Liên kết trong văn bản là gì

Liên kết câu và liên kết đoạn văn là một trong những chuyên đề trong chương trình ngữ văn lớp 9 mà học sinh cần phải ghi nhớ, bởi để có thể viết được một bài văn bất kể là văn nghị luận, miêu tả hay thuyết minh,…thì bắt buộc phải nắm được kiến thức về liên kết câu và liên kết đoạn văn.

Để Quý bạn đọc hiểu rõ hơn về liên kết câu và liên kết đoạn văn là gì?, chúng tôi xin cung cấp đến Quý bạn đọc bài viết sau đây:

Liên kết câu và liên kết đoạn văn là gì?

Trong một văn bản các câu có một sợi dây liên kết chặt chẽ, câu này liên kết với câu kia, sự liên kết giữa các câu tạo nên một mạng lưới, mạng lưới liên kết giữa các câu trong một văn bản gọi là tính liên kết của văn bản. Liên kết là quan hệ giữa hai yếu tố ngôn ngữ, mà muốn hiểu nghĩa của yếu tố này thì phải tham khảo nghĩa của yếu tố kia, trên cơ sở đó, hai câu chứa chúng liên kết lại với nhau.

Các đoạn văn trong một văn bản cũng giống như các câu trong một đoạn văn, phải liên kết chặt chẽ với nhau về nội dung và hình thức. Về nội dung, các đoạn văn phải phục vị chủ đề chung của văn bản, các câu phải phục vụ chủ đề của đoạn văn, thể hiện liên kết chủ đề. Các đoạn văn và các câu phải được sắp xếp theo trình tự hợp lý và liên kết logic.

Một số biện pháp liên kết chủ yếu trong liên kết câu và liên kết đoạn văn

Các câu trong một đoạn văn và các đoạn văn trong một văn bản phải luôn có sự liên kết chặt chẽ về nội dung và hình thức:

– Liên kết về nội dung:

+ Liên kết chủ đề (các câu phải phục vụ chủ đề chung của đoạn văn, các đoạn văn phải thể hiện được chủ đề chung của toàn văn bản).

+ Liên kết lô-gíc (các câu trong đoạn văn và các đoạn văn trong văn bản phải được sắp xếp theo một trình tự hợp lí).

– Liên kết hình thức gồm các phép liên kết:

+ Phép lặp từ ngữ: sử dụng lặp đi lặp lại một (một số) từ ngữ nào đó ở các câu khác nhau để tạo sự liên kết.

Ví dụ: “ Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào.”

(Hai đứa trẻ – Thạch Lam)

+ Phép đồng nghĩa, trái nghĩa và liên tưởng: sử dụng các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng ở các câu khác nhau để tạo sự liên kết.

Ví dụ phép đồng nghĩa:

“ Cái cửa hàng hai chị em trông coi – là một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, mẹ Liên dọn ngay từ khi cả nhà bỏ Hà Nội về quê ở, vì thầy Liên mất việc. Một gian hàng bé thuê lại của bà lão móm ngăn ra bằng một tấm phên nứa dán giấy nhật trình.”

(Hai đứa trẻ – Thạch Lam)

Ví dụ phép trái nghĩa:

“ Giọng hắn lè nhè và tiếng đã gần như méo mó. Nhưng bộ điệu thì lại như hiền lành; hắn vừa gãi đầu gãi tai, vừa lải nhải:”

(Chí Phèo – Nam Cao)

+ Phép thế: sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có ở câu đứng trước.

Ví dụ: Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc vạm vỡ… Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận… Tuy thế người trai làng Phù Đổng chẳng mong nhận bổng lộc gì…

Các từ thay thế Phù Đổng Thiên Vương là: Trang nam nhi, tráng sĩ, người trai làng Phù Đổng.

+ Phép nối: sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu đứng trước. Các phương tiện được sử dụng trong phép nối gồm: Kết từ (quan hệ từ, từ nối); Kết ngữ; Trợ từ, tính từ, phụ từ; Quan hệ về chức năng cú pháp là quan hệ về thành phần câu hiểu rộng.

