Sinh đẻ có kế hoạch là gì

Sinh đẻ có kế hoạch hiện được coi là một kế hoạch nhỏ, lợi ích lớn đối với mỗi gia đình và toàn xã hội. Vậy sinh đẻ có kế hoạch là gì?

I. Sinh đẻ có kế hoạch là gì?

Sinh đẻ có kế hoạch là việc thực hiện điều chỉnh số con, thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh con sao cho phù hợp với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình, xã hội và toàn đất nước. Mỗi gia đình nên có hai con, trừ trường hợp con bị dị tật và đối với dân tộc thiểu số.

1. Phụ nữ nên sinh con ở tuổi bao nhiêu?

Sinh con là một trong những quyết định quan trọng nhất đối với người vợ và người chồng, nó có liên quan đến nhiều yếu tố trong gia đình như điều kiện kinh tế, tuổi tác, kiến thức và tâm lý làm bố, làm mẹ. Đối với phụ nữ, độ tuổi tốt nhất để sinh con là từ 24 đến 29, bởi trong độ tuổi này, cơ thể người phụ nữ đã phát triển toàn diện, trứng trong thời kỳ này cũng tốt và khỏe mạnh nhất, đó là sự chuẩn bị vô cùng quan trọng cho quá trình mang thai.

Phụ nữ nên sinh con ở tuổi bao nhiêu

Phụ nữ trong độ tuổi này cũng có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế và kiến thức ổn định để chào đón và nuôi dạy đứa trẻ trong điều kiện tốt nhất. Nếu sinh con quá sớm hoặc quá muộn, em bé dễ mắc các căn bệnh bẩm sinh hoặc bị sinh non.

2. Mỗi gia đình nên có bao nhiêu con?

Nếu như trước kia, “mỗi gia đình chỉ nên dừng lại ở 1 đến 2 con” thì hiện nay khẩu hiệu đó đã được thay bằng “mỗi gia đình nên có 2 con” để hạn chế hiện tượng già hóa dân số. Nếu như trước kia, với chính sách mỗi gia đình có 1-2 con, nhiều gia đình đã dừng lại ở con số 1. Theo cơ cấu 4-2-1 này (ông bà nội và ngoại, bố và mẹ, con) thì người con sẽ phải chăm sóc cho 6 người gồm ông bà hai bên và bố mẹ. Quá trình già hóa dân số như vậy cũng gây ảnh hưởng tới việc kéo dài cơ cấu dân số vàng, tăng phúc lợi xã hội và nhà nước bắt buộc phải có biện pháp tăng chất lượng nguồn lao động thay vì số lượng mà có một vài ý kiến là sử dụng cả chất xám của những người đã về hưu.

Thực hiện kế hoạch hóa gia đình

3. Khoảng cách giữa các lần sinh con

Thực hiện sinh con với khoảng cách phù hợp không chỉ tốt cho sự phát triển của đứa trẻ mà còn tốt cho sức khỏe của người mẹ. Sinh con hai lần cách nhau 2-3 năm được cho là khoảng thời gian lý tưởng bởi cơ thể mẹ đã hoàn toàn phục hồi sau lần vượt cạn đầu tiên, có những chuẩn bị sẵn sàng để nuôi nấng và chăm sóc cả hai đứa trẻ cùng một lúc. Trẻ cách nhau 2-3 tuổi cũng rất tốt để các bé cùng nhau phát triển và học tập.

Hiện nay một số gia đình cũng sinh con cách nhau khoảng 4-5 năm bởi họ muốn dành nhiều thời gian nhất cho từng đứa trẻ. Trẻ cách nhau 4-5 tuổi đã có sự trưởng thành và phát triển rõ rệt, không còn ghen tỵ vì sự xuất hiện của em và sẵn sàng cùng cha mẹ chăm sóc cho em của mình. Trong khi đó, bố mẹ cũng có đủ thời gian nghỉ ngơi sau lần sinh thứ nhất và càng có những chuẩn bị vững vàng hơn để nuôi nấng cả hai đứa trẻ.

