Nhận diện thương hiệu là gì

Bộ nhận diện thương hiệu là yếu tố mang lại sức sống cho thương hiệu và giúp thương hiệu kết nối với khách hàng.

Từ lâu, “thương hiệu” đã trở thành một thành phần không thể thiếu của xã hội tiêu dùng hiện đại. Thương hiệu tồn tại ở mọi nơi, từ đôi giày chúng ta mang cho đến chiếc xe chúng ta chạy trên đường hàng ngày.

Tuy nhiên, mặt trái của sự bùng nổ này chính là việc người tiêu dùng ngày càng có quá nhiều lựa chọn và quá ít thời gian để quyết định. Một người chỉ vừa tìm kiếm ý tưởng về món quà sinh nhật dành tặng bạn đời của mình trên Google, ngay lập tức sẽ có hàng triệu kết quả xuất hiện và tranh nhau cú nhấp chuột của anh ta.

Vậy làm sao để thương hiệu có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt trong bối cảnh như thế? Có rất nhiều cách để thực hiện việc khác biệt hóa, và một trong số đó chính là bộ nhận diện thương hiệu. Trong bài viết này, Vũ sẽ giải thích, phân tích định nghĩa, ưu điểm và quy trình thiết kế một bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh.

Bộ nhận diện thương hiệu là gì?

Trước khi tìm hiểu về bộ nhận diện thương hiệu, chúng ta cần phải hiểu “thương hiệu” là gì. Vũ đã có một bài viết chia sẻ về khái niệm này. Các bạn có thể xem thêm tại đây:

Trong bài viết trên, Vũ định nghĩa thương hiệu là cách thức mà một tổ chức hoặc cá nhân tạo ra trải nghiệm cho khách hàng. Những trải nghiệm này được mọi người cảm nhận một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, thương hiệu không chỉ đơn giản là một cái tên, một câu khẩu hiệu, một logo, một trang fanpage…

Tesla, dù không hề sở hữu một tài khoản facebook nào, vẫn là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới. Nhiều người còn chẳng biết khẩu hiệu của Coca Cola hay Pepsi là gì, nhưng đây luôn là hai lựa chọn hàng đầu khi họ chuẩn bị cho các buổi tiệc.

Thương hiệu là sự cảm nhận, nhận biết về giá trị của sản phẩm, hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp khơi gợi lên. Khách hàng sẽ ghi nhớ và hình thành mối liên kết với thương hiệu từ những cảm nhận, nhận biết ấy.

Một tác phẩm xuất sắc của một họa sĩ vô danh, dù đẹp đến mấy cũng sẽ có giá không quá vài chục nghìn đô la. Ngược lại, một bức tranh dù chẳng ai hiểu ý nghĩa, nhưng xuất hiện chữ ký của danh họa Pablo Picasso thì hiển nhiên sẽ được định giá hàng chục triệu đô la. Đó chính là cách thương hiệu hoạt động trong cuộc sống.

Thương hiệu là sự cảm nhận, nhận biết về giá trị của sản phẩm, hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp khơi gợi lên. Khách hàng sẽ ghi nhớ và hình thành liên kết với thương hiệu từ những cảm nhận, nhận biết ấy.

Nhưng nếu vậy có thể bạn sẽ thắc mắc, thương hiệu chỉ là những giá trị và cảm nhận trừu tượng, vô hình, làm sao để chúng ta hiện thực hóa những giá trị đó? Đây là lúc chúng ta bàn đến “bộ nhận diện thương hiệu”.

Bộ nhận diện thương hiệu là các yếu tố hữu hình và có khả năng kích thích các giác quan của người khác. Bộ nhận diện thương hiệu bao gồm những thứ chúng ta có thể nhìn thấy, nghe thấy, cầm nắm hay chạm vào được, bao gồm:

  • Tên thương hiệu
  • Logo thương hiệu
  • Tagline/Slogan thương hiệu
  • Màu sắc, kiểu chữ thương hiệu
  • Bộ nhận diện thương hiệu ứng dụng văn phòng: brochure, sổ tay, chữ ký email,…
  • Bộ nhận diện thương hiệu online: Website, mạng xã hội,…
  • Bộ nhận diện thương hiệu ngoài trời: billboard, banner,…
  • Các ấn phẩm quảng cáo khác

Bộ nhận diện thương hiệu xuất hiện ở mọi điểm chạm với khách hàng và đại diện cho thương hiệu một cách trực quan. Chúng giúp truyền tải thông tin, bản sắc thương hiệu để khách hàng trải nghiệm. Bộ nhận diện thương hiệu là yếu tố trực tiếp tạo ra những nhận thức, cảm xúc mà thương hiệu muốn khách hàng nghĩ về mình.

