Nội dung của bài thơ tiếng gà trưa là gì

[toc:ul]

A. Ngắn gọn những nội dung chính

1. Giới thiệu chung

  • Tác giả: Xuân Quỳnh (1942 – 1988), người làng La Khê, ven thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây, là nhà thơ nữ xuất sắc trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Thơ Xuân Quỳnh thường viết về những cảm gần gũi, bình dị trong đời sống gia đình và cuộc sống thường ngày, biểu hiện những rung cảm khát vọng của một trái tim phụ nữ chân thành, tha thiết, đằm thắm.
  • Tác phẩm: Bài thơ ra đời vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ , in lần đầu trong tập “ Hoa dọc chiến hào” (1968).
  • Nội dung chính: Bài thơ đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu, tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm, tình quê hương đất nước. Bài thơ làm theo thể loại năm tiếng, có cách diễn đạt tình cảm tự nhiên và nhiều hỉnh ảnh bình di, chân thực.

2. Phân tích bài thơ

a. Tiếng gà trưa làm thức dậy tình cảm làng quê :

  • Khung cảnh: Trên đường hành quân xa, trưa nắng, mệt mỏi người chiến sĩ dừng chân nghỉ lại bên xóm nhỏ chợt nghe tiếng gà trưa nhảy ổ: “cục …cục tác cục ta”.
  • Điệp từ : nghe – nhấn mạnh cảm giác khi nghe tiếng gà trưa – cảm xúc lan toả trong tâm hồn
  • Hình ảnh ngôn ngữ chân thực, giản dị.
  • Cảm giác mới lạ: nắng trưa xao động, bàn chân đỡ mỏi, tuổi thơ hiện về.

=> Tiếng gà trưa gọi về kỉ niệm tuổi thơ, tình cảm xóm làng và xua tan những vất vả, mệt nhọc trên đường hành quân.

b. Tiếng gà trưa gắn liền với kỉ niệm ấu thơ thân thương

* Những hình ảnh và kỷ niệm của bài thơ được gợi lại từ “tiếng gà trưa”:

  • Tiếng gà trưa đã khơi dậy hình ảnh những con gà mái với những quả trứng hồng
  • Kỉ niệm xem trộm gà đẻ bị bà mắng
  • Hình ảnh bà đầy yêu thương, chắt chiu, dành dụm từng quả trứng cho cháu
  • Niềm vui và mong ước nhỏ bé của tuổi thơ: được quần áo mới

⇒ Những kỉ niệm tuổi thơ bình dị, gần gũi, hồn nhiên không thể nào quên của gia đình làng quê Việt Nam.

* Kỷ niệm về bà và tình bà cháu sâu đậm:

Hình ảnh của bà trong kỉ niệm của cháu:

  • Lời trách mắng yêu của bà:=> Lời mắng xuất phát từ tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của bà dành cho cháu
    • Gà đẻ mà mày nhìn
    • Rồi sau này lang mặt
  • Hình ảnh bàn tay bà:
    • Tay bà khum soi trứng
    • Dành từng quả chắt chiu=> Bà chắt chiu trong cảnh nghèo khó, dành trọn vẹn tình yêu thương, sự chăm lo cho cháu
  • Bà lo lắng cho đàn gà khi đông tới:
    • Lo đàn gà toi
    • Lo cho cháu tết không có quần áo mới.=> Lo vì niềm vui của cháu, của tuổi già cô đơn của bà. Nỗi lo chân thật trong cuộc sống khó khăn- Tình yêu thương giản dị, thầm lặng.

-> Chi tiết chân thực, giản dị: Bà muốn cháu sau này xinh đẹp, có hạnh phúc->Lo lắng, hiền từ, yêu cháu.

=> Cuộc sống tần tảo sớm khuya hi sinh vì cháu, luôn muốn dành cho cháu những gì tốt đẹp nhất.

c. Tiếng gà trưa và những suy tư của người chiến sĩ

  • Âm thanh xao động của tiếng gà trưa bình dị mà thiêng liêng, nó gợi tình cảm đẹp trong lòng người chiến sĩ hành quân ra trận. Âm thanh ấy như tiếng của quê hương, đất mẹ thân yêu.
  • Những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ như tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ chiến đấu vì Tổ quốc và cũng vì người bà thân yêu của mình: ” Cháu chiến đấu hôm nay Vì lòng yêu Tổ quốc Bà ơi, cũng vì bà…”
  • Điệp từ “vì”: khẳng định mục đích chiến đấu của người chiến sĩ: bảo vệ Tổ quốc, gia đình, quê hương, mục đích lớn lao được bắt nguồn từ những gì bình thường, giản dị nhất.

B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

1. Tiếng gà trưa làm thức dậy tình cảm làng quê

  • Điệp từ: nghe được cảm nhận qua thính giác, cảm nhận bằng tâm tưởng, hồi ức, bằng cảm xúc của tâm hồn. Như vậy ở đây có sự chuyển đổi cảm giác. Chữ nghe được điệp lại làm cho giọng thơ ngọt ngào hơn, tha thiết hơn, mở ra những liên tưởng đáng yêu.
  • Chỉ một tiếng gà đã khơi dậy trong lòng người lính hành quân bao kỉ niệm khó phai:
    • Tiếng gà là âm thanh của làng quê, âm thanh bình dị, thân thuộc bao đời, âm thanh mang lại niềm vui cho con người chốn thôn quê.
    • Tiếng gà vang lên phá tan cái tĩnh lặng buổi trưa của làng quê, tiếng gà đem lại niềm vui.
    • Tiếng gà gợi kỉ niệm ấu thơ.