Ví dụ: An và Liên đã buồn ngủ ríu cả mắt. Tuy vậy hai chị em vẫn cố gượng để thức khuya chút nữa, trước khi vào hàng đóng cửa đi ngủ. Mẹ vẫn dặn phải thức đến khi tàu xuống – Ðường sắt đi ngang qua ngay trước mặt phố – để bán hàng, may ra còn có một vài người mua. Nhưng cũng như mọi đêm, Liên không trông mong còn ai đến mua nữa. Với lại đêm họ chỉ mua bao diêm, hai gói thuốc là cùng. Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu. Chín giờ có chuyến tàu ở Hà Nội đi qua huyện. Đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya.

(Hai đứa trẻ – Thạch Lam)

Một số bài tập về liên kết câu và liên kết đoạn văn

Bài 1: Theo em, tập hợp các câu dưới đây có phải là một đoạn văn không? Tại sao?

(1) Mưa ù ù như xay lúa. (2) Cối xay lúa giờ đây đã không còn nhiều ở làng quê Việt Nam. (3) Làng quê Việt Nam rất yên bình với những cánh đồng mênh mông, lũy tre rì rào. (4) Tre rất anh hùng trong chiến đấu, rất thân thiện trong đời sống người dân quê tôi. (5) Quê hương tôi đẹp vô cùng!

Trả lời: Tập hợp các câu trên không phải là một đoạn văn bởi vì các câu văn trên không nói về cùng một chủ đề, các câu văn không có sự liên kết với nhau.

Bài 2: Sắp xếp các câu văn sau theo một trình tự hợp lý để được đoạn văn hoàn chỉnh a.

(1) Mặt nước sáng lóa.

(2) Trăng lên cao.

(3) Biển và trời những hôm có trăng đẹp quá.

(4) Bầu trời càng sáng hơn.

(5) Cả một vùng nước sóng sánh, vàng chói lọi.

b.

(1) Em nhìn thấu vào tận trong nhà.

(2) Nhưng điều kỳ diệu nhất là ngỗng ta nhảy khỏi đĩa và mang cả dao ăn, phuốc-sét

cắm trên lưng, tiến về phía em bé.

(3) Em quẹt que diêm thứ hai, diêm cháy và sáng rực lên.

(4) Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá và có cả một con ngỗng quay.

(5) Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màu.

c.

(1) Những cánh buồm trắng trên biển được nắng sớm chiếu vào sáng rực lên, ở xa trông như nhữngđàn bướm trắng lượn giữa trời xanh.

(2) Biển rất đẹp!

(3) Mặt biển sáng trong như tấm thảm khổng lồ bằng ngọc thạch.

(4) Buổi sáng, nắng sớm tràn trên mặt biển.

Trả lời:

1. Biển và trời những hôm có trăng đẹp quá. Trăng lên cao. Mặt nước sáng lóa. Cả một vùng nước sóng sánh, vàng chói lọi. Bầu trời càng sáng hơn. b. Em quẹt que diêm thứ hai, diêm cháy và sáng rực lên. Bức tường như biến thành một tấm rèm bằng vải màu. Em nhìn thấu vào tận trong nhà. Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá và có cả một con ngỗng quay. Nhưng điều kỳ diệu nhất là ngỗng ta nhảy khỏi đĩa và mang cả dao ăn, phuốc-sét.

2. Buổi sáng, nắng sớm tràn trên mặt biển. Mặt biển sáng trong như tấm thảm khổng lồ bằng ngọc thạch. Những cánh buồm trắng trên biển được nắng sớm chiếu vào sáng rực lên, ở xa trông như những đàn bướm trắng lượn giữa trời xanh. Biển rất đẹp!

Trên đây, là toàn bộ nội dung liên quan đến câu hỏi liên kết câu và liên kết đoạn văn là gì?. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết trên, quý vị có thể liên hệ Chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng nhất.