Thai ngoài tử cung là gì

Mang thai ngoài tử cung là trường hợp trứng thụ tinh và làm tổ ở nơi khác thay vì trong buồng tử cung, thường gặp nhất là vòi trứng, khi vỡ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Việc trang bị những kiến thức cần thiết về thai ở ngoài tử cung sẽ giúp chị em phụ nữ có biện pháp phòng ngừa, cũng như có phương hướng xử trí kịp thời.

Thai ở ngoài tử cung là một trong những biến chứng trong thai kỳ nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe sinh sản và tính mạng của người phụ nữ. Tỷ lệ thai phụ có thai ngoài tử cung ngày càng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Theo thống kê, ở châu Âu chiếm tỷ lệ là 1/100 tổng số trường hợp mang thai. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 1/250 đến 1/300 tổng số các trường hợp mang thai.

Mặc dù con số này chưa được thống kê đầy đủ và toàn diện nhưng ghi nhận số trường hợp đã tăng lên ở tất cả các tuyến điều trị.

Mang thai ngoài tử cung là gì?

Mang thai ngoài tử cung hay chửa ngoài tử cung là tình trạng trứng sau khi thụ tinh lại làm tổ và phát triển ở một vị trí khác ở bên ngoài buồng tử cung, không phải bên trong tử cung của người mẹ. Tình trạng này có thể gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, thậm chí đe dọa tính mạng thai phụ nếu không được cấp cứu can thiệp kịp thời.

Đối với một thai kỳ bình thường, quá trình thụ tinh sẽ xảy ra bên trong ống dẫn trứng. Sau đó, trứng đã thụ tinh sẽ đi vào tử cung và làm tổ bên trong niêm mạc tử cung. Phôi thai phát triển thành thai nhi và sẽ ở lại bên trong tử cung cho đến khi sinh.

mang thai ngoai tu cung

Những trường hợp phụ nữ mang thai ngoài tử cung, phôi thai sẽ không thể sống sót và phát triển một cách bình thường, có nguy cơ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy, đây chính là nguyên nhân của 3 – 4% các trường hợp tử vong có liên quan đến thai nghén. (1)

Dấu hiệu thai ở ngoài tử cung

Trong thời gian đầu, thai phụ có thai ngoài tử cung có thể có những biểu hiện giống thai kỳ bình thường như trễ kinh, căng tức ngực, buồn nôn hoặc đau bụng.

Tuy nhiên, tình trạng thai nằm ngoài tử cung sẽ không thể tiếp tục phát triển như thai kỳ bình thường. Có thể thai phụ vẫn sẽ có kết quả dương tính khi thử thai, nhưng sẽ gặp phải một số dấu hiệu khác lạ như:

  • Chảy máu âm đạo bất thường: Thai phụ có thể ra máu trước ngày hành kinh và kéo dài trong nhiều ngày liền (rong huyết). Máu ra ít, thường có màu nâu, đen. Trường hợp máu rò rỉ từ ống dẫn trứng (vòi trứng), thai phụ có thể cảm thấy đau vai hoặc muốn đi tiêu. Các triệu chứng cụ thể hơn sẽ phụ thuộc vào vị trí máu tụ và dây thần kinh nào bị kích thích.
  • Đau vùng chậu: Thai ngoài tử cung có thể gây ra các cơn đau vùng bụng dưới, đau bụng một bên. Cơn đau thường âm ỉ, thỉnh thoảng có cơn đau nhói.

“Nếu khối thai vẫn tiếp tục phát triển, nó có thể bị vỡ, gây chảy máu ồ ạt bên trong ổ bụng của thai phụ. Trong trường hợp này, thai phụ có thể gặp phải những cơn đau bụng dữ dội, đột ngột, kèm theo các triệu chứng nguy hiểm như sốc, choáng váng hoặc ngất xỉu. Đây là tình trạng khẩn cấp, đe dọa đến tính mạng, do đó thai phụ cần được đưa đến bệnh viện để được cấp cứu ngay lập tức”, bác sĩ Cao Thị Thúy Hà khuyến cáo.

