Cuộc thi khoa học kỹ thuật là gì? Cuộc thi Khoa hoc kỹ thuật dành cho lứa tuổi học sinh được Bộ Giáo dục đào tạo tổ chức hàng năm nhằm khuyến, thúc đẩy sự phát triển, yêu thích khoa học của các em học sinh.
- Phiếu hỏi ý kiến về cuộc thi khoa học kỹ thuật 2022
Cuộc thi hướng tới việc thực hiện chương trình đổi mới giáo dục hiện đại: “học đi đôi với hành” đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tế cuộc sống của các em. Dưới đây là giải đáp về những câu hỏi và các vấn đề liên quan đến Cuộc thi khoa học kỹ thuật đã được HoaTieu.vn sưu tầm và tổng hợp, mời bạn đọc cùng tham khảo.
1. Cuộc thi khoa học kỹ thuật là gì?
Theo Bách khóa toàn thư: Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật, Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật hay Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (SEF: Science and Engineering Fair) là các cuộc thi trưng bày và trao giải cho các phát minh, giải pháp khoa học kỹ thuật công nghệ có ích của các cá nhân và tổ chức.
Tại Việt Nam, Cuộc thi khoa học kỹ thuật do ngành giáo dục tổ chức với các đối tượng dự thi là đông đảo học sinh và thầy cô giáo trong cả nước. Cuộc thi được tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong tình hình mới, kích thích sự sáng tạo trong môi trường học đường; phát triển năng lực tự học, giúp học sinh bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng rèn luyện cho học sinh và thầy cô giáo tăng thêm kỹ năng vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống, tạo cơ hội để họ giới thiệu kết quả nghiên cứu KHKT, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
2. Các lĩnh vực thi khoa học kỹ thuật
Năm nay, các dự án nghiên cứu tham gia thi khoa học kỹ thuật trên 22 lĩnh vực do Bộ Giáo dục và đào tạo quy định, bao gồm:
Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa Sinh, Y Sinh và khoa học Sức khỏe, Kỹ thuật Y Sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Sinh học trên máy tính và Sinh -Tin, Khoa học Trái đất và Môi trường, Hệ thống nhúng, Năng lượng: Hóa học, Năng lượng: Vật lí, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Toán học, Vi Sinh, Vật lí và Thiên văn, Khoa học Thực vật, Rô bốt và máy thông minh, Phần mềm hệ thống, Y học chuyển dịch.
3. Các câu hỏi thường gặp khi thi khoa học kỹ thuật
Câu 1: Mục đích của Cuộc thi là gì?
Cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học; sáng tạo kĩ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học gắn với phát triển văn hóa đọc;thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu nghiên cứu khoa học của học sinh trung học.
Câu 2: Các địa phương, đơn vị cần làm gì để tham gia Cuộc thi?
Các sở GDĐT, các cơ sở giáo dục trung học trực thuộc Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục trung học thuộc đại học, trường đại học:
– Tổ chức tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa của hoạt độngnghiên cứu khoa học của học sinh trung học và các quy định, hướng dẫn của Bộ GDĐT về Cuộc thi;
– Triển khai công tác nghiên cứu khoa học của học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, đặc điểm của địa phương, đối tượng học sinh, chương trình, nội dung dạy học của cơ sở giáo dục;
– Tổ chức hội thảo, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh vềcác quy định, hướng dẫn về công tác tổ chức Cuộc thi, phương pháp nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện để học sinh, giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học;
– Khai thác hiệu quả tiềm lực của đội ngũ giáo viên; đưa nội dung hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học vào sinh hoạt của tổ/nhóm chuyên môn; giao nhiệm vụ cho giáo viên trao đổi, thảo luận về những vấn đề thời sự, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình học tập, các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo để định hướng, hình thành ý tưởng về dự án nghiên cứu của học sinh.
– Phát triển Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục trung học nhằm tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm nghiên cứu khoa học; giúp đỡ học sinh trong việc tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học và sản phẩm khoa học vào thực tiễn; rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho hoạt động nghiên cứu khoa học, học tập và trong cuộc sống;
– Phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; các viện và trung tâm khoa học công nghệ; sở khoa học và công nghệ; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật; Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh/thành phố; các nhà khoa học; cha mẹ học sinh trong việc hướng dẫn và đánh giá các dự án khoa học của học sinh; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị cho học sinh nghiên cứu khoa họcvà tham gia Cuộc thi.