Nhắc đến Apple, trong vòng chưa đến một giây mọi người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh quả táo cắn dở. Khi nghe thấy bật nắp của lon Coca Cola, chúng ta liên tưởng đến những bữa tiệc vui vẻ, tràn đầy hứng khởi. Hoặc khi thấy một người mặc áo khoác xanh lá cây chạy xe trên phố, còn thương hiệu nào khác khiến bạn nghĩ đến ngoài Grab?

Đó chỉ là ba trong số vô vàn những ví dụ về cách mà bộ nhận diện thương hiệu tác động đến tâm trí của con người. “Tác động” ở đây bao gồm việc thương hiệu sẽ được nhớ đến hoặc nhận ra giữa hàng trăm đối thủ khác, và việc thương hiệu sẽ tạo sự kết nối về mặt lý tính lẫn cảm tính với khách hàng ra sao.

Tất nhiên, những kết quả này chỉ đến khi doanh nghiệp sở hữu một bộ nhận diện thương hiệu hiệu quả.

Đặc điểm của một bộ nhận diện thương hiệu hiệu quả

Trong quá trình tư vấn, Vũ nhận thấy có không ít doanh nghiệp nhầm lẫn rằng bộ nhận diện thương hiệu chỉ bao gồm những yếu tố hình ảnh và thiết kế đẹp mắt. Một số người còn đơn giản hơn, cho rằng bộ nhận diện thương hiệu chỉ cần một logo nhìn “hợp mắt” là đủ và tỏ ra khó hiểu khi nghe đến các khái niệm khác. Nếu xây dựng thương hiệu dễ như thế thì chẳng phải ai cũng trở thành Nike, Uniqlo, Gucci mới rồi sao?

Khách hàng – những người nắm quyền quyết định đối với thương hiệu – cảm nhận tính nhận diện bằng nhiều giác quan. Trong vòng năm phút đi xe máy, họ đã có “cơ hội” được nhìn khoảng 20 logo khác nhau rồi. Vậy làm cách nào để thương hiệu được nhận ra, chứ chưa nói đến việc được ghi nhớ, nếu chỉ cạnh tranh bằng thị giác?

Điều các nhà lãnh đạo cần làm trước tiên là thay đổi suy nghĩ “bộ nhận diện thương hiệu chỉ gồm logo”, rồi hãy bàn đến chuyện phát triển thương hiệu của mình một cách nghiêm túc. Vì thương hiệu giao tiếp với khách hàng thông qua nhiều điểm chạm khác nhau trong suốt hành trình trải nghiệm, nếu dựa vào mỗi logo và ngân sách chạy quảng cáo Facebook, chắc chắn sẽ không đủ.

Theo quan điểm của Vũ, một bộ nhận diện thương hiệu hiệu quả sẽ phải đảm bảo ba yêu cầu sau: khác biệt, đơn giản và nhất quán.

Bộ nhận diện thương hiệu phải khác biệt: không chỉ gói gọn trong lĩnh vực thương hiệu, “khác biệt” gần như là quy tắc bất biến khi kinh doanh. Mỗi năm, ở Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp được thành lập nhưng cũng có hơn 70.000 doanh nghiệp khác ngừng hoạt động hoặc giải thể. Nếu thương hiệu không khác biệt, rất khó để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như thế.

Có người sẽ cho rằng chỉ cần ăn theo, “đạo nhái” lại những thương hiệu đã thành công từ trước, khách hàng sẽ chẳng phân biệt được thật giả. Hoặc có những doanh nghiệp khát khao sự nổi tiếng nhanh chóng đến mức tự đặt cho mình những tên gọi rất lố bịch, hoặc sử dụng chiêu trò phản cảm trong truyền thông nhằm thu hút công chúng.

