Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì

Một CV hoàn chỉnh sẽ không thể bỏ qua phần mục tiêu nghề nghiệp, vì đây là mục rất được nhà tuyển dụng quan tâm. Do đó, để thu hút được sự chú ý của nhà tuyển dụng, bạn cần có một mục tiêu nghề nghiệp thật ấn tượng. Cùng tìm hiểu cách viết cũng như những lưu ý khi viết mục tiêu nghề nghiệp qua bài viết bên dưới nhé!

I. Mục tiêu nghề nghiệp là gì?

Mục tiêu nghề nghiệp (hay Career Objectives) hiểu đơn giản là một vị trí công việc, hay đích đến mà bạn mong muốn đạt được trong tương lai cùng với đường hướng cụ thể để hiện thực hóa giấc mơ đó. Với mục tiêu nghề nghiệp, nhà tuyển dụng thấy được những dự định trong tương lai của bạn. Qua đó, họ có thể đánh giá được bạn có thực sự phù hợp với công việc hay có mong muốn gắn bó với công ty lâu dài không.

Chính vì vậy, bạn cần hiểu rõ mục tiêu trong tương lai của bản thân là gì. Cũng như, phân biệt được đâu là mục tiêu ngắn hạn và đâu là mục tiêu dài hạn để có thể trang bị những kiến thức cần thiết cho công việc.

– Mục tiêu ngắn hạn: Là những dự định, kế hoạch cho công việc được đặt ra trong khoảng thời gian ngắn và xác định được từ khoảng 3 – 6 tháng.

– Mục tiêu dài hạn: Là những mục tiêu có tầm ảnh hưởng đến tương lai, mang tính quyết định cao và cần xây dựng kế hoạch thực hiện rõ ràng hơn. Mục tiêu này được xác định cho từ khoảng 5 – 10 năm tiếp theo của bạn.

Thông thường, phần mục tiêu nghề nghiệp sẽ được thể hiện phía trên kinh nghiệm làm việc hoặc bên dưới mục giới thiệu bản thân trong CV.

Có thể bạn chưa biết: Cách viết CV

II. Tầm quan trọng của mục tiêu nghề nghiệp

1. Đối với ứng viên

Khi xác định được mục tiêu nghề nghiệp sẽ giúp bạn có được cái nhìn rõ hơn về tương lai trong công việc. Từ đó, biết được mình cần làm gì để đạt được mục tiêu và luôn có tinh thần, động lực để hoàn thành mục tiêu tốt nhất.

Ngoài ra với mục nghề nghiệp rõ ràng, bạn cũng đang giới thiệu với nhà tuyển dụng về đường hướng phát triển trong tương lai của mình. Nhờ đó, họ sẽ đánh giá được rằng bạn có tính chuyên nghiệp, biết sắp xếp khoa học và lên kế hoạch định hướng cho tương lai.

2. Đối với nhà tuyển dụng

Các công ty luôn mong muốn tuyển dụng được những nhân viên có năng lực và chăm chỉ trong công việc. Vì vậy, họ luôn quan tâm đến mục tiêu nghề nghiệp của các ứng viên khi sàng lọc hồ sơ tuyển dụng.

Với mục tiêu nghề nghiệp được xác định rõ, nhà tuyển dụng có thể đánh giá sơ lược về định hướng của ứng viên, xem xét về mức độ phù hợp với công việc và nhận thấy được ứng viên có ý định gắn bó lâu dài với công ty hay không. Từ đó, đưa ra được quyết định lựa chọn ứng viên phù hợp với yêu cầu công việc cũng như văn hóa công ty.

Tìm việc làm, tuyển dụng Nhân sự có thể bạn quan tâm:

– Chuyên viên C&B

– Nhân Viên Hành Chánh

III. Cách viết mục tiêu nghề nghiệp cơ bản

1. Mục tiêu ngắn hạn và lưu ý

Vì mục tiêu ngắn hạn là những dự định, kế hoạch về công việc trong tương lai gần. Do đó, bạn nên liệt kê những mục tiêu có khả năng thực hiện cao và phù hợp, cũng như làm tiền đề cho mục tiêu dài hạn.

