Đời Sống

Nhà nước văn lang là gì

Trong lịch sử dựng nước, thời kỳ các vua Hùng với Nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên của Việt Nam được hình thành với những đặc trưng của hình thái nhà nước nguyên thủy, đã để lại dấu ấn về nền văn hóa đặc sắc cho dân tộc.

Người dân viếng Đền thờ Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: T.THÚY Người dân viếng Đền thờ Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: T.THÚY

Theo Đại Việt sử ký toàn thư của sử gia Ngô Sĩ Liên viết ở thế kỷ 15, Lạc Long Quân (theo truyền thuyết là cháu 5 đời của Thần Nông) cùng vợ là Âu Cơ (con gái Đế Lai) sinh được 100 người con trai; 50 người theo cha về bờ Biển Đông, 50 người theo mẹ về núi và suy tôn người con cả lên làm vua lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc – Phú Thọ.

* Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Nhà nước Văn Lang được hình thành vào khoảng năm 2879 TCN và kết thúc vào năm 258 TCN, có lãnh thổ phía đông giáp Nam Hải (tức Biển Đông), Tây tới Ba Thục, Bắc tới hồ Động Đình, Nam tới nước Hồ Tôn Tinh (còn gọi là nước Hồ Tôn, sau này là Chiêm Thành); lãnh thổ chia thành 15 bộ, còn gọi là quận. Còn dựa trên các di tích văn hóa đồ đồng đã được phát hiện, cho thấy lãnh thổ nước Văn Lang bao gồm khu vực Bắc bộ và 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay, có thể kéo dài tới Quảng Trị.

Nhiều tư liệu trước đây cho rằng cư dân Văn Lang không có chữ viết, vì thế rất thịnh hành các huyền tích, thần thoại truyền miệng, ghi nhớ sự việc bằng cách thắt nút dây. Tuy nhiên, những phát hiện về chữ viết tượng hình (khoa đẩu văn) trên di chỉ khảo cổ Đông Sơn đã khiến các nhà khoa học đặt ra giả thuyết đây là chữ viết trong thời đại Hùng Vương, người Việt cổ đã có chữ viết riêng trước khi nhà Hán, mà cụ thể là Thái thú Sĩ Nhiếp đưa chữ Hán vào nước ta vào năm 186, bắt buộc người dân nước ta phải sử dụng.

Có thể nói, Nhà nước Văn Lang là dạng nhà nước sơ khai, không thể xếp vào dạng nào trong 5 hình thái nhà nước của lịch sử phát triển thế giới; sự phân hóa xã hội và phân chia giai cấp chưa rõ rệt, nhưng chắc chắn đã hình thành sự phân tầng. Quyền lực của giai cấp thống trị chưa thấy xuất hiện ở thời đại này, thể hiện qua việc phong tục thuần hậu, mộc mạc, “vua tôi cùng đi cày, cha con tắm chung sông không chia giới hạn, không phân biệt uy quyền, thứ bậc” (Lịch triều hiến chương loại chí).

Trong hội thảo về văn hóa Hùng Vương năm 2011, có học giả Trung Quốc cho rằng Hùng Vương là người… Trung Quốc, bởi người Việt không có họ Hùng. Đây là lập luận “cưỡng từ đoạt lý”. Theo các nhà ngôn ngữ học, “Hùng” xuất phát từ “Kun” của người Mường, từ “Khun” trong tiếng Môn – Khmer và tiếng Thái, nhằm để chỉ tù trưởng hoặc thủ lĩnh. Vua Hùng hay Hùng Vương là từ chỉ chức danh của người tù trưởng bộ lạc Văn Lang – bộ lạc lớn mạnh nhất trong tất cả các bộ lạc định cư vùng Bắc bộ và Bắc Trung bộ thời bấy giờ, cơ sở tiền đề hình thành Nhà nước Văn Lang. Cách biến âm này có thể thấy ở tên gọi của vùng đất Mê Linh vốn có từ gốc là Mling – tên của một loài chim được tôn là vật tổ (totem) của bộ lạc.

Dưới Hùng Vương có các lạc hầu, lạc tướng. Nước Văn Lang có 15 bộ (trước là 15 bộ lạc), tổ chức hành chính dưới bộ là các công xã nông thôn (gọi là kẻ, chiềng, chạ) mà đứng đầu là bố chính. Tuy nhiên, nhà vua không áp đặt quản lý ở các đơn vị hành chính cơ sở mà do dân suy cử những người, dòng họ có thế lực, có uy tín. Như vậy, so với chế độ công xã nguyên thủy, với xã hội của các thị tộc trước đó, Nhà nước Văn Lang đã đưa toàn bộ các bộ lạc Việt cổ bước sang một thời đại mới, phù hợp với tiến trình phát triển của thế giới.

Về 18 đời vua Hùng kéo dài trong 2.622 năm, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần cho rằng 18 vua Hùng không phải là 18 người cụ thể, mà là 18 chi (nhánh/ngành); mỗi chi có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu. Thậm chí con số 18 có thể chỉ nên hiểu là con số tượng trưng ước lệ, vì 18 là bội số của 9 – vốn là con số thiêng trong văn hóa người Việt.