II. Vì sao phải sinh đẻ có kế hoạch?

Ý nghĩa của việc sinh đẻ có kế hoạch đó là:

1. Nâng cao chất lượng dân số

Lên kế hoạch cụ thể cho việc sinh đẻ trong mỗi gia đình không chỉ là việc làm giúp ổn định kinh tế tài chính của gia đình đó mà còn là nền tảng để chăm lo, nuôi dạy đứa trẻ được tốt hơn. Khi mỗi cá nhân được nuôi nấng tử tế và trang bị đầy đủ những kiến thức trong cuộc sống thì chất lượng dân số của toàn xã hội cũng được nâng cao.

Nâng cao chất lượng dân số

2. Tránh bùng nổ dân số

Việc không kiểm soát được số con trong mỗi gia đình sẽ dẫn đến nguy cơ cao của bùng nổ dân số. Với bất cứ một quốc gia nào, bùng nổ dân số cũng gây ra các hệ lụy nghiêm trọng, trong đó phải kể đến nạn thất nghiệp do không đáp ứng được nhu cầu việc làm quá cao, các tệ nạn xã hội bùng nổ và đặc biệt ngành giáo dục có nguy cơ quá tải dẫn đến việc giảm trình độ dân trí, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân, văn minh của xã hội và sự phát triển và đất nước.

3. Ổn định nền kinh tế quốc gia

Sự vững vàng của mỗi thành viên cả về kinh tế, trình độ văn hóa và tâm lý sẽ tạo nên sự vững vàng cho gia đình và tạo nên một tập thể văn minh trong xã hội. Mỗi một gia đình văn hóa và có điều kiện phát triển tốt sẽ giúp ổn định nền kinh tế, chính trị và xã hội của một quốc gia.

III. Các biện pháp tránh thai đảm bảo cho việc kế hoạch hóa gia đình

Mục đích của các biện pháp tránh thai đều là ngăn không cho tinh trùng gặp trứng dẫn đến hình thành bào thai. Để thực hiện sinh đẻ có kế hoạch ở người thì việc tìm hiểu các biện pháp tránh thai là không thể thiếu đối với tất cả các cặp vợ chồng.

1. Các biện pháp tránh thai tạm thời

Tính ngày rụng trứng: là biện pháp phổ biến nhưng độ chính xác không thực sự cao bởi còn tùy thuộc vào cơ địa của người phụ nữ. Tính ngày rụng trứng sẽ xác định được ngày quan hệ an toàn bởi trứng chưa được rụng.

Sử dụng bao cao su: biện pháp này thường được sử dụng cho nam giới (một số ít trường hợp cho nữ giới). Đây là biện pháp có độ an toàn lên đến 99,98%, tránh việc có thai ngoài ý muốn.

Các biện pháp tránh thai

Sử dụng thuốc tránh thai: biện pháp tránh thai này tương đối hiệu quả, tuy nhiên nếu sử dụng nhiều lần sẽ gây hại đến sức khỏe thậm chí gây vô sinh ở nữ giới.

Sử dụng dụng cụ tử cung: biện pháp này thường sử dụng vòng để đặt ở cổ tử cung, nhằm ngăn cho hợp tử làm tổ ở đây.

2. Biện pháp tránh thai vĩnh viễn

Triệt sản nữ và triệt sản nam là các biện pháp tránh thai vĩnh viễn được sử dụng hiện nay dựa trên cơ chế không cho trứng đi vào ống dẫn trứng (đối với nữ) và không cho tinh trùng xuất ra ngoài (đối với nam).

Tìm hiểu về sức khỏe sinh sản và sinh đẻ có kế hoạch là điều rất cần thiết đối với mỗi gia đình hiện nay. Việc làm mang tính “kế hoạch nhỏ” nhưng “lợi ích lớn” này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và giúp ích cho sự phát triển phồn vinh của đất nước. Hãy tìm hiểu thật kĩ sinh đẻ có kế hoạch là gì và có những biện pháp phù hợp nhé!