1. Giới thiệu ngành Tài chính – Ngân hàng
Tài chính – Ngân hàng là một ngành có lĩnh vực khá rộng, liên quan đến tất cả các dịch vụ giao dịch tài chính, lưu thông tiền tệ. Có nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau như Ngân hàng, Tài chính Doanh nghiệp, Tài chính thuế, Tài chính Bảo hiểm.
Sinh viên theo học ngành Tài chính – Ngân hàng sẽ được đào tạo kiến thức về tài chính, công cụ tài chính, cổ phiếu, trái phiếu, huy động vốn,…. những kiến thức đó là những kỹ năng chuyên môn mà bất kì sinh viên nào cũng cần nắm vững: phân tích, dự báo liên quan đến tài chính, tiền tệ nhằm đưa ra quyết định trong quản trị tài chính, phân tích tài chính và đầu tư trên thị trường vốn, thị trường tiền tệ trong quá trình toàn cầu hóa.
2. Chương trình đào tạo ngành Tài chính – Ngân hàng
Tại trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM, ngành Tài chính – Ngân hàng được đào tạo bậc Cao đẳng, thời gian đào tạo 2,5 năm với mục tiêu đào tạo như sau:
2.1. Mục tiêu chung
Chương trình cử nhân kinh tế ngành tài chính ngân hàng nhằm trang bị cho người học kiến thức về cơ sở lý luận, kỹ năng thực hành nghề nghiệp thành thạo và được công nhận bởi xã hội, nhằm đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội ngày càng nâng cao.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Kiến thức: Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về chính trị, kinh tế, xã hội làm nền tảng để có thể nghiên cứu các môn nghiệp vụ về ngành tài chính – ngân hàng, có khả năng mô tả và phân tích thông tin; Có kiến thức chuyên sâu về ngành tài chính – ngân hàng để giải quyết các công việc liên quan đến lĩnh vực ngân hàng hoặc lĩnh vực tài chính trong doanh nghiệp; Có kiến thức về ngoại ngữ và tin học để sử dụng các chương trình ứng dụng
Kỹ năng: Trang bị các kỹ năng thực hành nghề nghiệp cần thiết bao gồm thu thập thông tin, tư duy phê phán, giải quyết vấn đề cũng như các kỹ năng tính toán, lập báo cáo, phân tích, lập kế hoạch và quản lý hiệu quả các công việc trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Trang bị các kỹ năng cơ bản cần thiết bao gồm thu thập thông tin, thẩm định, phân tích, giải quyết vấn đề, tư vấn các sản phẩm/dịch vụ đến khách hàng; Trang bị các kỹ năng mềm cần thiết cho phát triển bản thân và nghề nghiệp.
Thái độ: Có đạo đức nghề nghiệp vững vàng, phẩm chất tốt để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của xã hội trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế; Có ý thức và năng lực học tập suốt đời để nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
3. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
3.1 Vị trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp
– Chuyên viên tín dụng ngân hàng;
– Chuyên viên kinh doanh tiền tệ;
– Chuyên viên quản trị tài sản và nguồn vốn;
– Chuyên viên phân tích tài chính doanh nghiệp;
– Chuyên viên định giá tài sản;
– Chuyên viên mua bán, sát nhập doanh nghiệp;
– Kế toán tại các doanh nghiệp, tại các ngân hàng thương mại;
– Chuyên viên cục thuế, kho bạc, hải quan
3.2 Các đơn vị có thể làm việc sau khi tốt nghiệp:
– Ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán;
– Cơ quan quản lý nhà nước về tài chính ngân hàng: Ngân hàng nhà nước;
– Các loại hình doanh nghiệp;
– Cục thuế, cục hải quan, kho bạc nhà nước;
– Công ty bảo hiểm, công ty tài chính, quỹ tín dụng;
– Công ty kiểm toán, quỹ đầu tư,…
3.3 Mức lương tham khảo ngành Tài chính – Ngân hàng
– Sinh viên mới ra trường: Thuộc đối tượng chưa có kinh nghiệm trong công việc, cần có khoảng thời gian hướng dẫn và được công ty tiến hành đào tạo, nên mức lương cơ bản sẽ dao động từ 8 – 11 triệu đồng.
– Đối với những cá nhân đã có kinh nghiệm làm việc từ 1 – 2 năm, không cần qua đào tạo tại công ty, mức lương của bạn sẽ được trả cao hơn và dao động trong khoảng 12 – 18 triệu.
– Đối với các cá nhân có năng lực, giàu kinh nghiệm trong ngành Tài chính – ngân hàng và có thâm niên trong nghề tư 3 – 5 năm, các công ty, doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương cao lên đến 20 – 30 triệu/tháng.
4. Sự phát triển của ngành và dự báo nguồn nhân lực ngành Tài chính – Ngân hàng trong tương lai
Nói về nhu cầu nhân lực ngành Tài chính- Ngân hàng trong tương lai, ông Trần Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực cũng cho biết, dự báo đến năm 2020 – 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng tăng 20%/năm. Riêng tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng đến năm 2025 chiếm tỉ trọng 5% tổng số chỗ làm việc cần tuyển hàng năm (khoảng 15.000 lao động) trong đó trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỉ lệ 80,4% nhu cầu tuyển dụng.
Bên cạnh đó, theo Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM dự báo cho biết trong tương lai, ngành ngân hàng tại TP.HCM – thị trường tài chính lớn nhất nước ta sẽ tăng trưởng mạnh cả về quy mô hoạt động và nhân sự.
Vì vậy, sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng có cơ hội việc làm rất lớn sau khi tốt nghiệp./.
Một số hoạt động của sinh viên Khoa Tài chính – Ngân hàng