Theo Vũ, những cách làm trên có thể mang lại cho thương hiệu thành công trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ rất khó để phát triển. Vì nếu phân tích, chúng ta sẽ thấy những thương hiệu đó chỉ sở hữu vẻ “bên ngoài” thu hút, còn “bên trong” lại chẳng có gì. Họ chưa xây xong nền nhà thì đã lo trang trí nội thất của ngôi nhà.

Khi xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, yếu tố “khác biệt” được hiểu là những điều mang lại nhận thức, cảm nhận tích cực cho khách hàng mà chỉ thương hiệu mới có. Đó không cần phải là thứ gì quá lớn lao. Sự khác biệt có thể nằm ở ý nghĩa của một cái tên, một câu tagline, một màu sắc, một mascot,…

Bộ nhận diện thương hiệu phải đơn giản: người dùng ngày nay phải đối diện với hằng hà sa số nguồn thông tin khác nhau. Những video TikTok, danh sách email công việc cần giải quyết, lịch học thêm của con cái,… Lượng thông tin mà não bộ phải tiếp nhận trong một ngày là vô cùng nhiều.

Điều này dẫn đến việc bộ nhận diện của thương hiệu cần phải đơn giản. Vì nếu quá phức tạp thì khách hàng sẽ tự động bỏ qua thương hiệu. Khách hàng không hề kiên nhẫn như chúng ta tưởng đâu. 5 giây quảng cáo trên Youtube đã khiến họ khó chịu, vậy bạn nghĩ họ sẽ dành cho chúng ta bao nhiêu thời gian? Mặt khác, một logo nhiều chi tiết cũng khiến thương hiệu gặp khó khăn khi in ấn hoặc khi cần thu nhỏ.

Ngược lại, bộ nhận diện thương hiệu không nên đơn giản quá mức, vì sẽ rất dễ gây cảm giác nhàm chán cho người dùng. Thử nghĩ mà xem, những logo nổi tiếng nhất thế giới đa phần đều đơn giản nhưng không hề nhàm chán. Apple, Google, Nike,… và rất nhiều thương hiệu khác.

Công thức ở đây chính là: đơn giản và khác biệt. Khi đáp ứng được hai yêu cầu trên, bộ nhận diện thương hiệu sẽ trở nên dễ nhận diện và dễ nhớ hơn trong tâm trí khách hàng.

Bộ nhận diện thương hiệu phải nhất quán: một bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh cần phải được áp dụng nhất quán ở mọi điểm chạm với khách hàng. Điều này có nghĩa là mọi hình ảnh, kiểu chữ, màu sắc,… của thương hiệu phải đồng bộ với nhau trên các nền tảng truyền thông. Theo một nghiên cứu, việc thương hiệu xuất hiện đồng nhất sẽ có thể giúp tăng doanh thu lên đến 23%.

Sự không nhất quán sẽ dẫn đến những mối nghi ngờ của khách hàng, thứ rất dễ khiến họ từ bỏ thương hiệu và chuyển sang những đối thủ khác. Làm sao bạn tin tưởng được một thương hiệu mà mỗi chiến dịch truyền thông lại sử dụng một màu sắc, một kiểu chữ, một slogan khác nhau? Những thương hiệu đó muốn khách hàng nhớ gì về họ đây?

Hãy nhất quán. Đừng cố chạy theo xu hướng. Năm nay mọi người thích màu vàng, bạn chọn màu vàng làm màu thương hiệu, chẳng lẽ năm sau họ thích màu xanh dương, bạn lại chuyển sang màu xanh dương. Khách hàng chọn thương hiệu trước tiên là vì những giá trị của thương hiệu đó, không phải vì các “trend” đang gây bão mạng xã hội.

Trên đây là ba yếu tố mà một bộ nhận diện thương hiệu cần đảm bảo. Tuy nhiên, những yếu tố này chỉ là điều kiện cần khi xây dựng thương hiệu. Điều kiện đủ chính là sự kiên trì, bền bỉ để phát triển thương hiệu trong thời gian dài.

