Quyền tự do kinh doanh là gì

Quyền tự do kinh doanh lần đầu được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 và được tiếp tục được tái khẳng định theo hướng rộng hơn trong Hiến pháp năm 2013. “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Điều này đã thể hiện việc Nhà nước khuyến khích đối với các hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Vậy quyền tự do kinh doanh là gì? Bài viết dưới đây sẽ trả lời câu hỏi này.

Quyền tự do kinh doanh là gì?

Quyền tự do kinh doanh là một trong các quyền về tự do, dân chủ điều này thể hiện một nền kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường, người dân có thể được lựa chọn hình thức tổ chức kinh tế, ngành nghề hay quy mô kinh doanh.

Đây được coi là một quyền kinh tế của con người. Quyền tự do kinh doanh được thực hiện thông qua hoạt động góp vốn, huy động vốn, thay đổi vốn và thoái vốn.

Ngoài Hiến pháp năm 2013 khẳng định người dân có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật đầu tư năm 2014 khẳng định: “doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm” và “Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm”.

Luật đầu tư cũng quy định chi tiết liên quan đến quyền tự do kinh doanh như sau:

“Nhà đầu tư được tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư”.

Tuy nhiên, tự do kinh doanh phải đảm bảo tuân thủ pháp luật và hiến pháp. Không tham gia kinh doanh các mặt hàng và loại hình nằm trong danh mục cấm của nhà nước. Vậy nguyên tắc của tự do kinh doanh như thế nào, phần tiếp theo của bài viết quyền tự do kinh doanh là gì? Sẽ đề cập rõ hơn đến vấn đề này.

Nguyên tắc tự do kinh doanh là gì?

Nguyên tắc tự do kinh doanh được hiểu là nguyên tắc hiến định, theo đó các chủ thể kinh doanh được tự do thực hiện các hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tự do kinh doanh phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật, có nghĩa là khi thực hiện các quyền cụ thể trong nội dung của quyền tự do kinh doanh, các chủ thể phải tuân thủ các điều kiện pháp luật quy định hoặc phải thực hiện một số nghĩa vụ tương ứng.

Nội dung của nguyên tắc tự do kinh doanh bao gồm: Tự do thành lập doanh nghiệp; tự do lựa chọn ngành hoạt động và quy mô kinh doanh; tự do lựa chọn khách hàng, trực tiếp giao dịch với khách hàng; tự do lựa chọn lao động theo nhu cầu kinh doanh; tự do lựa chọn hình thức, cách thức giải quyết tranh chấp và các quyền tự do khác theo quy định của pháp luật.

Nội dung của quyền tự do kinh doanh

Theo quy định của pháp luật, quyền tự do kinh doanh thể hiện qua các nội dung cơ bản sau đây:

– Cá nhân, tổ chức có quyền được tự mình lựa chọn những ngành, nghề mà mình muốn kinh doanh trong phạm vi những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì việc kinh doanh được thực hiện sau khi đáp ứng đủ các điều kiện của ngành nghề đó.

– Quyền tự do kinh doanh thể hiện ở quyền tự do lựa chọn mô hình kinh doanh cho mình qua việc quyết định vốn điều lệ. Doanh nghiệp đáp ứng quy định về vốn pháp định tối thiểu nếu kinh doanh các ngành nghề kinh doanh đặc thù có quy định về vốn pháp định. Ngoài ra có thể quyết định điều chỉnh quy mô kinh doanh của mình qua việc huy động vốn đầu tư.

– Cá nhân, tổ chức có quyền lựa chọn loại hình tổ chức kinh tế để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, cần đảm bảo các quy định về loại hình đó như: Công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh. Quyền tự do lựa chọn loại hình tổ chức kinh tế.

Trên đây chúng tôi đã đề cập đến bài viết với nội dung quyền tự do kinh doanh là gì? Nếu Quý bạn đọc có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến bài viết, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được giải đáp và hỗ trợ.