Nếu chưa có được định hướng nghề nghiệp cụ thể, gợi ý dành cho bạn chính là dựa vào mục yêu cầu công việc đang ứng tuyển. Bằng cách liệt kê những mục tiêu trong khả năng của bạn, và cho nhà tuyển dụng thấy những lợi ích mà bạn có thể đem lại cho họ. Bởi khi nhà tuyển dụng thấy được những mục tiêu ngắn hạn có liên quan đến yêu cầu công việc, họ có thể chắc rằng bạn chính là người phù hợp với công việc và có tiềm năng phát triển hơn so với các ứng viên khác.

Hãy nhớ rằng, bạn không nên viết mình chưa có mục tiêu cụ thể hay không biết phải làm gì. Vì chính những điều này có thể khiến cho hồ sơ của bạn bị loại và bị nhà ứng tuyển đánh giá là thiếu chuyên nghiệp.

Ví dụ cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn:

Mẫu 1: “Tôi muốn sử dụng toàn bộ kỹ năng và kinh nghiệm đã tích lũy được để ổn định công việc trong môi trường mới với thời gian ngắn nhất có thể, hoàn thành tất cả các chỉ tiêu được giao và hòa đồng với đồng nghiệp.”

Mẫu 2: “Tôi được mọi người đánh giá là khá giỏi trong giao tiếp bởi cách nói chuyện dễ nghe và biết dẫn dắt, tuy nhiên tôi mong muốn phát triển khả năng giao tiếp của bản thân hơn nữa. Thời gian tới tôi sẽ sắp xếp thời gian tham gia một số khóa học về kỹ năng mềm cũng như tích cực tự trau dồi kiến thức giao tiếp thực tế qua công việc của mình.”

Mẫu 3: “Trong quá trình học tập tại trường đại học, tôi được rèn luyện kỹ năng về quản lý, lãnh đạo đội nhóm và bản thân tôi cảm thấy mình rất nhiệt tình, năng nổ và phù hợp với những công việc này. Trong thời gian tới, một trong những điều tôi quan tâm và nhất định phải làm là tìm hiểu, học hỏi để trau dồi kiến thức về quản lý, phục vụ cho công việc của tôi một cách tốt nhất.”

2. Mục tiêu dài hài và lưu ý

Mục tiêu dài hạn liên quan đến sự phát triển lâu dài, mang tính quyết định cao và có mức ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp trong tương lai của bạn. Do đó, bạn nên xác định chính xác mục tiêu dài hạn của bản thân để có những dự định, kế hoạch cụ thể hơn.

Qua mục tiêu dài hạn, nhà tuyển dụng có thể thấy được mục đích bạn muốn ứng tuyển vào công việc này, đánh giá được bạn có năng lực lập kế hoạch và tầm nhìn xa hay không. Vì vậy, những mục tiêu dài hạn của bạn cần phù hợp với mục tiêu chung của công ty, và cho thấy được bạn có thể đem lại những tiềm năng phát triển gì cho doanh nghiệp.

Vì mục tiêu dài hạn được hình thành từ những mục tiêu ngắn hạn. Do đó, bạn nên trình bày mục tiêu ngắn hạn trước rồi từ đó mới xây dựng mục tiêu dài hạn cho sự nghiệp. Khi trình bày rõ ràng và có trình tự, bạn cũng có thể ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng với kỹ năng sắp xếp khoa học và định hướng rõ ràng đấy nhé!

Ví dụ cách viết mục tiêu nghề nghiệp dài hạn:

Mẫu 1: “Tôi muốn mình có thể nâng cao trình độ, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của công ty, sau đó đủ khả năng nhận các trách nhiệm lớn hơn. Tôi hiểu rằng quá trình này có thể khó khăn và tốn thời gian, nhưng tôi luôn sẵn sàng và kiên định. Những mục tiêu này sẽ luôn thúc đẩy tôi đạt được tầm cao mới, giữ vững định hướng của mình”.

