Tài khoản định danh điện tử là gì

Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM có nhận được một số thắc mắc của bạn đọc về tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT). Cụ thể như TKĐDĐT là gì, ai được cấp TKĐDĐT, TKĐDĐT có thể dùng để thay thế các loại giấy tờ gì…

Theo Bộ Công an, từ ngày 18-7, bộ bắt đầu phê duyệt, cấp TKĐDĐT cho người dân. Bộ Công an đánh giá đây là một bước tiến mới, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có ĐDĐT quốc gia, bởi TKĐDĐT có thể được xem như “CCCD trên mạng”.

Những giấy tờ mà tài khoản định danh điện tử sẽ thay thế ảnh 1

Lực lượng công an làm thủ tục cấp CCCD gắn chip cho người dân. Ảnh: UYÊN TRANG

Tài khoản định danh điện tử là gì?

Theo Bộ Công an, danh tính điện tử công dân Việt Nam bao gồm thông tin cá nhân (số định danh cá nhân; họ tên; ngày/tháng/năm sinh; giới tính), ảnh chân dung và vân tay.

TKĐDĐT chứa thông tin danh tính điện tử, là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử (hiện nay là Bộ Công an).

TKĐDĐT của công dân Việt Nam có hai mức. Mức 1 gồm các thông tin cá nhân và ảnh chân dung; mức 2 có thêm thông tin về vân tay.

Với mức độ 1, người dân được sử dụng một số tính năng cơ bản như phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng).

Với mức độ 2, công dân có thể sử dụng tất cả tiện ích được cung cấp như tích hợp các loại giấy tờ (giấy phép lái xe (GPLX), đăng ký xe, bảo hiểm y tế (BHYT)), thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, đóng BHXH, BHYT, chuyển tiền).

Mọi cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên được đăng ký TKĐDĐT. Người chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo TKĐDĐT của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đối với người được giám hộ khác thì cần đăng ký theo TKĐDĐT của người giám hộ.

Những thông tin cần khai báo khi đăng ký gồm: Số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài); họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch (đối với người nước ngoài); số điện thoại, email.

Mọi người dân được miễn phí chi phí thực hiện đăng ký ĐDĐT. Tài khoản định danh sẽ có cùng thời hạn với thời hạn của CCCD gắn chip.

Việc đăng ký TKĐDĐT là không bắt buộc, dù vậy Bộ Công an khuyến khích công dân nên đăng ký sử dụng TKĐDĐT để được hưởng nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm các thủ tục trong giao dịch hành chính công.

TKĐDĐT có thể được hiểu là “ví giấy tờ điện tử”, là phương thức quản lý thông tin CCCD hay toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng.

Được thay thế những loại giấy tờ nào?

Theo Bộ Công an, TKĐDĐT có thể được hiểu là “ví giấy tờ điện tử”, là phương thức quản lý thông tin CCCD hay toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng. Mục đích nhằm thực hiện các dịch vụ công mà không cần phải xác minh lại thông tin cá nhân của người đó.

Một số thông tin trên TKĐDĐT có thể được sử dụng như thông tin CCCD. Dùng thay thế CCCD gắn chip, công dân sử dụng khi thực hiện một số thủ tục hành chính mà không cần xuất trình CCCD.

Thông tin thẻ BHYT: Thay thế thẻ BHYT vật lý. Thông tin hiển thị của thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID (định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số) được xác thực và truy xuất từ cơ sở dữ liệu BHYT Việt Nam, sẽ phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng khi khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm mà không cần trình thẻ BHYT truyền thống.

Thông tin đăng ký xe, GPLX: Các thông tin hiển thị các hạng GPLX, đăng ký xe trên VNeID được liên thông, xác thực với cơ sở dữ liệu về giao thông vận tải. Do đó, người dân và cơ quan chức năng có thể sử dụng khi thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ.

Ngoài ra, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh để thông tin về người phụ thuộc, người giám hộ; khai báo lưu trú mọi lúc mọi nơi, không cần phải liên hệ qua cơ quan công an; cũng có thể tố giác tội phạm với cơ quan công an một cách bảo mật, an toàn mà không lộ, lọt thông tin.

Cũng theo Bộ Công an, các dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNeID nên hacker khó truy cập vào thiết bị để đánh cắp thông tin.

Chỉ khi công dân đăng ký truy cập, dữ liệu mới được hiển thị lên ứng dụng. Khi cán bộ chức năng yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ của công dân thì công dân phải cho phép (cấp quyền kiểm tra) thì cán bộ mới có thể xem được thông tin.

Bên thứ ba (ngân hàng, ví điện tử, y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công) muốn sử dụng dữ liệu của công dân sẽ phải được sự đồng ý của chủ tài khoản.

Ngoài ra, thông tin công dân sẽ được ký số (chống thay đổi, chống chối bỏ) và được mã hóa. Hệ thống của các bên thứ ba khi kết nối với hệ thống định danh, xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật.

“Dữ liệu mã hóa cộng với giải pháp bảo mật ở mức độ cao, nên có thể ngăn ngừa hacker xâm nhập để đánh cắp thông tin cá nhân” – Bộ Công an cho hay.•