã nhỏ, nhào với nước thì như bột mì, có thể làm bánh”. Cũng sách này có đoạn ghi chép về cây khoai môn: “Cam chư tựa loài khoai sọ, củ to, bóc vỏ đi thấy ruột trắng như mỡ, người Nam chuyên lấy thức này ăn thay gạo”…

Người Việt còn làm ra một số loại đồ ăn muối gọi là đồ chua như dưa hành, cà muối mà “sự tích Dưa chua” là một biểu hiện rõ nét. Bên cạnh đó là việc triết xuất một số thành phần của thực vật để làm phong phú thêm đồ ăn như làm đường, làm mật như trong “sự tích Mật mía”.

Ngoài ra người Việt còn biết sử dụng các loại hương liệu, gia vị trong chế tác món ăn, như cỏ thơm, gừng, muối…

Thức ăn động vật

Bên cạnh thức ăn có nguồn gốc thực vật là thức ăn từ động vật. Các loại cua, ốc, sò, hến là thức ăn truyền thống có từ thời tiền sử. Nghề đánh bắt hải sản cũng cung cấp cho bữa ăn các loại cá (cá chép, cá trắm…), ba ba, rùa, rắn, rái cá.

Còn thịt, trước hết là thịt các loài động vật mà con người thuần hóa, nuôi dưỡng như gà, lợn, trâu, bò, chó…sau đó là thịt những loài vật săn bắt được như chim, lợn rừng, trâu rừng, khỉ, cầy cáo, hổ, nhím, dê, voi, tê giác… Xương và răng vụn của những loài cầm thú này được tìm thấy rất nhiều trong các di chỉ khảo cổ thời Hùng Vương như di chỉ Đồng Đậu, Gò Mun, Quế Dương, Thiệu Sơn

Để tăng thêm miếng ngon và khẩu vị, người Việt tạo ra một thứ nước chấm rất đặc biệt với nguyên liệu từ động vật, chứa nhiều bổ dưỡng đó là nước mắm (được làm từ tôm, tép, cá…).

Chế biến món ăn và cách ăn

Với nguồn thức ăn đa dạng, cách chế biến cũng rất phong phú, bên cạnh cách ăn đã có thời nguyên thủy như ăn sống (ăn gỏi), nướng thì các thức ăn đã được đun nấu bằng cách hấp, luộc mà các vật dụng bằng đồng tìm thấy trong di chỉ khảo cổ là minh chứng rõ nhất. Đặc biệt, cơm gạo còn được làm chín bằng cách cho vào ống tre, ống bương: “Lấy ống tre mà thổi cơm” (Lĩnh Nam chích quái) mà ngày nay chúng ta quen gọi là cơm lam.

Các món ăn được đựng trên phên, tre lứa, lót lá và các vật dụng như bát, đĩa, chậu, gáo, muôi, mâm đồng …

Cách ăn uống vẫn mang tính cộng đồng rất cao, mọi người ăn uống chung, khi ăn có thể dùng tay bốc hoặc dùng đũa, tùy theo từng loại thức ăn. Một số câu ca dao cho biết về những cách thức đó, cho thấy sức lan tỏa rộng rãi và bền vững đến cả thời kỳ sau này: “Mâm tre, lá ngõa, đĩa bày/Thịt trâu dân cúng để đầy cả mâm. Hay như câu: “Tế tại đình, ăn chung tại đình/Nứa tre bát đĩa, ta mình say sưa”.

Đồ uống

Với đồ uống thì có rượu, nước chè, nước hoa quả (dừa, mía…) và nước được đun với một số loại lá cây khác như vối. Đặc biệt là chè, một loại thức uống rất phổ biến được sách sử của Trung Quốc ghi lại: “Chè ở Giao Chỉ như rêu xanh, vị cay nóng, tên là chè đắng… Thổ dân hái chè, đem về giã nát ra, phơi trong râm, khi khô đem nấu nước uống, tính hơi hàn, uống vào mát tim, phổi, giải khát, ngủ ngon. Hoa và nhị chè càng tốt, có hương thơm” (Nghiên bắc tạp kí)

Ăn trầu cũng là một nét văn hóa ẩm thực, có tác dụng kích thích tiêu hóa, trừ sơn lam chướng khí và nhiều tác dụng khác.

Có thể nói đồ ăn thức uống, cách chế biến, cách ăn uống của người Việt thời Hùng Vương không chỉ là để duy trì sự sống mà đã ổn định trở thành phong tục ăn uống có yếu tố đặc trưng chứa đựng những triết lý sâu sắc. Ăn uống đã trở thành văn hóa dân tộc với cơ cấu ăn hợp lý, hài hòa, tổng hợp thiên về tự nhiên, bảo đảm sức khoẻ và đặc biệt có tính gắn bó, cố kết cộng đồng. Nhiều phong tục về ăn uống được hình thành từ thời Hùng Vương vẫn còn được bảo lưu bền vững đến tận ngày nay như nét riêng của một phong cách dân tộc trong sinh hoạt đời sống.