Nghệ thuật là một loạt các hành động đa dạng của con người nhằm tạo ra hình ảnh, âm thanh hoặc những tác phẩm biểu diễn (tác phẩm nghệ thuật) giúp thể hiện trí tưởng tượng, những ý tưởng, tư tưởng hoặc kỹ năng của tác giả, với mong muốn được trân trọng vì cái đẹp cũng như sức mạnh cảm xúc của chúng.
Dù có được định nghĩa thế nào thì nghe khái niệm này vẫn quá rộng. Khi áp dụng những thuật ngữ này, thì tác phẩm “Laocoon và con trai” và “Artist’s Shit (đống phân của người nghệ sỹ)” được coi là những tác phẩm ngang bằng nhau.
Khái niệm là công cụ để chúng ta có những cách hiểu, cách diễn đạt chính xác về thế giới. Nhìn chung, một khái niệm càng rộng thì sẽ càng khó để ta phân biệt giữa thứ này với thứ khác, và mức độ hữu ích của khái niệm đó cũng giảm dần nếu ta muốn sử dụng chúng với mục đích cụ thể hơn. Điều này đúng với cả khái niệm về “nghệ thuật” lẫn khái niệm về “con chó”. Tôi có thể nói rằng chó là một loài vật có 4 chân và có lông. Nhưng như vậy, theo định nghĩa này, thì tất cả những con như con chuột, ngựa vằn, mèo, hổ hay con cầy sẽ đều là chó hết, định nghĩa này không có ích mấy. Tất nhiên là sẽ chẳng sai khi ta nói chó là một loài vật có bốn chân và có lông. Việc mà tôi làm trước đó thực chất chỉ là đưa ra khái niệm về loài để ta có thể dễ dàng xác định loài chó. Điều này tương tự với định nghĩa của Wikipedia về nghệ thuật: nghệ thuật được định nghĩa như một loại để ta có thể phân loại những tác phẩm của con người.
Từ “nghệ thuật” cũng là một thuật ngữ chỉ loại nói chung. Đây là cách duy nhất để ta có thể hiểu khái niệm của Wikipedia và thấy sự hữu dụng của nó. Nó không định nghĩa về “con chó”, mà là về “họ chó”; không phải về “con mèo” mà là về “họ mèo”, v.v. Thật không nên khi so sánh tính nghệ thuật giữa “Artist’s Shit” và “Laocoon và con trai”, vì cả hai đều được định nghĩa dưới thuật ngữ “nghệ thuật”, mà tại thời điểm này, nó chỉ có nghĩa tương tự như “những biểu cảm của con người”. Tranh cãi về luận điểm này sẽ chẳng khác gì việc đi tranh cãi xem con chó hay con gấu giống loài họ chó hơn. Điều này chẳng có nghĩa lý gì cả: cả hai con, theo định nghĩa, đều thuộc họ chó.
Khi mọi người nói những câu như, “cái này không phải là nghệ thuật”, hoặc “cái kia không phải là nghệ thuật”, tức là họ đang kém hơn đại đa số mọi người về mặt ngôn ngữ (ít nhất là với số đông mọi người cùng đang nói về nghệ thuật). Mặc dù để có một định nghĩa chính xác là rất khó, tuy nhiên đã có thời điểm trong quá khứ, tại các bài phát biểu đại chúng, nghệ thuật được định nghĩa với những thuật ngữ cụ thể hơn, tức là, những thuật ngữ tiếp cận những dấu hiệu đặc trưng. Dấu hiệu đặc trưng là những yếu tố của một vật hoặc một khái niệm giúp ta phân biệt thứ mà ta đang cố gắng định nghĩa (thứ đang được định nghĩa) với những vật khác hoặc khái niệm khác trên thế giới, đặc biệt là giữa những vật trong cùng một họ, vì chúng là những đối tượng dễ gây hiểu lầm nhất.
Thuộc về một nhóm đối tượng rất hạn chế đã từng là một phần của dấu hiệu đặc trưng của “nghệ thuật”, do vậy kể cả một con dao trang trí hoặc một chiếc bô có đẹp đến đâu, nó cũng không thể được coi là “nghệ thuật” được. Bạn vẫn có thể thấy những dấu hiệu này trong sự khác biệt dù-vẫn-hiện-hành-nhưng-có-dấu-hiệu-bị-phai-mờ giữa “tác phẩm nghệ thuật” và “đối tượng nghệ thuật”, trong đó tác phẩm nghệ thuật thực sự là những bức tranh vẽ, kiến trúc, thơ ca, âm nhạc và tượng điêu khắc, còn đối tượng nghệ thuật là tất cả những gì còn lại được tạo ra bởi óc thẩm mỹ của con người.
Do ý nghĩa của từ thay đổi khá chậm và không đồng đều giữa các cộng đồng khác nhau, ví dụ nghĩa cổ hơn của từ “nghệ thuật” – nghĩa với dấu hiệu đặc trưng bị hạn chế – vẫn còn phổ biến với một vài người. Khi người dùng từ với nghĩa cổ hơn gặp người dùng từ với nghĩa hiện đại hơn, họ vẫn thường tranh cãi với nhau mà không biết rằng thực chất họ chỉ đang bị nhầm lẫn giữa những thuật ngữ mà thôi. Đó là vấn đề của việc sử dụng từ. Câu hỏi dành cho chúng ta là định nghĩa nào mới là đúng. Chúng ta hiểu định nghĩa về loại, giờ thì cần hiểu các dấu hiệu đặc trưng nữa.
Tôi muốn chúng ta cùng phân tích Lý thuyết Nghệ thuật được trình bày khá ngắn gọn bởi Aristotle trong quyển VI của cuốn Đạo Đức học.
