Như chúng ta đã biết thì trong sản xuất thì quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là hai yếu tố hết sức quan trọng chúng tác động lẫn nhau và liên quan mật thiết với nhau để tạo ra của cải vật chất phục vụ nhu cầu của con người.
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
1. Quan hệ sản xuất là gì?
Quan hệ sản xuất là mối quan hệ giữa con người và con người trong quá trình sản xuất vật chất. Theo một nghĩa chung nhất thì quan hệ sản xuất là một yếu tố của phương thức sản xuất, là mặt xã hội của phương thức sản xuất. Quan hệ sản xuất là quan hệ kinh tế của một hình thái kinh tế – xã hội nhất định. Mối quan hệ giữa con người và con người trong quan hệ sản xuất bao giờ cũng thể hiện tính chất, bản chất của quan hệ lao động và dưới góc độ chung nhất nó thể hiện bản chất kinh tế của một hình thái kinh tế – xã hội nhất định. Quan hệ sản xuất mang tính khách quan độc lập với ý thức của con người. Kết cấu của quan hệ sản xuất bao gồm ba mặt quan hệ cơ bản sau:
Quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất. Xét về mặt lịch sử quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất đã được thể hiện dưới hai hình thức cơ bản, đó là sở hữu tư nhân và sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất.
Quan hệ tổ chức quản lý sản xuất. Quan hệ này hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất. Bởi vì, những chủ thể xã hội nào nắm tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội, thì họ sẽ là người nắm vai trò tổ chức và quản lý sản xuất vật chất của xã hội.
Quan hệ phân phối sản phẩm lao động. Quan hệ này phụ thuộc vào quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất. Bới vì, chủ thể xã hội nào nắm tư liệu sản xuất thì đồng thời họ là người có mức hưởng thụ nhiều hơn, và là người có quyền quyết định phân phối sản phẩm vật chất của xã hội.
Trong ba mặt quan hệ của quan hệ sản xuất đều có sự tác động qua lại lẫn nhau. Nhưng quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất là quan hệ giữ vai trò quyết định trong quan hệ sản xuất. Đồng thời quan hệ sở hữu tư nhân và sở hữu xã hội là sự khác nhau về bản chất và có tính chất đối lập.
2. Sự tác động với lực lượng sản xuất:
Hiện nay đang có một số quan điểm, nhận thức khác nhau về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, thậm chí có những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin về mối quan hệ biện chứng của quy luật cơ bản này. Việc nhận thức, vận dụng mối quan hệ này phù hợp với thực tiễn Việt Nam sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu vì “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất được thể hiện thành một quy luật cơ bản của sự vận động, phát triển xã hội loài người – quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong phương thức sản xuất. Quy luật này do C. Mác phát hiện ra và đó là quy luật khách quan, cơ bản, phổ biến tác động trong toàn bộ tiến trình lịch sử nhân loại và cùng với các quy luật khác làm cho lịch sử loài người vận động từ thấp đến cao, từ hình thái kinh tế – xã hội này lên hình thái kinh tế – xã hội khác cao hơn, quy định sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử – tự nhiên.
Như chúng ta đã biết: Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là hai mặt cấu thành của phương thức sản xuất, có tác động biện chứng với nhau một cách khách quan. Quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Sự phù hợp ở đây có nghĩa quan hệ sản xuất phải là “hình thức phát triển” tất yếu của lực lượng sản xuất, tạo địa bàn, động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Về mặt khoa học cần nhận thức sự phù hợp một cách biện chứng, lịch sử – cụ thể, là một quá trình, trong trạng thái động. Lực lượng sản xuất là yếu tố động, biến đổi nhanh hơn, còn quan hệ sản xuất là yếu tố tương đối ổn định, biến đổi chậm hơn, thậm chí lạc hậu hơn.
Xem thêm: Quan hệ lao động là gì? Đặc điểm của quan hệ lao động?
Do đó, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là hai mặt đối lập biện chứng trong phương thức sản xuất. C. Mác đã chứng minh vai trò quyết định của lực lượng sản xuất đối với quan hệ sản xuất, đồng thời cũng chỉ ra tính độc lập tương đối của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất. Quan hệ sản xuất tác động trở lại lực lượng sản xuất, quy định mục đích xã hội của sản xuất, tác động đến lợi ích của người sản xuất, từ đó hình thành một hệ thống những yếu tố hoặc thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất trong phương thức sản xuất. Quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất là quy luật cơ bản nhất, quy luật gốc của sự phát triển xã hội.
Sự biến đổi, phát triển xã hội loài người, xét đến cùng là bắt nguồn từ quy luật này. Khác với quy luật của tự nhiên, quy luật xã hội là quy luật hoạt động của con người, tồn tại và tác động thông qua hoạt động của con người, gắn với điều kiện thực tiễn, hoàn cảnh lịch sử – cụ thể. Vì vậy, việc nhận thức và vận dụng quy luật xã hội nói chung, quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất nói riêng phải phù hợp với điều kiện thực tiễn cụ thể của từng quốc gia dân tộc, từng giai đoạn phát triển của đất nước và sự biến đổi của tình hình thế giới.
Trong nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong thời gian qua bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng phải thấy rằng, cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, xuất hiện những mâu thuẫn mới, sự không phù hợp mới giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, làm cản trở sự phát triển của cả lực lượng sản xuất và cả quan hệ sản xuất. Mặc dù đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nước có thu nhập trung bình thấp, song thực chất vẫn là nước nghèo, kinh tế còn lạc hậu, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với thế giới và khu vực ngày càng lớn.
3. Các loại hình quan hệ sản xuất cơ bản hiện nay ở Việt Nam:
Nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, không có nghĩa là xóa bỏ các quan hệ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, mà chỉ phát triển sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất. Hiện nay trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nên việc duy trì và phát triển hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là một yêu cầu khách quan mang tính quy luật. Bởi vì, trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, thì sở hữu tư nhân như một bộ phận tự nhiên của quá trình kinh tế nhiều thành phần cũng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao đời sống của nhân dân. Mặt khác, duy trì và phát triển kinh tế tư nhân, thì đồng thời với nó là thu hút nguồn lực về vốn, về lao động, về quá trình chuyển giao công nghệ mới, v.v… Nhưng nó đều thông qua sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ giữ vai trò quyết định và điều tiết chung đối với các hình thức sở hữu này phải phục vụ cho lợi ích của nhân dân.
Trong cơ cấu kinh tế xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt Nam, thì hình thức sở hữu công cộng ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Trong đó kinh tế quốc doanh bao giờ cũng giữ vai trò chủ đạo, quyết định đối với nền kinh tế hiện nay. Cho nên, xét về loại hình quan hệ sản xuất cơ bản hiện nay ở nước ta bao gồm quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa dựa trên cơ sở sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất và quan hệ sản xuất cũ dựa trên hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, nhưng nó thống nhất và mang tính mâu thuẫn trong một cơ cấu kinh tế thống nhất – kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa và dưới sự quản lý của nhà nước.