* Những thành tựu rực rỡ

Thời đại Văn Lang có sự phát triển mạnh về nông nghiệp. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, cư dân Văn Lang đã biết trồng lúa nước, theo nước triều lên xuống mà làm ruộng, gọi là ruộng Lạc; biết khắc phục thiên nhiên (truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh), sử dụng dụng cụ nông nghiệp (cày, cuốc, mai, thuổng) và dùng sức trâu bò thay sức người, nhờ vậy người dân có cuộc sống vật chất và tinh thần khá phong phú. Với nguồn lương thực chính là thóc gạo (gạo nếp và gạo tẻ), dân Văn Lang đã biết lấy ống tre thổi cơm (cơm lam), làm bánh (sự tích bánh chưng, bánh giầy); ngoài ra còn có khoai, sắn, thực phẩm có các loại cá, gia súc, gia cầm, rau củ. Đặc biệt, thời này người dân đã biết làm mắm và nước mắm, cũng biết lấy gạo làm rượu, men rượu được chế biến từ lá, vỏ, rễ một số loại cây, giống như rượu cần ngày nay.

Dâng lễ vật, hương hoa ở đền thờ Hùng Vương phường Bình Đa, TP.Biên Hòa. Dâng lễ vật, hương hoa ở đền thờ Hùng Vương phường Bình Đa, TP.Biên Hòa.

Cư dân Văn Lang có tập quán ở nhà sàn, nhuộm răng đen, ăn trầu (sự tích trầu cau), xăm mình. Theo Lĩnh Nam chích quái, dân ở rừng núi xuống sông ngòi đánh cá thường bị giao long (thuồng luồng) làm hại nên tâu lại với Hùng Vương. Hùng Vương bảo dân ta ở núi là loài rồng cùng với thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng mà ghét dị cho nên mới xâm hại. Bèn dạy dân lấy mực xăm hình thủy quái trên người, tránh được nạn giao long cắn hại. Tục xăm mình của người Việt cổ bắt đầu từ đây.

Ban đầu, người dân Văn Lang lấy vỏ cây làm áo mặc, phụ nữ mặc áo váy, nam giới đóng khố; biết dệt cỏ ống làm chiếu nằm, sau đó biết sáng chế dụng cụ xe sợi bằng đất nung – tiền đề của việc dệt vải. Cả nam lẫn nữ đều thích dùng đồ trang sức. Người dân cũng biết gác cây làm nhà để tránh thú dữ, giống nhà sàn hiện nay. Tín ngưỡng phổ biến của cư dân Văn Lang là sùng bái tự nhiên, thờ thần Mặt Trời (ngôi sao nhiều cánh ở giữa mặt trống đồng là tượng trưng cho thần Mặt Trời), thần Sông, thần Núi… Người Việt cũng có tín ngưỡng phồn thực thể hiện niềm tin của con người trong nguyện cầu được sinh sôi nảy nở, phát triển giống nòi, ước mong sản xuất phồn thịnh, mùa màng được bội thu, nhưng không thờ sinh thực khí. Ngoài ra, người Việt cổ còn có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sùng kính các vị anh hùng, người có công với làng nước (thờ Thánh Gióng, thần Tản Viên…), mà đỉnh cao là tục thờ cúng Hùng Vương. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10-3 âm lịch là ngày lễ truyền thống của Việt Nam được giữ gìn, kế thừa đến tận ngày nay.

Một thành tựu lớn khác là người dân biết sử dụng đồ đồng. Tư liệu khảo cổ cho thấy giai đoạn cực thịnh của nền văn hóa Đông Sơn là trong thời đại Hùng Vương. Khu vực phía Bắc nước ta vốn có nhiều mỏ kim loại như: vàng, bạc, chì, sắt, đồng. Một số mỏ nông và lộ thiên, dễ khai thác thủ công, là điều kiện phù hợp để phát triển một nền văn hóa đồ đồng rực rỡ mà đỉnh cao là trống đồng cùng các loại thạp, thố với tỷ lệ hợp kim nguyên liệu lý tưởng và hoa văn sắc sảo miêu tả chân thật sinh hoạt của con người thời kỳ này như lễ “khánh thành” trống đồng, lễ chiêu hồn, đám tang, lễ cầu mùa, giã gạo, đánh trống, bơi chải…

Trống đồng Đông Sơn hiện đã tìm thấy được ở nhiều nơi, là bằng chứng khắc họa tiêu biểu cho nền văn hóa thời đại Hùng Vương. Trên mặt trống chạm khắc những hình người thổi kèn, diễn tấu các loại chuông nhạc, lục lạc, khèn, trống đồng, vũ công đầu đội mũ lông chim trĩ, chim công (một loài chim tiêu biểu của vùng nhiệt đới) hoặc đeo mặt nạ.

Sự có mặt của trống đồng Đông Sơn ở một số nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng như phát hiện về những lưỡi qua đồng thời Chiến quốc (Trung Quốc) ở nhiều di tích văn hóa Đông Sơn; đồng thời ghi chép trong Thông giám cương mục là năm Mậu Thân thứ 5 đời Đường Nghiêu (năm 2353 TCN), Hùng Vương sai sứ sang tặng vua Nghiêu con rùa thần dài hơn 3 thước, trên lưng có văn khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau; vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy lịch; năm 1110 TCN Hùng Vương cũng sai sứ qua Trung Quốc, tặng Thành Vương nhà Chu chim trĩ trắng, cho thấy nền móng ngoại giao giữa Nhà nước Văn Lang với các triều đại phong kiến phương Bắc cùng sự giao thương, trao đổi hàng hóa giữa cư dân Văn Lang với các quốc gia quanh vùng.

Thanh Thúy