Nguyên nhân gây có thai ngoài tử cung

Trong một số trường hợp, nguyên nhân dẫn đến thai ngoài tử cung không thể xác định rõ ràng (2). Tuy nhiên, đa số thai phụ gặp phải tình trạng này đều có liên quan đến một hoặc nhiều nguyên nhân sau:

  • Ống dẫn trứng bị viêm và có sẹo do thai phụ từng trải qua phẫu thuật hoặc bị nhiễm trùng trước đó;
  • Sự thay đổi hoặc hoạt động bất thường của nội tiết tố;
  • Dị dạng cơ quan sinh dục;
  • Một số vấn đề có liên quan đến di truyền;
  • Thai phụ đang mắc phải các tình trạng bệnh lý gây ảnh hưởng đến hình dáng hoặc hoạt động của ống dẫn trứng/ cơ quan sinh sản khác.

Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Lớn tuổi: Phụ nữ càng lớn tuổi thì nguy cơ chửa ngoài tử cung càng cao.
  • Tiền sử mắc bệnh: Phụ nữ đã từng có một lần mang thai ngoài tử cung thì sẽ có 10% nguy cơ gặp lại tình trạng này trong lần mang thai kế tiếp.
  • Nhiễm trùng: Phụ nữ đã từng bị viêm hoặc nhiễm trùng ống dẫn trứng, tử cung hoặc buồng trứng sẽ có nguy cơ có thai ngoài tử cung cao hơn. Đặc biệt, viêm vùng chậu (PID) và viêm vòi trứng là hai tình trạng viêm nhiễm tác động rất lớn đến nguy cơ thai ở ngoài tử cung ở nữ giới.
  • Mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục: Một số bệnh lý nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STDs) như bệnh lậu, chlamydia,…
  • Hút thuốc lá: Thói quen hút thuốc lá cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
  • Đang điều trị vô sinh: Việc sử dụng thuốc kích thích rụng trứng trong quá trình điều trị vô sinh có thể khiến bạn dễ mang bầu ngoài tử cung hơn.
  • Các bất thường ở ống dẫn trứng: Các bất thường này có thể do bẩm sinh hoặc phẫu thuật sẽ khiến nguy cơ mang bầu ngoài tử cung cao hơn.
  • Từng phẫu thuật ở vùng chậu: Việc mổ lấy thai hoặc phẫu thuật cắt bỏ u xơ cũng là các yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này.
  • Dùng thuốc tránh thai hoặc dụng cụ tránh thai (IUD): Việc sử dụng các biện pháp tránh thai có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.
  • Thắt ống dẫn trứng: Thắt ống dẫn trứng là phẫu thuật được thực hiện nhằm giúp phụ nữ tránh thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, việc làm này cũng sẽ khiến tỷ lệ thai ngoài tử cung cao hơn nếu sau đó thai phụ này mang thai.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thai phụ vẫn có thể mang thai ngoài tử cung mặc dù không có bất cứu yếu tố nguy cơ nào kể trên. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo thai phụ nên đến ngay cơ sở y tế khi có những dấu hiệu bất thường trong thai kỳ để phát hiện sớm, có giải pháp can thiệp kịp thời.

Phương pháp chẩn đoán mang thai ngoài tử cung

Những trường hợp nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể chỉ định thai phụ thực hiện một số xét nghiệm nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng, bao gồm:

  • Thử thai: Bác sĩ có thể yêu cầu thai phụ thực hiện xét nghiệm máu để định lượng nồng độ hormone HCG (βhCG) trong cơ thể. HCG là hormone chỉ xuất hiện khi phụ nữ mang thai, do đó xét nghiệm này sẽ cho biết thai phụ có mang thai hay không. Tuy nhiên, chỉ với xét nghiệm này thì chưa thể cung cấp thông tin thai nằm trong hay ngoài tử cung.
  • Siêu âm: Đối với trường hợp nghi ngờ mang thai ngoài tử cung, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để xác định chính xác vị trí của thai nhi. Kết quả siêu âm của thai phụ sẽ cho thấy trong buồng tử cung có hoặc không có túi thai, hoặc thấy được hình ảnh túi thai nằm ở ống dẫn trứng. Thêm vào đó, phương pháp này còn giúp phát hiện và đánh giá tình trạng chảy máu trong trường hợp thai ngoài tử cung bị vỡ.
  • Các xét nghiệm máu khác: Ngoài xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ HCG, thai phụ có thể được yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm máu khác nhằm kiểm tra tình trạng thiếu máu, cũng như kiểm tra nhóm máu trong trường hợp cần truyền máu.
  • Nội soi ổ bụng: Nội soi ổ bụng là phương pháp hiện đại giúp chẩn đoán thai nằm ngoài tử cung một cách nhanh chóng và chính xác. Trong trường hợp thai ngoài tử cung, soi ổ bụng sẽ phát hiện được một bên ống dẫn trứng căng phồng, tím đen. Đó chính là khối thai ngoài tử cung.