=>Như vậy, tiếng gà nhảy ổ như một phép thần kì đã truyền cho người chiễn sĩ bao niềm vui, bao nghị lực. Người lính trẻ nghe tiếng gà trưa như cảm thấy trong nắng trưa đang lung linh, đang nhảy múa xôn xao trước mắt thật vui, tưởng như có làn gió mát thổi qua tâm hồn mình làm vơi đi, làm dịu bớt ánh nắng buổi trưa, như xua tan cái mệt mỏi và tiếp thêm sức mạnh để vượt qua chặng đường phía trước, sẵn sàng dấn thân vào cuộc chiến đấu đầy gian khổ.

2. Tiếng gà trưa gắn liền với kỉ niệm ấu thơ thân thương

*Những kỉ niệm tuổi thơ:

  • Tiếng gà trưa cất lên nơi xóm nhỏ, người chiến sĩ nhớ về người bà thân yêu. Tuổi thơ sống bên bà có biết bao kỉ niệm đáng nhớ. Tuổi thơ ấy được dệt lên bởi những kỉ niệm về những chị gà mái mơ, gà mái vàng, về chuyện nhìn gà đẻ bị bà mắng yêu, về hình ảnh bà khum soi trứng, về tấm lòng chắt chiu, âu yếm của bà và nỗi khao khát có được quần áo mới.
  • Ước mơ tuổi thơ đi vào giấc mơ đẹp như giấc mơ hồng.
  • Là hạnh phúc nhỏ bé, giản dị, trong lành, tinh khiết của trẻ em nông thôn VN thời chiến tranh chống Mĩ.
  • Là lý do, mục đích cao quí để chiến đấu, hy sinh suốt cuộc đời.

-> Hình ảnh ấy vấn vương tâm hồn, đi suốt tuổi ấu thơ, trở thành kỉ niệm ấm lòng, thiêng liêng của cháu.

*Hình ảnh người bà và tình bà cháu:

  • Bà là người luôn ở bên cháu, bảo ban nhắc nhở, có đôi khi trách mắng cũng là trách mắng yêu thương. Tiếng gà trưa đã gợi cho cháu nhớ lại những năm tháng nhọc nhằn, vất vả mà đầy yêu thương và tươi vui ấy. Qua những lời thơ chân thành ta thấy được một hình ảnh người bà vất vả, tảo tần và luôn yêu thương, lo lắng cho cháu.
  • Cháu còn làm sao quên được hình ảnh Tay bà khom, soi trứng… bà “tần tảo” “chắt chiu” từng quả trứng hồng cho con gà mái ấp là cháu lại nhớ đến bao nỗi lo của bà khi mùa đông tới”. Bà chắt chiu, tần tảo sớm khuya muốn cho cháu áo mới ngày tết, muốn cho cháu những điều tốt đẹp nhất, niềm hạnh phúc của cháu chính là niềm vui của bà. Tình cảm yêu thương nồng hậu bà luôn dành trọn cho cháu, cho con. Tuổi thơ sống bên bà đây là quãng đời đầy ắp những kỉ niệm khó quên.

3. Tiếng gà trưa và những suy tư của người chiến sĩ

  • Kết thúc rõ ràng, dễ hiểu, giản dị không đơn giản. => Từ một tiếng gà trưa mà suy nghĩ, liên tưởng, nhớ lại, bồi hồi thương yêu bà, yêu quê nghèo. Từ đó đem cả tiếng gà trưa vào cuộc chiến đấu.
  • Từ vì được lặp lại khẳng định niềm tin chân thưc, chắc chắn của con người vì mục đích chiến đấu hết sức cao cả, bình thường, giản dị.

=> Tình cảm bà cháu đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương, đất nước của mỗi chúng ta. Tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu Tổ quốc bắt nguồn từ những tình cảm gia đình thật gần gũi, thân thương và cũng thật sâu sắc. Những tình cảm thiêng liêng, gần gũi ấy như tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ, như tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người để chiến thắng…

=> Như vậy đối với ngưòi chiến sĩ âm thanh của tiếng gà trưa như là nút khởi động, như là chiếc đũa thần chỉ chạm khẽ vào kí ức đã làm sống dậy những tình cảm, những kỉ niệm tuổi ấu thơ. Không những thế đối với cuộc sống hiện tại âm thanh ấy còn như lời thúc giục người chiến sĩ chiến đấu vì lí tưởng cao đẹp. Rõ ràng nếu không phải là ngưòi yêu mến và gắn bó với gia đình với quê hương đất nước thì làm sao một âm thanh rất đỗi bình dị ấy lại gợi lên trong lòng người chiến sĩ những tình cảm lớn lao cao đẹp như vậy.

4. Tổng kết

  • Nội dung- Ý nghĩa: Những kỉ niệm về người bà tràn ngập yêu thương làm cho người chiến sĩ thêm vững bước trên đường ra trận.
  • Nghệ thuật:
    • Sử dụng hiệu quả điệp ngữ có tác dụng nối mạch cảm xúc, gợi nhác kỉ niệm lần lượt hiện về.
    • Thể thơ 5 tiếng phù hợp với việc vừa kể chuyện vừa bộc lộ tâm tình.