“Nghệ thuật là một phẩm chất lý trí liên quan tới việc tạo ra (việc tạo ra những vật có thể hoặc không thực sự cần thiết) những suy luận đúng. Ngược lại, thiếu tính nghệ thuật, là một phẩm chất lý trí liên quan tới sự suy luận sai.”
Hầu hết chúng ta đều tự động cảm thấy “Laocoon và con trai” đẹp hơn “Artist’s Shit”, nhưng chúng ta lại không thể nói lí do chính xác tại sao, đặc biệt là khi ta buộc phải thừa nhận rằng cả hai đều thực sự là nghệ thuật. Giờ đây, nhờ có Aristotle, ta có thể đưa ra những đặc trưng rõ ràng hơn. Hãy nghĩ đến tất cả những thứ mà người nghệ sĩ phải hiểu khi tạo ra tác phẩm “Laocoon và con trai”: giải phẫu cơ thể người, giải phẫu cơ thể rắn, tính chất của loại đá mà họ sử dụng để khắc, đặc tính của những công cụ họ sử dụng, v.v. Để có được kiến thức này, người nghệ sĩ đã phải “thực sự suy luận” và sự suy luận này được thể hiện trong ngay chính tác phẩm mà nghệ sĩ tạo ra. Khi sự hiểu biết về hàm ý tác giả càng nhiều, thì lý do chính đáng để tác phẩm đó tồn tại càng lớn, và như vậy thì tác phẩm nghệ thuật đó càng vĩ đại. Đó là lí do tại sao hầu hết mọi người đều công nhận các nhà thờ kiến trúc Gothic đẹp hơn những khối nhà Soviet. Để tạo ra được kiến trúc thứ nhất, yêu cầu ta phải hiểu sâu về hình học, tỉ lệ và màu sắc. Còn để tạo ra kiến trúc thứ hai, ta chỉ cần hiểu biết cơ bản về hình chữ nhật và hình vuông. Có một sự thật rằng tác phẩm nào đẹp hơn thì sẽ thể hiện kiến thức và bao hàm về thế giới nhiều hơn là tác phẩm tầm thường. Tác giả cần hiểu gì để tạo nên “Artist’s Shit”? Không nhiều lắm. Họ chỉ cần đi vệ sinh vào trong một cái lon. Định nghĩa của Aristotle giúp đưa ra nền tảng hợp lý và giúp ta phản biện được về thứ tạo nên “tác phẩm nghệ thuật tốt.”
Nếu như ta không hiểu những nền tảng cơ bản của trực giác này, ta sẽ rất dễ có nguy cơ bị rơi vào trạng thái tê liệt hoặc bị thuận theo ý kiến chủ quan (tác phẩm này tốt bởi vì tôi nói vậy) hoặc thuyết chính trị (tác phẩm này tốt vì nó được tạo ra bởi phụ nữ hoặc một người thuộc sắc tộc nào đó). Kẻ thù của óc thẩm mỹ thực sự sau đó sẽ tạo ra sự hoán đổi – họ coi “loại” cũng giống như “dấu hiệu đặc trưng”, và khẳng định rằng do “Laocoon và con trai” và “Artist’s Shit” có cùng những dấu hiệu đặc trưng (mà thực chất là cùng một loại), do đó chúng xứng đáng được trưng bày ngang nhau. Điều này cũng giống như việc tuyên bố con chó và con gấu đều là vật nuôi tốt vì chúng cùng thuộc họ chó vậy. Aristotle cho chúng ta thấy cách phân biệt, cực kỳ rõ ràng và hợp lý, đối với bản thân ta cũng như với người khác, thế nào là nghệ thuật tốt và thế nào là nghệ thuật xấu.
Do một bài luận cá nhân hay cũng là một tác phẩm nghệ thuật, bạn có thể áp dụng trực tiếp những tiêu chí của Aristotlevào bài viết của mình. Bạn đã phải tìm hiểu bao nhiêu trước khi viết bài này, kể cả là tìm hiểu bản thân hay thế giới? Có bao nhiêu kiến thức được bao hàm trong tác phẩm mà bạn vừa tạo ra? Mọi thứ đều như nhau, một bài luận cá nhân hàm chứa nhiều kiến thức thường sẽ đánh bại một bài luận mà có ít kiến thức hơn.
Theo kinh nghiệm của tôi, học sinh thường có được bài luận hay nhất khi họ tự khám phá về bản thân mình cũng như về thế giới, sau đó liên hệ những sự khám phá đó với nhau. Chắc chắn bạn sẽ hiểu nhiều về cách viết một bài báo cáo, hay một bài luận, và trong quá trình viết bạn cũng phải tìm hiểu thêm rất nhiều, dần dần đến khi hoàn thành bài viết, bạn sẽ thấy mình hiểu về vấn đề hơn lúc đầu nhiều. Bạn cũng có thể sẽ có trải nghiệm ngược lại, thường thấy trong lúc làm bài thi, khi mà bạn thường chỉ viết lại y chang những gì bạn đã biết. Một bài luận cá nhân tốt sẽ có chiều hướng giống trường hợp một hơn. Sau khi hoàn thiện, bạn sẽ tạo ra một tác phẩm bao hàm nhiều sự hiểu biết về bản thân bạn cũng như về thế giới. Theo ngôn ngữ của Aristotle, bài luận của bạn lập luận đúng và hợp lý – nó cũng sẽ có một vẻ đẹp nhất định vì lí do trên. Nếu bài luận cá nhân tạo cảm giác như đang tường thuật lại những gì đã biết hơn là sự khám phá, thì đó sẽ không phải là bài luận tối ưu. Lí do là bởi việc tường thuật lại không phản ánh được sự hiểu biết của bạn về bản thân cũng như về thế giới.
Theo JUSTIN SHELBY