Ảnh: Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương – Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn phát biểu tại Tọa đàm “Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên” năm 2018. Nguồn: thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn.
Lý tưởng cách mạng là định hướng giá trị cốt lõi, xuyên suốt, là mục tiêu phấn đấu của Đảng, của toàn dân tộc và mỗi người Việt Nam về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhận thức sâu sắc và hiện thực hóa từng bước lý tưởng cách mạng đó phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ cách mạng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của xã hội và mỗi người dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lý tưởng cách mạng không hình thành một cách tự phát mà là kết quả của quá trình giáo dục, rèn luyện lâu dài với các nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp. Chính vì vậy, Đại hội XIII của Đảng đề ra yêu cầu phải “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên”(1).
Thanh niên là lực lượng xung kích, một trong những nhân tố quyết định tương lai, vận mệnh của dân tộc. Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm giáo dục bồi dưỡng thanh niên trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên”, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Trong giáo dục thanh niên, giáo dục lý tưởng cách mạng là nội dung cốt lõi, có vai trò định hướng cơ bản, lâu dài, tạo động lực mạnh mẽ cho thanh niên phấn đấu vươn lên cống hiến cho dân tộc và khẳng định mình trong xã hội.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặc biệt chăm lo giáo dục lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị, xây dựng thanh niên thành những người trung thành với lý tưởng “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.
Trong thời kỳ thành lập Đảng và trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng tiền bối đã khơi dậy lòng yêu nước, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, giác ngộ lý tưởng cách mạng trong thanh niên và nhân dân. Cùng với việc xây dựng các tổ chức thanh niên yêu nước, Đảng đã bồi dưỡng lực lượng cốt cán trong thanh niên để làm nòng cốt xây dựng và phát triển phong trào cách mạng. Với khát vọng lớn lao giải phóng dân tộc, giải phóng người lao động khỏi áp bức, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta, mà thanh niên là lực lượng xung kích đã làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lớp lớp thanh niên Việt Nam từ hậu phương đến tiền tuyến anh dũng trong sản xuất và chiến đấu, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa đất nước ta bước vào thời kỳ xây dựng CNXH.
Trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN, nhất là trong thời kỳ đổi mới đất nước theo định hướng XHCN, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục chăm lo công tác thanh niên, nhất là giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa với tính cách là những nhân tố có tầm quan trọng hàng đầu trong nhân cách thanh niên.
Nhiều nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về thanh niên và công tác thanh niên đã được triển khai trong thực tiễn và đem lại những kết quả thiết thực. Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên ngày càng được các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, xã hội quan tâm.
Việc nâng cao nhận thức, giác ngộ về lý tưởng cách mạng của đông đảo thanh niên đã có những chuyển biến tích cực và ngày càng đi vào chiều sâu thông qua việc triển khai học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Với vai trò nòng cốt trong thanh niên, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp với các lực lượng khác tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt có tác dụng giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhất là truyền thống cách mạng của nhân dân ta và tuổi trẻ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên thông qua thực tiễn cánh mạng cũng được chú ý. Thanh niên là lực lượng hăng hái tham gia với tinh thần tích cực, sáng tạo các phong trào thi đua yêu nước ở các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư nơi cư trú và các phong trào hành động có tính đặc thù của tuổi trẻ. Các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ như “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, các chương trình đồng hành với thanh niên như: “Đồng hành với thanh niên trong học tập”; “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; “Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần” với nhiều nội dung thiết thực, hình thức phong phú đã thu hút hàng triệu thanh niên hưởng ứng và tham gia tích cực, tạo nên dấu ấn và làm khởi sắc phong trào thi đua yêu nước hiện nay.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid -19, cùng chung ý chí “Chống dịch như chống giặc”, nhiều tấm gương thanh niên tình nguyện đã không quản ngày đêm, nguy cơ lây nhiễm, sẵn sàng tham gia vào tuyến đầu chung tay chống dịch. Đó là biểu hiện sinh động của tinh thần xung kích, tình nguyện vì lợi ích của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân – mục đích tối thượng của lý tưởng cách mạng!
Từ trong phong trào đó, đã xuất hiện nhiều tập thể trong tổ chức Đoàn, Hội và các cá nhân điển hình tiên tiến. Đó thực sự là những tấm gương trực tiếp cổ vũ thanh niên nỗ lực phấn đấu vươn lên cống hiến cho sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, củng cố lòng tin, ý chí, khả năng của thanh niên đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước trên con đường đi lên CNXH.
Phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” trong thanh niên, nhất là trong tổ chức Đoàn những năm gần đây được đẩy mạnh, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, góp phần làm chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức chính trị, củng cố niềm tin của thanh niên vào sự nghiệp đổi mới đất nước theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vững bước đi lên CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Bên cạnh những mặt tích cực cơ bản nêu trên, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên còn bộc lộ những hạn chế nhất định về tổ chức, nội dung, phương thức, hiệu quả. Đáng chú ý là việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục thế hệ trẻ, nhất là giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa trong thanh niên của một số tổ chức, cá nhân, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa kịp thời, hiệu quả. Nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng còn chung chung, trừu tượng, chưa gắn với thực tế cuộc sống nên thiếu sức thuyết phục. Vẫn còn tình trạng “Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp”(2).
