Trong tuần qua, thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại ở một số tỉnh, thành nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Việc tự theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà đối với một số trường hợp đang được các địa phương thực hiện. Nhiều bạn đọc thắc mắc hiện nay, việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà để phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện như thế nào?
Tự theo dõi sức khỏe tại nhà là người dân buộc phải ở trong nhà bảy ngày, hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc với người khác và sẽ được tổ COVID-19 cộng đồng, phường, xã giám sát. Ảnh: NGUYỆT NHI
Theo dõi sức khỏe tại nhà khác gì với cách ly tại nhà?
Hiện nay, ở Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu đang áp dụng biện pháp theo dõi sức khỏe tại nhà đối với một số trường hợp đến từ vùng dịch.
Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho hay sau Công điện 24 của chủ tịch UBND TP Hà Nội (ngày 18-11), quận đã không yêu cầu người về từ vùng dịch (đã tiêm hai mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh) phải tự cách ly tại nhà nữa. Thay vào đó, những trường hợp này phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Theo ông Hoàn, người tự theo dõi tại nhà thì chính quyền cơ sở sẽ làm công tác vận động, thuyết phục để người dân nâng cao tính tự giác. Khác với các trường hợp tự cách ly tại nhà là chính quyền phải có quyết định cách ly và có cơ sở để thực hiện các biện pháp giám sát, khoanh vùng chặt chẽ hơn.
“Những trường hợp tự theo dõi ở nhà thì phụ thuộc cao vào tính tự giác của người dân. Địa phương cũng chỉ nhắc nhở và đề nghị họ tự chấp hành chủ trương phòng chống dịch, đồng thời giao tổ COVID-19 cộng đồng giám sát” – ông Hoàn thông tin.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, khi người dân ngoại tỉnh vào phải khai báo y tế, quét mã QR tại chốt kiểm soát phòng chống dịch ở các tuyến quốc lộ 51, 55 và 56.
Ngoài ra, tùy vào những trường hợp cụ thể mà người dân phải thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Chẳng hạn, đối với người trở về từ các địa phương, khu vực có dịch ở cấp độ 2 cũng tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong bảy ngày.
Tự theo dõi sức khỏe tại nhà là người dân buộc phải ở trong nhà bảy ngày, hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc với người khác và sẽ được tổ COVID-19 cộng đồng, phường, xã giám sát. Còn cách ly y tế tại nhà, UBND phường sẽ ra quyết định về việc cách ly, giám sát chặt chẽ hơn nữa.
Đừng để mình thành FO mà không biết
Tuần qua, cũng có nhiều bạn đọc phản ánh lo ngại tình trạng người dân ở TP.HCM đã được tiêm hai mũi vaccine nên khi bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như cảm mạo thông thường nên nhiều người thành F0 lang thang mà không biết.
Trao đổi với chúng tôi, BS Lâm Phước Trí, Trưởng Trạm y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú), cho biết hiện nay việc xét nghiệm COVID-19 được thực hiện có trọng tâm trọng điểm, không xét nghiệm đại trà như trước và chỉ những người có triệu chứng mới xét nghiệm.
“Những người đã tiêm hai mũi vaccine đều có triệu chứng bệnh COVID-19 rất nhẹ hoặc không có triệu chứng. Đáng lưu ý, thời gian gần đây, Trạm y tế phường Tân Quý tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám bệnh BHYT nhưng có những dấu hiệu cảm ho, đau họng, sổ mũi, hắt hơi, mệt mỏi, khi được cho sàng lọc xét nghiệm COVID-19 thì có tỉ lệ dương tính rất cao” – BS Trí thông tin.
Cũng theo BS Trí, những triệu chứng này không điển hình, đôi khi người bệnh chỉ có dấu hiệu hắt hơi nhưng xét nghiệm lại dương tính. Do đó, người bệnh cũng không hay biết nên vô tình trở thành F0 lang thang và làm lây lan cho người khác. “Tôi mong mỏi người dân cần hết sức cảnh giác, luôn tuân thủ nguyên tắc 5K” – BS Trí nói.•