Xây dựng thương hiệu là một quá trình chứ không phải mục tiêu. Quả táo Apple, chú chim xanh Twitter,… không thể nào phổ biến toàn thế giới ngay từ khi mới ra mắt. Mọi thứ đều cần thời gian, và thương hiệu của bạn cũng không phải ngoại lệ.

Những lợi ích của bộ nhận diện thương hiệu

Một bộ nhận diện thương hiệu tốt cũng giống như vẻ bề ngoài, phong cách ăn mặc của chúng ta. Nếu trong lần đầu gặp mặt, đối phương xuất hiện trong bộ dạng xuề xòa, luộm thuộm, liệu bạn còn muốn gặp gỡ người đó lần thứ hai hay không?

Theo quan điểm của Vũ, một bộ nhận diện thương hiệu hiệu quả sẽ đảm bảo:

  • Giới thiệu thương hiệu: trước khi “hiểu” và “nhớ” thì khách hàng cần phải “biết” thương hiệu là ai. Bộ nhận diện thương hiệu sẽ giới thiệu hình ảnh, tên, ngành nghề, và lĩnh vực hoạt động của thương hiệu đến người dùng. Bộ nhận diện thương hiệu mang lại cho thương hiệu một “định danh”, giúp khách hàng phân biệt thương hiệu với các đối thủ khác.
  • Chuyên nghiệp hóa thương hiệu: điều khác biệt giữa một doanh nghiệp đầu tư bộ nhận diện và một doanh nghiệp không làm điều đó chính là sự chuyên nghiệp. Một nhà hàng sở hữu phong cách thống nhất sẽ mang lại cảm giác khác hoàn toàn so với một quán ăn vỉa hè. Một fanpage thống nhất về hình ảnh chắc chắn sẽ đáng tin hơn một fanpage mỗi bài một kiểu.
  • Thu hút khách hàng tiềm năng: cũng giống như cách Harley Davidson, Apple,… sở hữu một cộng đồng riêng cho mình, những thương hiệu xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu tốt sẽ thu hút được khách hàng tiềm năng. Một bộ nhận diện thương hiệu ấn tượng sẽ là công cụ hiệu quả để bạn cạnh tranh với các đối thủ.
  • Xây dựng lòng tin khách hàng: chúng ta thường sẽ tin vào những thứ rõ ràng, minh bạch. Việc thương hiệu không thống nhất về thiết kế khi truyền thông cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của họ. Một bộ nhận diện thương hiệu nhất quán sẽ giúp khách hàng có thêm lòng tin với thương hiệu hơn.
  • Duy trì sức sống của thương hiệu: Một thương hiệu lớn không thể chỉ tồn tại trong vài năm. Có những thương hiệu đã bền bỉ tồn tại trong hơn 100 năm qua. Một bộ nhận diện thương hiệu tốt sẽ giúp thương hiệu của bạn không cần phải thay đổi quá nhiều về mặt hình ảnh trong khoảng thời gian này.

Quy trình thiết kế bộ nhận diện thương hiệu

Như rất nhiều lĩnh vực khác, chúng ta cần một quy trình riêng để thiết kế bộ nhận diện thương hiệu. Nếu không có quy trình, đội ngũ thiết kế sẽ không biết phải bắt đầu từ đâu. Trong phần tiếp theo, Vũ sẽ chia sẻ về các bước cần thiết để xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh.

Lưu ý, đây là quy trình được áp dụng cho đội ngũ sáng tạo được ủy quyền thiết kế bộ nhận diện cho thương hiệu (có thể là nội bộ doanh nghiệp hoặc agency) và tất nhiên, mỗi đội ngũ sẽ có kế hoạch riêng của mình, các bước dưới đây được đúc kết từ kinh nghiệm trong quá trình tư vấn và thực hiện dự án của Vũ Digital.

Bước 1: Phân tích

Không ai thiết kế bộ nhận diện thương hiệu mà lại đi ngay vào công đoạn sáng tạo trước khi tìm hiểu, phân tích đầy đủ dữ kiện. Việc phân tích cũng quan trọng như xây nền trong thiết kế bộ nhận diện thương hiệu. Nếu phần móng nền không đủ vững chắc thì ngôi nhà có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Một dự án thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cũng có thể sai lệch hoàn toàn nếu công đoạn nghiên cứu chỉ được thực hiện sơ sài.

