Phát triển bền vững là gì

Phát triển bền vững là thuật ngữ thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và ngay cả trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu Phát triển bền vững là gì?

Do đó, để giúp Quý độc giả nắm rõ được vấn đề này, chúng tôi xin gửi tới quý vị những thông tin hữu ích qua bài viết sau đây.

Phát triển bền vững là gì?

Phát triển bền vững là khái niệm nhằm chỉ sự phát triển về mọi mặt trong xã hội hiện tại, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại mà vẫn khổng làm tổn hại, vẫn đảm bảo sự tiếp tục phát triển, vẫn đáp ứng các nhu cầu đó trong tương lai xa và hiện là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới và bảo vệ môi trường.

Dựa theo tình hình phát triển và đặc thù của kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa… mà mỗi quốc gia sẽ hoạch định chiến lược phát triển bền vững phù hợp nhất.

Thực chất câu hỏi phát triển bền vững là gì? Khái niệm phát triển bền vững lần đầu tiên xuất hiện rõ rệt là trong “Chiến lược bảo tồn thế giớï của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) năm 4980. Và đến ngày nay, khái niệm này được chấp nhận một cách rộng rãi và cũng là là khái niệm trong “Báo cáo Brunđtland” của Uỷ ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED) của Liên hợp quốc năm 1987.

Phát triển bền vững thể hiện quan điểm nhân văn, hiện đại hơn hẳn so với quan điểm “phát triển bằng bất kì giá nào”, bởi lẽ phát triển bằng mọi giá chính là việc mọi cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho hoạt động phát triển không màng đến sự ảnh hưởng của nó tác động đến chính quá trình phát triển trong tương lai.

Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, hiện nay đang có nhiều quan điểm khác nhau về Phát triển bền vững là gì? cụ thể:

Dưới góc nhìn của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN-International Union for Conservation of Nature and Natural Resources) đã nêu phát triển bền vững là “đạt được sự phát triển bền vững bằng cách bảo vệ các tài nguyên sinh vật”.

Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED-World Commission on Environment and Development) của Liên hợp quốc, phát triển bền vững được định nghĩa là: “Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra định nghĩa cụ thể hơn, đó là: “phát triển bền vững là một loại hình phát triển mới, lồng ghép một quá trình sản xuất với bảo toàn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. Phát triển bền vững cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng của chúng ta đáp ứng các nhu cầu của các thế hệ tương lai”.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002: “Phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên)”.

Mỗi một quan điểm về khái niệm phát triển bền vững đều có những ưu nhược điểm riêng. Có thể nói quan điểm phát triển bền vững được nêu tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janerio nêu được chi tiết và rõ ràng nhất.

Các tiêu chí đánh giá phát triển bền vững

Sau khi đã biết được Phát triển bền vững là gì? chúng ta cần xác định được vậy các tiêu chí đánh giá một đất nước có sự phát triển bền vững là như thế nào.

Từ khái niệm đã nêu ở phần trên, có thể thấy phát triển bền vững phải đảm bảo phát triển đầy đủ cả ba yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường. Ba yếu tố này được ví như “kiềng ba chân”.

Phát triển bền vững về kinh tế

Phát triển kinh tế là một trong các yếu tố của sự phát triển bền vững. Đó là sự phát triển nhanh, an toàn và phải chất lượng.

Phát triển bền vững về kinh tế đòi hỏi sự phát triển của hệ thống kinh tế trong đó cơ hội để tiếp xúc với những nguồn tài nguyên được tạo điều kiện thuận lợi và quyền sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế được chia sẻ một cách bình đẳng.

Đồng thời, nó phải tạo ra được sự thịnh vượng chung dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ tập trung vào số ít người trong phạm vi giới hạn cho phép của hệ sinh thái và cũng không xâm phậm tới những quyền cơ bản của con người.

Nội dung của phát triển về kinh tế gồm:

– Giảm dần mức tiêu phí năng lượng và các tài nguyên khác thông qua công nghệ tiết kiệm và thay đổi lối sống;

– Thay đổi nhu cầu tiêu thụ không gây hại đến đa dạng sinh học và môi trường;

– Bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế và giáo dục;

– Xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối;

– Công nghệ sạch và sinh thái hóa công nghiệp (tái chế, tái sử dụng, giảm thải, tái tạo năng lượng đã sử dụng).

Bạn cần lưu ý một nền kinh tế bền vững cần đạt được các yêu cầu sau đây:

– Có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. Các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay cần tăng trưởng GDP vào khoảng 5%/năm thì mới có thể xem có biểu hiện phát triển bền vững về kinh tế.