– Thành lập Hội đồng thẩm định khoa học và tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh ở địa phương phù hợp với điều kiện thực tế; chọn cử và tích cực chuẩn bị các dự án tham gia Cuộc thi.
– Phân công giáo viên hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; tính giảm số tiết dạy cho giáo viên hướng dẫn vận dụng theo quy định tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT.
– Huy động sự hỗ trợ của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu về: cử các nhà khoa học, giảng viên tham gia tập huấn, tư vấn, hướng dẫn giáo viên, học sinh và tham gia đánh giá các dự án dự Cuộc thi ở địa phương; tạo điều kiện cho học sinh sử dụng các phòng thí nghiệm, thư viện và tiếp cận các nguồn tài liệu khoa học trong quá trình nghiên cứu;có các chính sách trao phần thưởng, tuyển thẳng học sinh.
Câu 3: Thí sinh cần chuẩn bị nội dung như thế nào?
Nội dung thi là kết quả nghiên cứu của các dự án khoa học hoặcdự án kĩ thuật thuộc các lĩnh vực của Cuộc thi.
Dự án có thể của 01 học sinh hoặc của 02 học sinh (phải có sự phân biệt mức độ khác nhau đóng góp vào kết quả nghiên cứu của người thứ nhất (nhóm trưởng) và người thứ hai).
Câu 4: Ai có thể hướng dẫn học sinh nghiên cứu?
Mỗi dự án dự thi có 01 giáo viên trung học(đang công tác tại cơ sở giáo dục trung học có học sinh dự thi) bảo trợ,do thủ trưởng cơ sở giáo dục trung học có học sinh dự thira quyết định cử. Một giáo viên được bảo trợ tối đa 02 dự án KHKT của học sinh trong cùng thời gian.Người bảo trợ có thể đồng thời là người hướng dẫn khoa học.
Ngoài người bảo trợ, dự án dự thi có thể có thêm nhà khoa học chuyên ngành thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở khoa học công nghệ (có thể là cha, mẹ, người thân của học sinh) hướng dẫn.
Câu 5: Thể nào là một đơn vị dự thi?
Mỗi Sở Giáo dục và Đào tạo, trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; mỗi đại học, trường đại học có trường (hoặc khối) trung học phổ thông chuyên (hoặc năng khiếu) có dự án dự thi là một đơn vị dự thi.
Câu 6: Đăng ký dự thi và nộp hồ sơ dự thi như thế nào?
Mỗi đơn vị dự thi có thể đăng ký một hoặc nhiều dự án dự thi. Số lượng dự án dự thi tối đa cho một đơn vị dự thi được thông báo tại văn bản hướng dẫn tổ chức Cuộc thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Câu 7: Đăng ký dự thi và nộp hồ sơ dự thi như thế nào?
Các Sở giáo dục địa phương sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể đến các đơn vị dự thi trên địa bàn.
Câu 8: Tiêu chí đánh giá dự án dự thi cuộc thi KHKT cấp quốc gia?
a) Dự án khoa học
– Câu hỏi nghiên cứu: 10 điểm;
– Kế hoạch nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu: 15 điểm;
– Tiến hành nghiên cứu (thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu): 20 điểm;
– Tính sáng tạo: 20 điểm;
– Trình bày: 35 điểm (gian trưng bày: 10 điểm và trả lời phỏng vấn: 25 điểm).
b) Dự án kĩ thuật
– Vấn đề nghiên cứu: 10 điểm;
– Kế hoạch nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu: 15 điểm;
– Tiến hành nghiên cứu (xây dựng và thử nghiệm): 20 điểm;
– Tính sáng tạo: 20 điểm;
– Trình bày: 35 điểm (gian trưng bày: 10 điểm và trả lời phỏng vấn: 25 điểm).
Trong quá trình chấm thi, các tiêu chí nói trên được xem xét, đánh giá dựa trên kết quả nghiên cứu và chỉ cho điểm sau khi đã xem xét, đối chiếu với các minh chứng khoa học về quá trình nghiên cứu được thể hiện trong các phiếu và sổ tay nghiên cứu của học sinh.
3. Quy chế Cuộc thi khoa học kỹ thuật
Quy chế Cuộc thi khoa học kỹ thuật được quy định tại Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT.