Giai đoạn phân tích bao gồm thu thập và đánh giá các thông tin, dữ liệu liên quan đến thương hiệu. Những khía cạnh cần được phân tích bao gồm:

  • Tổng quan về thương hiệu và quá trình phát triển của thương hiệu
  • Thị trường, ngành hàng và đối thủ của thương hiệu
  • Nhóm khách hàng / người dùng mục tiêu của thương hiệu
  • Những đặc điểm cần lưu ý của thương hiệu
  • Mục tiêu tổng thể, thời hạn và ngân sách của dự án

Những câu hỏi này giúp đội ngũ thiết kế có được bức tranh tổng quát về thương hiệu và mục tiêu của dự án. Đây cũng là bước để giúp các bên cùng thống nhất về những yêu cầu, mong đợi trong quá trình làm việc.

Bước 2: Thảo luận

Việc thảo luận nhằm giúp đội ngũ sáng tạo tổng hợp, đánh giá những kết quả phân tích và yêu cầu của khách hàng. Đồng thời, đây là giai đoạn phản biện và đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan đến bộ nhận diện thương hiệu.

Thảo luận sẽ giúp xác định phong cách hoặc định hướng mà bộ nhận diện thương hiệu cần tập trung. Công đoạn này cũng giúp đội ngũ sáng tạo có cơ hội tiếp cận bản brief (bản yêu cầu) với nhiều góc nhìn hơn.

Trong giai đoạn thảo luận, những giám đốc sáng tạo (Creative Director) hoặc những Senior Designer nhiều kinh nghiệm sẽ là người dẫn dắt chính. Vai trò của họ là đưa ra chiến lược thiết kế tổng thể, định hướng, điều phối hoạt động của các designers khác.

Bước 3: Brainstorming

Brainstorm là thời điểm những ý tưởng bắt đầu được hình thành. Đội ngũ sáng tạo sẽ đưa ra thật nhiều ý tưởng, cách tiếp cận khác nhau đối với dự án, trước khi thống nhất một vài hướng tiếp cận cuối cùng.

Với nhiều người, đây là giai đoạn thú vị nhất trong quá trình thiết kế bộ nhận diện thương hiệu. Những chủ đề khi brainstorm có thể là:

  • Định hướng phong cách thiết kế, những nguồn cảm hứng nào có thể được tận dụng
  • Những hình ảnh, màu sắc, biểu tượng… có thể được dùng để nhấn mạnh sự khác biệt của thương hiệu
  • Những từ ngữ, tính từ để mô tả thương hiệu (tính cách, thuộc tính cảm xúc, v.v.)

Bước 4: Phát triển concept

Sau khi brainstorm, nhóm sáng tạo sẽ bắt đầu phát triển các concept ý tưởng dựa trên những gì đã bàn với nhau. Phát triển concept bao gồm việc sáng tạo ra nhiều ý tưởng cho các hạng mục khác nhau. Trong đó, hạt nhân của bộ nhận diện thương hiệu sẽ bao gồm :

  • Tên thương hiệu
  • Tagline thương hiệu
  • Logo thương hiệu

Riêng với designers, công đoạn này sẽ tập trung nhiều nhất vào việc thiết kế logo. Giai đoạn phát triển concept có thể được tiến hành độc lập hoặc các designers sẽ cùng nhau thực hiện. Số lượng ý tưởng được tạo ra sẽ phụ thuộc vào sự phân bổ thời gian và ngân sách của dự án.

Đội ngũ designers sẽ sketch (vẽ phác thảo) dựa trên những ý tưởng ban đầu hoặc những ý tưởng mới được họ nghĩ ra trong lúc làm việc và sáng tạo. Đây thường là những hình ảnh tương đối thô, được vẽ nhanh và không tuân theo một quy tắc cụ thể nào, miễn là chúng liên quan đến bộ nhận diện thương hiệu. Điều quan trọng ở thời điểm đầu chính là số lượng ý tưởng mà các designers có thể nghĩ ra.