Hiện nay “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo”(3). Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, những vấn đề toàn cầu của thời đại, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ đã và đang tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội ở nước ta. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được Đại hội XIII tổng kết là “… kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”(4). Điều đó đã củng cố niềm tin của thanh niên vào lý tưởng cách mạng, khơi dậy sức mạnh và khát vọng cống hiến của thanh niên vào sự nghiệp chung.
Tuy nhiên, những tác động khó tránh khỏi từ mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch với cách mạng nước ta cũng đang tác động đến nhận thức, tư tưởng, lối sống, niềm tin, lý tưởng của thanh niên. Mặt khác, giai đoạn phát triển mới của đất nước cũng đang làm nảy sinh trong thanh niên những nhu cầu, định hướng giá trị mới phong phú, đa dạng, đòi hỏi phải có chính sách và giải pháp giáo dục phù hợp, tạo điều kiện để thanh niên củng cố niềm tin, lý tưởng cách mạng và định hướng giá trị đúng đắn.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên hiện nay, cần lưu ý các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội về tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược lâu dài của việc giáo dục lý tưởng cách mạng đối với thanh niên.
Với tư cách là đối tượng giáo dục, quá trình hình thành lý tưởng cách mạng chịu tác động bởi các chủ thể chính là sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự tham gia của các đoàn thể chính trị – xã hội, trong đó có vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam… Lý tưởng cách mạng là định hướng giá trị cơ bản, bao trùm, chi phối các giá trị định hướng khác trong hoạt động của thanh niên. Vì vậy, trong công tác giáo dục thanh niên, cần nhận thức vai trò đặc biệt của giáo dục lý tưởng cách mạng, gắn giáo dục lý tưởng cách mạng với giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên.
Mặt khác, lứa tuổi thanh niên (từ 16 đến 30 tuổi) là tiếp tục của tuổi thiếu nhi. Do đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm từ sớm, từ đầu việc định hướng lý tưởng cách mạng cho thanh niên thông qua việc giáo dục những phẩm chất cần thiết cho thiếu nhi theo “Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng” để tạo tiền đề cho bước chuyển tiếp trong quá trình giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Thực tế cho thấy, ở đâu và lúc nào mà việc giáo dục nói chung, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên nói riêng được quan tâm thì tính tích cực chính trị – xã hội của họ sẽ được phát huy.
Hai là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng đối với thanh niên.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, cần đổi mới nội dung, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của tuổi trẻ thông qua việc trang bị những tri thức cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước; làm cho thanh niên nhận thức đúng đắn tính cách mạng, khoa học và nhân văn của lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc và cũng là lý tưởng của thanh niên. Chú trọng giáo dục lòng yêu nước và tự hào dân tộc, ý thức phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, lợi ích của nhân dân. Kết hợp giữa nâng cao giác ngộ về lý tưởng cách mạng với tăng cường ý thức cảnh giác, đấu tranh chống âm mưu và hành động chống phá cách mạng của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.
Ba là, quan tâm đến nhu cầu, lợi ích của thanh niên, tổ chức thanh niên tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước, phong trào hành động cách mạng.
Nhu cầu, lợi ích là động lực trực tiếp trong hoạt động của con người. Việc bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên hiện nay đòi hỏi phải đáp ứng các nhu cầu, lợi ích hợp lý, chính đáng, thiết thực của thanh niên về nhiều mặt, nhất là vấn đề việc làm, thu nhập; việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa.
Phong trào thi đua yêu nước là một hình thức đoàn kết, tập hợp thanh niên tham gia xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, là môi trường thực tiễn để giáo dục lý tưởng cách mạng, phát huy tài năng, phẩm chất của thanh niên. Các phong trào thi đua “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Tuổi trẻ tham gia xây dựng văn minh đô thị”; “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” và các phong trào khác do Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam phát động đã thu hút đông đảo thanh niên hăng hái tham gia, góp phần vào thành tựu chung của cả nước trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những trải nghiệm từ cuộc sống, từ quá trình tham gia các phong trào hành động cách mạng là cơ sở để biến nhận thức về lý tưởng cách mạng trở thành tình cảm, ý chí, niềm tin vững chắc của thanh niên vào lý tưởng cách mạng vì: “Đa số người ta đều tin tưởng vào những điều họ rút ra được từ đời sống thực tế”(5).
Bốn là, chăm lo xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh, thật sự là “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”.
Công tác thanh niên nói chung, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên nói riêng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó Đoàn Thanh niên đóng vai trò nòng cốt. Vì vậy, phải xây dựng Đoàn vững mạnh về các mặt để phát huy vai trò nòng cốt chính trị đối với Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030” và Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 và thay thế Luật Thanh niên số 53/2005/QH11.
Với phương châm hướng về cơ sở, cần nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở đoàn, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ đoàn trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, thu hút thanh niên vào Đoàn và giới thiệu đoàn viên ưu tú bổ sung vào hàng ngũ của Đảng – lực lượng tiên phong lãnh đạo, tổ chức quá trình hiện thực hóa lý tưởng cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Những giải pháp nêu trên cần được triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các nhân tố khách quan và chủ quan, nội và ngoại lực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên hiện nay.
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2021
(1), (3), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.168, 105, 104.
(2) Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”.
(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.468.
PGS, TS NGUYỄN VĂN LÝ
Học viện Chính trị khu vực III