Mẫu 2: “Mục tiêu nghề nghiệp dài hạn của tôi là từng bước tiếp cận các vị trí quản lý, lãnh đạo (như trưởng nhóm, trưởng dự án, trưởng bộ phận). Ban đầu, tôi sẽ nỗ lực làm tốt các mục tiêu ngắn hạn để mở đường cho những thành công sau này. Tôi tự tin rằng mình có thể hoàn thành những mục tiêu này”.

Mẫu 3: “Mục tiêu của tôi là trở thành một trưởng phòng với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cao để cống hiến tốt nhất cho sự phát triển của công ty. Xây dựng được các quan hệ đối tác vững chắc và có được sự tín nhiệm của cấp trên, đồng nghiệp. Có thể tự do về tài chính, làm chủ bản thân về tinh thần, thoải mái trong các hoạt động xã hội.”

IV. Kinh nghiệm dành cho sinh viên mới ra trường

1. Khi viết mục tiêu ngắn hạn

Đối với những sinh viên mới ra trường, việc xác định mục tiêu nghề nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những sinh viên khối ngành kinh tế. Tuy nhiên, bạn vẫn nên ghi nhớ quy tắc là viết mục tiêu ngắn hạn trước sau đó mới viết đến mục tiêu dài hạn.

Với mục tiêu ngắn hạn, bạn nên trình bày bao gồm những ý sau:

– Nắm chắc các kiến thức đã được trau dồi trong quá trình học tập và tham gia các hoạt động xã hội, tự tin về kiến thức chuyên môn của bản thân.

– Tham gia các khóa học kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình,… để phục vụ tốt nhất cho công việc sắp tới.

– Không ngừng trau dồi vốn ngoại ngữ để có cơ hội học hỏi nhiều kiến thức mới, đáp ứng tốt yêu cầu tuyển dụng của công ty.

– Mong muốn làm việc tại công ty để có cơ hội học tập, trau dồi thêm kinh nghiệm, năng động hơn trong công việc và rèn luyện được tính kỷ luật.

2. Khi viết mục tiêu dài hạn

Với mục tiêu dài hạn, bạn nên xem xét kỹ về chuyên ngành học và nguyện vọng công việc trong tương lai sao cho phù hợp với tính cách, năng lực cũng như điều kiện của bản thân. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu về mục tiêu, sứ mệnh của công ty để đưa ra những mục tiêu dài hạn phù hợp với công việc cũng như văn hóa công ty. Cho nhà tuyển dụng thấy được năng lực và tầm nhìn định hướng của bạn.

V. Lời khuyên để có phần mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng

1. Tránh lỗi chính tả, ngữ pháp

Việc xuất hiện lỗi chính tả sẽ làm cho nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người thiếu sự chuyên nghiệp, không tỉ mỉ và chuẩn bị sơ sài. Vì vậy, nếu không muốn hồ sơ bị loại chỉ vì vài lỗi chính tả cỏn con, bạn nên lưu ý hơn khi trình bày để tránh mắc lỗi nhé! Khi có thời gian, bạn nên kiểm tra lại lần cuối về chính tả cũng như ngữ pháp, để nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn đã cẩn thận và nghiêm túc khi viết mục tiêu nghề nghiệp.

2. Trình bày cụ thể, ngắn gọn và dễ hiểu

Mục tiêu nghề nghiệp cũng được xem như là một phần mô tả ngắn về sự nghiệp tương lai của bạn. Do đó, bạn nên trình bày cụ thể, ngắn gọn và dễ hiểu với những mục tiêu chính. Hơn thế nữa, nhà tuyển dụng thường sẽ chỉ đọc lướt qua CV của bạn vài phút khi sàng lọc hồ sơ ứng tuyển. Nếu trình bày dài dòng, họ sẽ không có thời gian để xem những phần còn lại trong CV hoặc có thể bỏ qua phần mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Điều đó thật đáng tiếc đúng không nào? Vì vậy, bạn chỉ nên nêu những mục tiêu chính và trình bày ngắn gọn cho nhà tuyển dụng dễ hiểu hơn.