Nhóm sáng tạo sau đó sẽ cùng review lại những bản sketch đã được vẽ và rút gọn lại thành danh sách cuối cùng. Đây là lúc “chất lượng” là yếu tố được xem xét kỹ hơn. Những ý tưởng có tiềm năng và phù hợp với định hướng thiết kế sẽ tiếp tục được các designers phát triển.

Bước 5: Hoàn chỉnh những concept cuối cùng

Đội ngũ sáng tạo sẽ hoàn chỉnh những concept được lựa chọn cho bộ nhận diện thương hiệu (tên thương hiệu, logo thương hiệu, tagline, màu sắc, kiểu chữ, bộ ấn phẩm…) trước khi trình bày với khách hàng.

Những concept được chọn (thường là 2 – 3 concept) cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Phù hợp với yêu cầu của khách hàng (phong cách, gu thẩm mỹ,…)
  • Phù hợp với chiến lược thiết kế đã được thống nhất từ bước 2
  • Đảm bảo truyền tải được thông điệp mà thương hiệu hướng đến

Riêng với logo, designers cần thử nghiệm nhiều phương án khác nhau về kích thước, màu sắc, kiểu chữ, họa tiết… để chọn ra phương án tối ưu nhất. Đồng thời, mọi chi tiết cần đảm bảo tính dễ nhận biết, rõ ràng và khác biệt cho bộ nhận diện thương hiệu.

Bước 6: Trình bày bộ nhận diện thương hiệu

Đây là công đoạn trình bày cho khách hàng thấy những gì mà đội ngũ sáng tạo đã thực hiện được trong suốt thời gian qua. Thông thường, giám đốc sáng tạo sẽ là người thuyết trình chính cho dự án của mình.

Buổi thuyết trình là lúc ban lãnh đạo đặt ra những câu hỏi cho đội ngũ sáng tạo. Họ sẽ có những khúc mắt về tính hiệu quả, khả thi hay ý nghĩa của bộ nhận diện thương hiệu, và đội ngũ sáng tạo cần phải chuẩn bị để giải đáp những thắc mắc đó.

Nhưng thay vì phải thuyết trình hết mọi thứ trong bộ nhận diện thương hiệu trong một ngày, bạn có thể chia thành nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của dự án để tránh những áp lực về mặt thời gian. Ví dụ, bạn có thể trình bày về tên thương hiệu trước, sau khi khách hàng thống nhất về tên thương hiệu mới bắt đầu lại quy trình trên với logo thương hiệu.

Thông thường, chỉ có một concept được chọn sau giai đoạn này. Đó sẽ là concept chính của dự án.

Bước 7: Hoàn tất thiết kế cuối cùng và bàn giao các tài liệu cần thiết

Concept được chọn sẽ được đội ngũ sáng tạo hoàn chỉnh dựa trên những yêu cầu thay đổi của khách hàng. Đó có thể là những điều chỉnh về màu sắc, kiểu chữ, đường nét,… nhưng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến tổng thể chung của concept.

Tất cả những yếu tố còn lại của bộ nhận diện thương hiệu sẽ được hoàn tất. Công đoạn tiếp theo sẽ là bàn giao các tài liệu cần thiết đến khách hàng. Những tài liệu đó bao gồm:

  • Các file thiết kế
  • Cẩm nang hướng dẫn sử dụng bộ nhận diện thương hiệu
  • Các lưu ý khi sử dụng bộ nhận diện thương hiệu

Bước 8: Đăng ký bảo hộ và sản xuất, ứng dụng bộ nhận diện thương hiệu

Thương hiệu cần đăng ký bảo hộ thương hiệu và bộ nhận diện thương hiệu nhằm tránh sự cố sao chép, đạo nhái ý tưởng thiết kế từ các đối thủ cạnh tranh.

Sau khi đăng ký bảo hộ, sản xuất và ứng dụng bộ nhận diện thương hiệu là khâu cuối cùng để hoàn thành dự án. Đội ngũ sáng tạo có trách nhiệm giám sát quá trình ứng dụng bộ nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp để đưa ra những sửa đổi cuối cùng. Đôi khi, đội ngũ sáng tạo còn là đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà cung ứng, sản xuất.