Thai ngoài tử cung có nguy hiểm không?

ThS.BS Cao Thị Thúy Hà cho biết, việc mang thai ngoài tử cung nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như:

  • Chảy máu trong: Khối thai ngoài tử cung nếu vỡ sẽ khiến thai phụ bị chảy máu trong ồ ạt. Điều này là cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng thai phụ nếu không được cấp cứu can thiệp kịp thời.
  • Tổn thương ống dẫn trứng: Việc điều trị chậm trễ sẽ gây tổn thương đến ống dẫn trứng, làm tăng đáng kể các nguy cơ thai ngoài tử cung ở những lần mang thai kế tiếp.
  • Trầm cảm: Cú sốc tâm lý do bị mất thai và sự lo lắng cho những lần mang thai tiếp theo trong tương lai có thể khiến thai phụ rơi vào trạng thái trầm cảm, stress kéo dài.

Có thai ngoài tử cung phải làm sao?

Thai ngoài tử cung không thể phát triển bình thường, không thể sinh ra cũng như không thể đưa khối thai trở về lại tử cung, do đó cần được loại bỏ để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng thai phụ.

Tùy thuộc vào các triệu chứng thai phụ gặp phải, kích thước và tình trạng hiện tại của khối thai (khối thai ngoài tử cung đã vỡ hay chưa) mà bác sĩ sẽ có tư vấn và hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp, có thể điều trị bằng thuốc, phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở bụng. (3)

Điều trị bằng thuốc

Đối với các trường hợp thai ngoài tử cung được phát hiện sớm, có kích thước bé (đường kính không quá 3cm) và chưa bị vỡ thường được điều trị bằng thuốc.

Loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong trường hợp này là Methotrexate, có tác dụng ngăn chặn sự phân chia và phát triển của tế bào, giúp khối thai tự tiêu biến sau 4 – 6 tuần điều trị. Methotrexate sẽ được dùng theo đường tiêm. Sau khi tiêm, thai phụ cần được theo dõi, tiến hành xét nghiệm HCG để xác định hiệu quả của điều trị. Nếu chỉ số xét nghiệm HCG không như mong đợi, bác sĩ có thể thay đổi liều thuốc, hoặc can thiệp phẫu thuật tùy từng trường hợp cụ thể.

Trong quá trình điều trị, thai phụ có thể gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán nản, loét miệng, rụng tóc, tiêu chảy, gặp vấn đề ở thị lực… Một số tác dụng phụ hiếm gặp khác gồm suy tụy, suy gan, suy thận.

Sau quá trình điều trị, thai phụ cần tránh việc mang thai lại trong tối thiểu 3 tháng hoặc lâu hơn theo hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ.

Điều trị bằng phẫu thuật

Tùy vào trường hợp cụ thể mà bác sẽ sẽ tư vấn và chỉ định thai phụ lựa chọn phương pháp phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở bụng để loại bỏ khối thai ngoài tử cung.

Phẫu thuật nội soi

Phẫu thuật nội soi được áp dụng trong trường hợp khối thai có kích thước lớn nhưng chưa bị vỡ. Hai dạng phẫu thuật nội soi được áp dụng phổ biến nhất là phẫu thuật mở thông vòi trứng và phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng.

Trong phẫu thuật mở thông vòi trứng, khối thai ngoài tử cung sẽ được loại bỏ, vòi dẫn trứng vẫn được bảo tồn. Còn trong phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng, cả khối thai lẫn vòi trứng đều được loại bỏ.

