Ngân sách nhà nước là gì

Trong hệ thống tài chính, ngân sách nhà nước(NSNN) là bộ phận chủ đạo, là điều kiện vật chất quan trọng để Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ của mình. Mặt khác nó còn là công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện điều tiết vĩ mô nền kinh tế xã hội.

Xét theo biểu hiện bên ngoài: NSNN bao gồm những nguồn thu cụ thể, những khoản chi cụ thể và được định hướng các nguồn thu đều được nộp vào một quỹ tiền tệ – quỹ NSNN và các khoản đều được xuất ra từ quỹ tiền tệ ấy. Những khoản thu nộp và cấp phát qua quỹ NSNN là các quan hệ được xác định trước, được định lượng và Nhà nước sử dụng chúng để điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế. Bởi vậy, trên phương diện kinh tế, có nhiều định nghĩa về NSNN khác nhau:

Dưới góc độ hình thức: NSNN là một bản dự toán thu và chi tài chính hàng năm của nhà nước do Chính phủ lập ra, đệ trình Quốc hội quyết định và giao cho chính phủ thực hiện.

Dưới góc độ về thực thể: NSNN bao gồm các nguồn thu cụ thể, những khoản chi cụ thể và được định lượng. Các nguồn thu đều được nộp vào một quỹ tiền tệ và các khoản chi đều được xuất ra từ quỹ tiền tệ ấy. Thu chi quỹ này có quan hệ ràng buộc nhau gọi là cân đối ngân sách đây là một cân đối lớn trong nền kinh tế thị trường.

Xét về bản chất kinh tế chứa đựng trong NSNN: Các hoạt động thu chi Ngân sách đều phản ánh những quan hệ kinh tế giữa nhà nước với các chủ thể khác trong xã hội gắn với quá trình tạo lập quản lý và sử dụng quỹ NSNN. Hoạt động đó đa dạng được tiến hành trên hầu khắc các lĩnh vực và có tác động đến mọi chủ thể kinh tế xã hội. Những quan hệ thu nộp cấp phát qua quỹ NSNN là những quan hệ được xác định trước, được định lượng và nhà nước sử dụng chúng để điều tiết vĩ mô kinh tế xã hội.

Như vậy, trên phương diện kinh tế có thể hiểu NSNN phản ánh các quan hệ kinh tế phát sinh gắn liền với quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ chung của Nhà nước khi Nhà nước tham gia phân phối các nguồn tài chính quốc gia nhằm thực hiện các chức năng của mình trên cơ sở luật định.

Trên phương diện pháp lí, NSNN được định nghĩa khác nhau trong pháp luật thực định và trong khoa học pháp lí.

Trong pháp luật thực định, tại Điều 1 của Luật ngân sách nhà nước năm 2002 có định nghĩa: “Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước trong dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước”.

Với các định nghĩa này, các nhà làm luật đã đề cập tới ba vấn đề cơ bản khi quan niệm về NSNN:

Thứ nhất, NSNN là toàn bộ các khoản thu và chi của Nhà nước nằm trong dự toán đã được quyết định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Xem thêm: Các cách thức xử lý khắc phục bội chi Ngân sách Nhà nước

Thứ hai, các khoản thu, chi này chỉ được thực hiện trong thời hạn 1 năm, tính từ ngày 01 tháng 01 cho đến ngày 31 tháng 12 năm dương lịch;

Thứ ba, các khoản thu, chi này được xây dựng và thực hiện nhằm mục tiêu bảo đảm về mặt tài chính cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Định nghĩa này, tuy có rõ ràng và cụ thể hơn so với định nghĩa NSNN về phương diện kinh tế nhưng vẫn chưa làm nổi bật được khía cạnh pháp lí của thuật ngữ “NSNN”.

Trong khoa học pháp lí, NSNN được định nghĩa là “một đạo luật đặc biệt, do Quốc Hội thông qua để cho phép Chính Phủ thi hành trong một thời hạn xác định, thường là một năm”. Với định nghĩa này, các luật gia đã nhìn nhận NSNN ở một góc độ khác, như là “một đạo luật đặc biệt”, chứ không phải là một bản dự toán các khoản thu và chi tiền tệ của Nhà nước như cách quan niệm của các nhà kinh tế hay các nhà làm luật.

khai-niem-ngan-sach-nha-nuoc

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

Cách định nghĩa này đã làm rõ hai vấn đề cơ bản trong quan niệm về NSNN, nhìn từ góc độ luật học:

Thứ nhất, NSNN là một đạo luật đặc biệt, do cơ quan lập pháp làm ra theo một trình tự riêng, không hoàn toàn giống với trình tự lập pháp thông thường.

Xem thêm: Quy định căn cứ để xây dựng, lập dự toán ngân sách nhà nước

Thứ hai, hiệu lực về thời gian của đạo luật ngân sách bao giờ cũng được xác định rõ là một năm, không giống với hiệu lực không xác định thời hạn của các đạo luật thông thường khác. Chính vì có hai yếu tố này mà người ta đã từng quan niệm rằng NSNN là một “đạo luật ngân sách thường niên”, để phân biệt với Luật NSNN được ban hành năm 2002. Tuy vậy, cũng cần phải hiểu một cách đầy đủ rằng đạo luật ngân sách thường niên không chỉ bao gồm bản dự toán các khoản thu chi tiền tệ của quốc gia đã được Quốc Hội biểu quyết thông qua mà còn bao gồm cả văn bản nghị quyết của Quốc Hội về việc thi hành bản dự toán ngân sách đó.