Trên đây là quy trình 8 bước để thiết kế một bộ nhận diện thương hiệu. Tất nhiên, thực hiện chuẩn xác 8 bước trên không đảm bảo cho thương hiệu một kết quả thành công ngay lập tức. Thương hiệu sẽ cần đến những chiến lược truyền thông, quảng bá phù hợp với mục tiêu của mình.

3 ví dụ về bộ nhận diện thương hiệu

Trong phần cuối của bài viết, Vũ sẽ chia sẻ những ví dụ về bộ nhận diện thương hiệu để các bạn hình dung rõ hơn về công việc này.

Bộ nhận diện thương hiệu Tamyha

Tamyha, tiền thân là Tân Mỹ Hạnh, là thương hiệu lâu năm trong ngành thép đến từ Việt Nam. Năm 2021, ban lãnh đạo của Tân Mỹ Hạnh tìm đến Vũ với mong muốn tìm kiếm một đơn vị hợp tác trong việc tái định vị, thiết kế và xây dựng hình ảnh thương hiệu.

Trải qua nhiều buổi thảo luận chuyên sâu, đội ngũ Vũ đã xác định vấn đề chính mà thương hiệu Tân Mỹ Hạnh đang gặp phải, trong đó bao gồm việc doanh nghiệp chỉ hoạt động dựa trên khả năng và năng lực sản xuất của công nhân viên, chứ chưa hề xây dựng định hướng phát triển cho lâu dài thương hiệu. Mặt khác, các yếu tố trong bộ nhận diện thương hiệu của Tamyha khi ấy đang dần trở nên lỗi thời, còn nhiều thiếu sót và cần được chỉnh sửa để phù hợp với mục tiêu kinh doanh.

Xuất phát với mục đích ban đầu chỉ đơn giản là thay đổi hình ảnh, Vũ đã định hướng Tân Mỹ Hạnh trở thành một thương hiệu hội tụ đầy đủ các thế mạnh của một doanh nghiệp hiện đại. Thông qua chiến lược phát triển, văn hóa doanh nghiệp và bộ nhận diện thương hiệu, Tân Mỹ Hạnh từ vị thế là một doanh nghiệp trong nước nay đã được công nhận là thương hiệu mang tầm cỡ quốc tế.

Riêng với bộ nhận diện thương hiệu, ý tưởng của Vũ là một logo mang phong cách abstract (trừu tượng). Logo giúp truyền tải thông điệp và tính kết cấu, sự che chở, và phát triển. Tên thương hiệu Tamyha sử dụng phông chữ tối giản và hiện đại.

Tagline mới của thương hiệu “Ý chí thép Việt, Tole tạo tương lai” cũng mang đến ý nghĩa về sự bền bỉ, cứng cỏi của thép, đồng thời gợi nhắc về sản phẩm chính của thương hiệu (Tole).

Ngoài ra, Vũ cũng chuyển đổi những sản phẩm khác của Tamyha như tôn pu, tôn sóng,… thành một hệ thống tín hiệu nhận diện xuyên suốt của thương hiệu. Điều này giúp khách hàng sẽ dễ dàng nhận biết thương hiệu và lĩnh vực kinh doanh chính của Tamyha.

Các bạn có thể xem thêm về dự án thiết kế chiến lược và bộ nhận diện thương hiệu Tamyha của Vũ Digital tại đây.

Bộ nhận diện thương hiệu VISA

VISA là thương hiệu dịch vụ tài chính đa quốc gia hàng đầu thế giới. Thế nhưng, thương hiệu này đã trải qua nhiều lần thay đổi bộ nhận diện thương hiệu của mình, lần gần đây nhất là vào năm 2021.

VISA đã phối hợp cùng agency Mucho để tái thiết kế lại bộ nhận diện, nhằm định vị thương hiệu như một mạng lưới đáng tin cậy, giúp tạo ra những giao dịch tài chính giữa mọi người với nhau, bất kể khoảng cách địa lý.