Cần chú ý rằng phụ nữ vẫn có thể mang thai ngay cả khi đã cắt bỏ ống dẫn trứng. Trường hợp cả hai vòi trứng đều bị cắt bỏ thì phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) chính là lựa chọn hàng đầu giúp phụ nữ mang thai và có con.

Phẫu thuật mở bụng

Những trường hợp thai ngoài tử cung phát triển lớn và bị vỡ, gây xuất huyết trong nghiêm trọng thì bắt buộc cần tiến hành phẫu thuật mở bụng để điều trị. Thông thường, ống dẫn trứng trong trường hợp này đã bị hư hỏng nên cần được loại bỏ.

Chăm sóc sau phẫu thuật

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân cách chăm sóc vết mổ sau phẫu thuật. Quan trọng nhất, bệnh nhân cần giữ vết mổ sạch sẽ, khô ráo trong khi chúng lành lại. Đồng thời, bệnh nhân cần thường xuyên kiểm tra vết mổ hàng ngày để chắc chắn chúng không bị nhiễm trùng.

Các dấu hiệu cho biết nhiễm trùng vết mổ bao gồm:

  • Đỏ, sưng tấy;
  • Chảy máu quá nhiều hoặc không ngừng;
  • Chảy dịch có mùi hôi từ vết mổ;
  • Cảm giác nóng ấm khi chạm vào.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể bị xuất huyết âm đạo nhẹ kèm cục máu đông. Tình trạng này có thể kéo dài lên đến 6 tuần kể từ ngày phẫu thuật. Do đó, để hạn chế tác động đến vết mổ và chăm sóc bản thân tốt hơn, bệnh nhân cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Uống nhiều nước để ngăn ngừa chứng táo bón;
  • Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, nhất là trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật;
  • Không nâng, mang, vác vật nặng;
  • Không quan hệ tình dục và sử dụng tampon cho đến khi được sự cho phép của bác sĩ;
  • Không thụt rửa âm đạo;
  • Thông báo ngay cho bác sĩ nếu cơn đau tăng lên hoặc có những dấu hiệu bất thường khác.

Phòng tránh mang thai ngoài tử cung

ThS.BS Cao Thị Thúy Hà chia sẻ, phụ nữ hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt, duy trì sức khỏe sinh sản tốt. Một số biện pháp phụ nữ có thể áp dụng là:

  • Quan hệ tình dục an toàn, hạn chế số lượng bạn tình: Điều này sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, giảm nguy cơ viêm vùng chậu và mang thai ngoài tử cung.
  • Không hút thuốc lá: Phụ nữ cần loại bỏ thói quen hút thuốc lá, cũng như hạn chế việc hút thuốc lá thụ động để giảm thiểu các nguy cơ thai ngoài tử cung. (4)
  • Khám phụ khoa định kỳ, tầm soát STDs thường xuyên: Việc phát hiện và xử lý sớm các vấn đề bất thường hoặc các bệnh lý phụ khoa sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Không lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp: Các chuyên gia sản khoa cảnh báo, phụ nữ sử dụng nhiều thuốc phòng tránh thai khẩn cấp khiến tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

Những câu hỏi thường gặp về tình trạng thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung là một trong những tai biến sản khoa vô cùng nguy hiểm, do đó thai phụ cần trang bị những kiến thức cần thiết để có hướng can thiệp kịp thời, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản và tính mạng.

Tổng hợp những thắc mắc, băn khoăn được gửi về hộp thư Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nhiều nhất, ThS.BS Cao Thị Thúy Hà giải đáp cụ thể và chi tiết từng câu hỏi như sau:

1. Thai ngoài tử cung tự tiêu như thế nào?

Thông thường, khi phát hiện có thai ngoài tử cung, thai phụ sẽ được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ khối thai, hoặc ngăn khối thai phát triển, khiến nó tự biến mất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thai ngoài tử cung có thể tự tiêu mà không cần bất kỳ phương pháp điều trị nào. Điều này sẽ xảy ra khi khối thai nhỏ (dưới 3cm), nồng độ hormone thai kỳ thấp, không đủ tế bào để nuôi thai. Lúc này thai sẽ không có đủ điều kiện để tiếp tục phát triển và sẽ tự tiêu đi.

Mặc dù thai ngoài tử cung có khả năng thoái triển và tự tiêu, nhưng các chuyên gia khuyến cáo thai phụ cần theo dõi thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp có biểu hiện xuất huyết âm đạo, đau âm ỉ một bên bụng… thai phụ cần tái khám ngay.

2. Thai ngoài tử cung thì niêm mạc tử cung có dày lên không?

Niêm mạc tử cung (hay còn gọi là nội mạc tử cung) là lớp mô lót toàn bộ bề mặt bên trong tử cung. Lớp niêm mạc có vai trò rất quan trọng trong quá trình thụ thai và mang thai của phụ nữ. Niêm mạc tử cung dày lên là sự chuẩn bị cần thiết để trứng được thụ tinh và làm tổ trong tử cung, cho nên niêm mạc vẫn sẽ dày lên dù thai phụ mang thai ngoài hay trong tử cung.

Đối với trường hợp thai ngoài tử cung, trứng đã thụ tinh không về làm tổ bên trong tử cung mà sẽ “đóng đô” ở vị trí khác trong ổ bụng. Tuy nhiên, dù trứng có về tử cung hay không thì dưới sự gia tăng của các hormone sinh dục, niêm mạc tử cung vẫn sẽ dày lên và thay đổi cấu trúc để hỗ trợ nhau thai và phôi thai phát triển.

3. Phát hiện thai ngoài tử cung ở tuần thứ mấy?

Thai ngoài tử cung có thể được phát hiện từ tuần thứ 5 – 8 của thai kỳ. Do đó, nếu phụ nữ có các dấu hiệu của mang thai như trễ kinh, tăng thân nhiệt, căng cứng vùng ngực… hoặc que thử thai hiện 2 vạch thì nên đi thăm khám ngay để xác định chính xác mình có mang thai hay không, cũng như biết được vị trí làm tổ của thai, giúp phát hiện sớm thai ngoài tử cung để có biện pháp xử lý kịp thời.

4. Thai ngoài tử cung bao lâu thì vỡ?

Việc xác định chính xác thai ngoài tử cung bao lâu thì vỡ là rất khó, phụ thuộc vào vị trí khối thai, sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe và cơ địa của từng thai phụ.

Thai ngoài tử cung vỡ sẽ gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm, khiến mẹ bầu bị mất máu, tổn thương các cơ quan sinh sản, ảnh hưởng đến khả năng mang thai trong tương lai, thậm chí đe dọa tính mạng thai phụ. Do đó, một khi được chẩn đoán mắc bệnh, thai phụ cần tuân theo hướng dẫn theo dõi và điều trị của bác sĩ để tránh gặp phải biến chứng nguy hiểm.

5. Chửa ngoài tử cung có phải mổ không?

Phẫu thuật là một trong các phương pháp dùng để loại bỏ thai ngoài tử cung, đặc biệt là khi thai phát triển lớn hoặc bị vỡ, dẫn đến xuất huyết trong ổ bụng. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở bụng để điều trị cho bệnh nhân.

6. Bị thai ngoài tử cung khi nào thì mang thai lại?

Phần lớn phụ nữ có thai ngoài tử cung có thể mang thai lại sau 3 – 4 tháng sau kết thúc điều trị. Trường hợp phải can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân có thể mang thai lại sau 6 tháng đến 1 năm kể từ khi lành vết mổ. Tuy nhiên, cơ địa của mỗi người là khác nhau, do đó khuyến cáo phụ nữ chỉ nên mang thai khi cơ thể thực sự hồi phục và khỏe mạnh để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ về thời gian mang thai lại, đồng thời tiến hành các xét nghiệm cần thiết trước khi mang thai.

Mang thai ngoài tử cung là điều mà không ai mong muốn xảy ra. Vì vậy, nếu gặp phải trường hợp này, chị em phụ nữ không nên quá đau buồn mà hãy tập trung chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi và sinh hoạt điều độ để cơ thể sớm hồi phục. Khi đã sẵn sàng mang thai trở lại, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về cách để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn bạn nhé!