3. Sắp xếp theo trình tự khoa học

Như đã nói, mục tiêu ngắn hạn chính là tiền đề cho việc hình thành nên mục tiêu dài hạn. Thế nên, hãy nhớ trình bày mục tiêu ngắn hạn trước rồi mới đến mục tiêu dài hạn nhé! Điều này không chỉ giúp CV của bạn được trình bày rõ ràng hơn, mà còn cho nhà tuyển dụng thấy được bạn là người biết lên kế hoạch và sắp xếp khoa học đấy.

4. Có thể đo lường được

Dù là mục tiêu nghề nghiệp cho tương lai, nhưng không vì vậy mà bạn chỉ nói chung chung và không có khoảng thời gian cụ thể. Điều đó sẽ làm cho nhà tuyển dụng cảm thấy mục tiêu của bạn không có sự chắc chắn và đáng tin. Do đó, bạn nên xác định mục tiêu trong khoảng thời gian cụ thể và có thể đo lường được. Cho nhà tuyển dụng thấy được sự chắc chắn trong mục tiêu nghề nghiệp của bạn, cũng như đánh giá được tầm nhìn và năng lực làm việc của bạn.

5. Mục tiêu phải phù hợp năng lực, thực tế

Hầu hết, các nhà tuyển dụng đều mong muốn ứng viên của mình trung thực và có năng lực thực sự. Chính vì thế, khi trình bày mục tiêu nghề nghiệp, bạn nên thực tế và chỉ nêu những mục tiêu nằm trong khả năng thực hiện của mình. Đừng tự vẽ ra một tương lai thật đẹp cho cả bạn và nhà tuyển dụng rồi tự làm áp lực chính bản thân mình khi không hoàn thành được những mục tiêu đã đề ra. Vì vậy, hãy đặt ra những mục tiêu phù hợp năng lực bản thân và mang tính thực tế, để nhà tuyển dụng có đánh giá đúng nhất về năng lực của bạn.

6. Gắn với yêu cầu của công ty, vị trí công việc

Nhà tuyển dụng luôn muốn lựa chọn những ứng viên có sự phù hợp cao với yêu cầu công việc và văn hóa công ty. Vì lẽ đó, khi viết mục tiêu nghề nghiệp, bạn nên bám vào yêu cầu công việc và những tìm hiểu về sứ mệnh, mục tiêu phát triển của công ty. Từ đó, xây dựng những mục tiêu nghề nghiệp vừa phù hợp với yêu cầu nhà tuyển dụng vừa phù hợp với khả năng, tính cách của bạn.

7. Nhấn mạnh giá trị mang lại cho công ty

Ngoài việc xác định mục tiêu và lộ trình phát triển rõ ràng, bạn còn có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng việc xác định và nhấn mạnh những giá trị mà bạn sẽ mang lại cho công ty. Bằng cách này, cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thực sự phù hợp với công việc, cũng như nhận thấy được tiềm năng phát triển và mong muốn được làm việc của bạn.

8. Đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Khi xác định mục tiêu nghề nghiệp, bạn nên đảm bảo được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đừng vì quá tham công tiếc việc, hay chỉ muốn làm hài lòng nhà tuyển dụng mà tự gây áp lực cho bản thân. Khi đó, bạn vừa không thể hoàn thành được mục tiêu đặt ra, vừa chịu tổn hại về tinh thần và làm giảm năng suất làm việc của chính mình. Vì vậy hãy cân nhắc thật kỹ khi đưa ra mục tiêu nghề nghiệp cho bản thân, bạn nhé!

Xem thêm:

>> Cách viết mục tiêu nghề nghiệp nhân viên văn phòng chuẩn nhất

>> Cách viết mục tiêu nghề nghiệp nhân sự trong CV ấn tượng và thu hút

>> Cách viết email xin nghỉ phép chuyên nghiệp, đầy thuyết phục

Bạn vừa tìm hiểu qua cách viết mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng với nhà tuyển dụng. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin thú vị. Nếu bạn thấy hay và bổ ích, đừng quên chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé!