Nội dung của bài thơ cảnh ngày hè là gì

A. Ngắn gọn những nội dung chính

1. Giới thiệu chung

  • Tác giả: Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu là Ức Trai, quê ở làng Chi Ngại (Chi Linh, Hải Dương) sau rời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) là một nhà thơ nổi tiếng của thời trung đại. Ông là vị quan triều đình liêm khiết và là quân sự đắc lợi cho vua Lê Lợi khi chiến thắng quân Minh. Chính sự liêm khiết của ông khiến nhiều người ghen ghét hãm hại. Ông chán nản vì không được tin dùng như trước nên đã cáo quan về quê ở ẩn để giữ tấm lòng trong sạch. Đến khi vua mới lên ngôi lại cho vời ông ra làm quan nhưng vì vướng phải án oan vườn vải Lệ Chi viên cho nên ông đã bị truy vào tội tru di cửu tộc, mãi về sau mới được giải oan. Ông để lại những tác phẩm lớn như: Trung Quân từ mệnh tập, Ức Trai thi tập, Dư địa chí…
  • Tác phẩm: Quốc âm thi tập là tác phẩm phản ánh vẻ đẹp con người Nguyễn Trãi (lí tưởng nhân nghĩa; lòng yêu nước, thương dân; tình yêu thiên nhiên, quê hương, con người, cuộc sống,…).
  • Bài thơ “Cảnh ngày hè”: trích trong “Quốc âm thi tập” thể hiện vẻ đẹp độc đáo của bức tranh ngày hè và vẻ đẹp tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, đất nước của Nguyễn Trãi.

2. Phân tích văn bản

a. Sáu câu thơ đầu: Bức tranh ngày hè

  • Câu 1: Tâm thế của nhà thơ
    • “rồi” : rỗi rãi, không vướng bận
    • “hóng mát” : thư thái, thảnh thơi
    • Cách ngắt nhịp : 1/2/3

-> Nhấn mạnh vào hoàn cảnh đặc biệt của Nguyễn Trãi: giây phút nghỉ ngơi hiếm có của nhà thơ -> tâm thế thư thái, thanh thản khi đến với thiên nhiên.

  • Câu 2, 3, 4: Bức tranh thiên nhiên
    • Cách ngắt nhịp 3/4: làm nổi bật cảnh sắc của mùa hè.
    • Hình ảnh: cây hòe, cây lựu, hoa sen -> mộc mạc, giản dị chốn thôn quê.
    • Đặc trưng của mùa hè thể hiện qua bước đi của thời gian: đầu hạ, giữa hạ, cuối hạ.
    • Màu sắc: hòe lục, lựu đỏ, sen hồng -> đậm đà, rực rỡ.
    • Trạng thái cảnh vật: sử dụng các động từ mạnh, tính từ sắc thái hóa “đùn đùn” – dồn dập tuôn ra, “giương”, “phun”, “tiễn”.

-> Cảnh vật đang tự thôi thúc, ứa căng sự sống đua nhau trổ dáng, khoe sắc, tỏa hương.

  • Câu 5, 6: Bức tranh cuộc sống con người
    • Thời điểm: “lầu tịch dương” – cuối ngày
    • Âm thanh:
      • “lao xao”: gợi sự ồn ào, náo nhiệt nơi chợ cá.
      • “Dắng dỏi” rộn rã, ngân dài của tiếng ve.
    • Nghệ thuật đảo ngữ “lao xao chợ cá”, “dắng dỏi cầm ve” -> nhấn mạnh không khí nhộn nhịp của chiều hè nơi làng quê.

=> Bức tranh rộn rã, tươi vui, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

b. Hai câu thơ sau: Vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ

  • Ngu cầm – đàn của vua Ngu Thuấn, bậc minh quân gắn với khúc hát Nam Phong → mơ ước cho nhân dân có cuộc sống giàu đủ.
  • Câu 8: 6 chữ dồn nén cảm xúc cả bài thơ → điểm kết tụ của hồn thơ Ức Trai ko phải ở thiên nhiên tạo vật mà chính ở cuộc sống con người, ở nhân dân.

→ Khát vọng về cuộc sống thái bình, no ấm, hạnh phúc cho nhân dân (dân giàu đủ) và đó phải là cuộc sống thái bình, ấm no, hạnh phúc cho tất cả mọi người ở mọi nơi (khắp đòi phương).

B. Phân tích chi tiết nội dung bài học

1. Phân tích chi tiết bài thơ

a. Sáu câu thơ đầu: Bức tranh ngày hè

  • Bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống, cảnh vật tươi tắn, rực rỡ
    • Hình ảnh thơ: hoa hòe, thạch lựu, hồng liên
    • Màu sắc: màu xanh của cây hòe, màu đỏ của cây thạch lựu, màu hồng của hồng liên – những màu sắc tươi tắn, rực rỡ, căng tràn nhựa sống.
    • Sử dụng các động từ mạnh: đùn đùn, giương, phun, tiễn. Cảnh vật được miêu tả với những động từ mạnh thể hiện một sức sống mãnh liệt như có một cái gì đó thôi thúc bên trong, sức sống như ứa căng, tràn đầy.

→ Tác giả sử dụng những hình ảnh thơ bình dị, gần gũi, quen thuộc, độc đáo và có sự phá cách, khác hẳn với những hình ảnh thơ mang tính ước lệ, tượng trưng vốn thường được sử dụng trong Đường thi

  • Bức tranh cảnh ngày hè sôi động, náo nhiệt gắn với cuộc sống của con người
    • Âm thanh sôi động, dân dã gắn với cuộc sống đời thường: âm thanh của tiếng ve, tiếng lao xao của chợ cá
    • Hình ảnh thơ gần gũi: chợ cá làng ngư phủ, lầu tịch dương
    • Sử dụng từ láy có giá trị tượng thanh (lao xao) cùng với nghệ thuật đảo ngữ trong câu 5 và câu 6 đã góp phần tạo nên nét nhộn nhịp của bức tranh hè và cuộc sống sung túc, ấm no, đủ đầy của con người.
  • Bức tranh cảnh ngày hè có sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc và âm thanh, giữa cảnh vật và con người:
    • Cảnh vật ngày hè ngập tràn màu sắc, sự kết hợp màu độc đáo giữa màu đỏ của hoa lựu trước hiên với cây hòe xanh rợp bóng cùng với âm thanh của tiếng ve, của chợ cá khiến không gian tràn đầy sức sống.
    • Trong không gian cảnh hè ấy, hình ảnh con người hiện lên với sự sung túc, hạnh phúc trong lao động.

⇒ Qua cảm nhận của tác giả, bức tranh cảnh ngày hè hiện lên thật sống động, có sự hài hòa giữa đường nét, màu sắc, âm thanh, cảnh vật và con người. Cảnh vật được nhìn từ gần đến xa, từ cao xuống thấp. Đồng thời, bức tranh ấy hiện lên thật nhộn nhịp, sôi động và luôn căng tràn sức sống, tất cả như đang muốn trào dâng ra bên ngoài.

b. Hai câu sau: Vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ

  • Tình yêu thiên nhiên say đắm: Nguyễn Trãi đã cảm nhận và miêu tả bức tranh thiên nhiên rất tinh tế bằng nhiều giác quan:
    • Thị giác: cảm nhận được màu sắc của hòe, của thạch lựu
    • Khứu giác: cảm nhận được mùi hương của hoa sen
    • Thính giác: nghe được tiếng ve, tiếng lao xao của chợ cá
  • Mong ước của tác giả và tình yêu nước, thương dân sâu sắc:
    • Ung dung, tự tại, không muốn vướng bận đến chuyện quan trường nhưng nhà thơ luôn nghĩ về dân, về nước. Tác giả mong có cây đàn của vua Ngu Thuấn để hát ca mong muốn mang lại cuộc sống ấm no, sung túc, yên vui cho nhân dân muôn nơi.
    • Câu thơ 6 tiếng, ngắn gọn kết thúc bài thơ như làm dồn nén lại cảm xúc.
    • Nghệ thuật: sử dụng điển cố điển tích

⇒ Đằng sau vẻ đẹp của bức tranh cảnh ngày hè đó chính là vẻ đẹp của tâm hồn Ức Trai. Đó là tình yêu thiên nhiên, đất nước, nhân dân và mong ước, khát vọng về cuộc sống ấm no, thái bình, hạnh phúc cho muôn dân.

2. Tổng kết:

  • Nội dung: tả cảnh ngày hè cho thấy tâm hồn Nguyễn Trãi chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, đất nước.
  • Nghệ thuật: Sử dụng từ láy độc đáo, thể thơ thất ngôn xen lục ngôn, ngôn ngữ giản dị, tinh tế xen lẫn từ Hán và điển tích.
  • Ý nghĩa: Tư tưởng lớn xuyên suốt trong sự nghiệp trước tác của Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân và để lại bài học cho thế hệ thanh niên hiện nay.