– Cơ cấu GDP cũng là tiêu chí đánh giá phát triển bền vững về kinh tế. Chỉ khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững.

– Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Phát triển bền vững về xã hội

Phát triển bền vững về xã hội là sự phát triển chú trọng vào công bằng; xã hội luôn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển con người và sẽ cố gắng để cho tất cả mọi người có cơ hội phát triển năng lực của bản thân và có điều kiện sống có thể chấp nhận được.

Các tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững về mặt xã hội bao gồm:

– Chỉ số HDI, hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa.

– Bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá cao và có xu hướng gần lại; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn.

Nội dung cơ bản của phát triển bền vững về xã hội gồm:

– Ổn định dân số, phát triển nông thôn để giảm sức ép di dân vào đô thị;

– Giảm thiểu tác động xấu của môi trường đến đô thị hóa;

– Nâng cao học vấn, xóa mù chữ;

– Bảo vệ đa dạng văn hóa;

– Bình đẳng giới, quan tâm tới nhu cầu và lợi ích giới;

– Tăng cường sự tham gia của công chúng vào các quá trình ra quyết định.

Phát triển bền vững về môi trường

Môi trường cũng là một trong ba cái chân cần được đảm bảo phát triển bền vững. Bền vững về môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên, chất lượng môi trường sống của con người bao gồm không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan vẫn phải được bảo đảm.

Đồng thời, phát triển bền vững về môi trường đòi hỏi chúng ta duy trì sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường tự nhiên với sự khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích con người. Mục đích là duy trì mức độ khai thác những nguồn tài nguyên ở một giới hạn nhất định cho phép môi trường và tiếp tục hỗ trợ điều kiện sống cho con người và các sinh vật sống trên trái đất.

Cũng giống như các tiếu chí phát triển ở trên thì phát triển bền vững về môi trường cũng bao gồm gồm những nội dung cơ bản:

– Sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo;

– Phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái;

– Bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ôzôn;

– Kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính;

– Bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm;

– Giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (nước, khí, đất, lương thực thực phẩm), cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm…

Nguyên tắc phát triển bền vững?

Tại sao phải phát triển bền vững?

Càng đi sâu tìm hiểu về Phát triển bền vững là gì cũng như đi nghiên cứu kỹ hơn về các nội dung của chính sách phát triển bền vững thì chúng ta càng nhận thấy việc cần phải củng cố, đẩy mạnh hơn nữa các nội dung của phát triển bền vững, bởi:

Thứ nhất: Phát triển bền vững đảm bảo tính bền vững về kinh tế. Sự phát triển bền vững giúp tăng trưởng nền kinh tế, phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn, tăng trưởng và phát triển kinh tế một cách lành mạnh, đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, nâng cao đời sống nhân dân.

Thứ hai: Phát triển bền vững đảm bảo được tính bền vững về xã hội, thể hiện ở sự công bằng xã hội và phát triển của con người thông qua thước đo là chỉ số HDI. Theo đó, sức khỏe, dinh dưỡng, học vấn, xóa đói giảm nghèo được đảm bảo, công bằng xã hội và mọi thành viên trong xã hội đều được bình đẳng ngang nhau chính là sự thể hiện của tính bền vững. Từ đó, có thể làm giảm nguy cơ xung đột trong xã hội hay chiến tranh giữa các quốc gia.

Thứ ba: Phát triển bền vững đảm bảo được tính bền vững của môi trường. Các nguồn tài nguyên thiện nhiên hiện nay ngày càng bị suy giảm, cạn kiệt cả về số lượng và chất lượng. Chính vì thế, phát triển bền vững chính là nhằm mục đích sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không ngừng bảo vệ chất lượng cuộc sống ngày càng tích cực

Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam

Quan điểm phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước ta là Con người là trung tâm của phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mỗi người dân.

Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển về mọi mặt, được tham gia, đóng góp và hưởng lợi, tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ mai sau.

Về mục tiêu phát triển bền vững được thể hiện cụ thể như sau:

– Bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các cân đối lớn; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế các bon thấp. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực.

– Xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, đồng thuận, công bằng, văn minh; nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật. Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển quan trọng. Giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

– Giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường. Khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo. Phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Hạn chế tác hại của thiên tai, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng.

Thông tin mà chúng tôi vừa gửi đến về phát triển bền vững là gì? Cùng một số nội dung liên quan, hi vọng với những chia sẻ trên sẽ giúp Khách hàng có thêm các kiến thức hữu ích.