Logo của VISA đã được điều chỉnh dựa trên phiên bản trước đó, nhưng không tạo ra cảm giác quá khác biệt khiến người xem nhầm lẫn. Mucho đã cập nhật màu sắc tươi sáng và mạnh mẽ hơn cho logo. Bộ màu mới giúp logo hiển thị rõ hơn trên các nền tảng kỹ thuật số và các thiết bị khác nhau như điện thoại, máy tính bảng…

Ngoài ra, VISA còn tạo ra một bộ phông chữ (typography) và biểu tượng (icon) riêng cho thương hiệu. Chúng giúp đồng bộ các yếu tố thiết kế và tạo ra sự khác biệt riêng của VISA.

Bộ nhận diện thương hiệu Warner Bros.

Chúng ta chắc hẳn đã từng xem ít nhất một bộ phim được Warner Bros. sản xuất. Harry Potter, Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn, hay gần đây nhất là bom tấn Dune (Xứ Cát), đều đến từ tập đoàn giải trí này.

Và dù đã nổi tiếng như thế, Warner Bros. vẫn quyết định làm mới hình ảnh thương hiệu. Năm 2021, hãng đã hợp tác với Pentagram – một công ty chuyên về thiết kế – để câp nhật bộ nhận diện thương hiệu của mình.

Sau khi nghiên cứu và thảo luận, Warner Bros. cùng Pentagram đã thống nhất về định vị mới cho thương hiệu: “Chúng tôi tin vào sức mạnh của những câu chuyện” (We believe in the power of story). Từ nền tảng này, Pentagram đã tiến hành thay đổi diện mạo cho bộ nhận diện của thương hiệu.

Logo Warner Bros. phiên bản đầu tiên được thiết kế vào năm 1993. Chiếc khiên của hãng là một trong những biểu tượng thuộc hàng “kinh điển” trên thế giới và được xem như hình ảnh đại diện cho lĩnh vực giải trí toàn cầu.

Mặc dù đã quen thuộc với công chúng và mang lại cảm giác cổ điển của một thương hiệu điện ảnh lâu đời, logo này cũng có những mặt hạn chế riêng của mình khi bước vào thời đại kỹ thuật số.

Pentagram quyết định thay đổi điều này. Họ thiết kế một biểu tượng chiếc khiên mới theo phong cách đơn giản, nhằm giúp hiển thị logo trên nhiều nền tảng khác nhau và in ấn dễ dàng hơn. Logo xuất hiện với màu xanh lam đặc trưng của thương hiệu. Tên thương hiệu Warner Bros. mang một màu xanh đậm hơn, nhằm tạo sự tương phản với biểu tượng.

Ngoài ra, Pentagram cũng đã thiết kế một kiểu chữ riêng mang tên Warner Bros. Condesed Bold, nhằm tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu. Bộ nhận diện thương hiệu này hiện đang được sử dụng trên khắp các nền tảng truyền thông của Warner Bros.

Các bạn có thể xem thêm case study chi tiết của Warner Bros. tại đây.

Lời kết

Qua bài viết này, Vũ hy vọng các bạn đã hiểu được định nghĩa, ưu điểm của bộ nhận diện thương hiệu và quy trình tạo ra một bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh.

Bộ nhận diện là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến trải nghiệm, hành vi của khách hàng với thương hiệu. Một bộ nhận diện được xây dựng kỹ lưỡng sẽ đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Như Vũ đã viết, bộ nhận diện chỉ là điều kiện cần khi xây dựng một thương hiệu. Điều kiện đủ chính là sự kiên trì trong thời gian dài từ ban lãnh đạo của thương hiệu. Một công ty có bộ nhận diện thương hiệu đẹp nhất chưa chắc đã thành công nhất. Ngược lại, một thương hiệu có logo không quá cầu kỳ nhưng với chiến lược kinh doanh bài bản, sẽ có thể đạt được nhiều thành tựu trong tương lai.

Việc xây dựng thương hiệu là một cuộc chạy marathon, đây không phải một chặng nước rút như nhiều người lầm tưởng. Bộ nhận diện thương hiệu cũng giống như phương tiện giúp thương hiệu chinh phục được chặng đường đầy thử thách ấy. Hãy đầu tư nghiêm túc và kiên nhẫn, thương hiệu của bạn sẽ đạt được kết quả tích cực.

Xin chân thành cảm ơn,