Dưới đây là một vài quy chế quan trọng cần lưu ý như sau:
– Yêu cầu đối với dự án dự thi (Điều 4 Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT):
1. Đảm bảo tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không gian lận, sao chép trái phép, giả mạo; không sử dụng hay trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là của mình.
2. Nếu dự án dự thi là một phần của một dự án lớn hơn thì học sinh có dự án dự thi (sau đây gọi tắt là thí sinh) phải là tác giả của toàn bộ dự án dự thi.
3. Thời gian nghiên cứu của dự án dự thi không quá 12 tháng liên tục và trong khoảng từ tháng 01 năm liền kề trước năm tổ chức Cuộc thi đến trước ngày khai mạc Cuộc thi 30 ngày.
4. Nếu dự án dự thi được nghiên cứu trong thời gian nhiều hơn 12 tháng thì chỉ đánh giá những phần việc được nghiên cứu trong thời gian quy định tại khoản 3 của điều này.
5. Các dự án tập thể không được phép đổi các thành viên khi đã bắt đầu thực hiện dự án.
6. Những dự án nghiên cứu có liên quan đến các mầm bệnh, hóa chất độc hại hoặc các chất ảnh hưởng đến môi trường không được tham gia Cuộc thi.
7. Những dự án dựa trên những nghiên cứu trước đây ở cùng lĩnh vực nghiên cứu có thể được tiếp tục dự thi; những dự án này phải chứng tỏ được những nghiên cứu tiếp theo là mới và khác với dự án trước.
8. Dự án phải đảm bảo yêu cầu về trưng bày theo quy định của ban chỉ đạo Cuộc thi. Không trưng bày những vật không được phép trưng bày tại Cuộc thi (Phụ lục II).
– Quy trình chấm thi (Điều 17 Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT):
1. Chấm thi từng lĩnh vực:
a) Từng giám khảo xem xét các dự án dự thi tại khu vực trưng bày, phỏng vấn các thí sinh có dự án dự thi thuộc lĩnh vực được phân công và cho điểm theo hướng dẫn chấm thi đã được phê duyệt; thí sinh trình bày, trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt.
b) Tổ giám khảo cho điểm các dự án dự thi theo từng lĩnh vực thi. Điểm của dự án dự thi là trung bình cộng các điểm của các thành viên tổ giám khảo theo lĩnh vực thi; không làm tròn điểm của từng giám khảo và điểm của dự án dự thi theo lĩnh vực thi.
c) Lập biên bản chấm thi theo lĩnh vực thi; mỗi lĩnh vực lập 1 biên bản; trong biên bản các dự án được xếp thứ tự theo điểm từ cao xuống thấp kèm theo dự kiến kết quả xếp giải; biên bản có chữ ký của tất cả thành viên tổ giám khảo.
2. Chấm thi toàn Cuộc thi:
a) Sau khi đã hoàn thành việc chấm thi theo từng lĩnh vực thi, ban giám khảo chọn một hoặc một số dự án có điểm thi cao nhất của từng lĩnh vực được tham gia thi chọn giải toàn Cuộc thi.
b) Thí sinh trình bày, trả lời câu hỏi phỏng vấn trước ban giám khảo bằng tiếng Anh. Từng thành viên ban giám khảo cho điểm các dự án; điểm số không làm tròn.
c) Điểm của dự án là trung bình cộng các điểm của các thành viên ban giám khảo; không làm tròn điểm của dự án.
d) Lập biên bản chấm thi chọn giải toàn Cuộc thi, trình trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi quyết định; trong biên bản các dự án được xếp thứ tự theo điểm từ cao xuống thấp kèm theo dự kiến kết quả xếp giải; biên bản có chữ ký của tất cả thành viên ban giám khảo.
3. Xử lý hiện tượng bất thường khi chấm thi:
a) Nếu giám khảo phát hiện có hiện tượng bất thường về dự án dự thi hoặc về việc chấm thi thì phải báo cáo ngay với trưởng ban giám khảo;
b) Trưởng Ban giám khảo tổ chức họp với các thành viên tổ chấm thi hoặc toàn thể ban giám khảo để xem xét, xác nhận, đề xuất phương án xử lý và lập biên bản báo cáo trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi quyết định.
– Thang điểm, tiêu chí đánh giá thi khoa học kỹ thuật (Điều 18 Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT):
1. Dự án dự thi được chấm theo thang điểm 100, là số nguyên.
2. Tiêu chí đánh giá:
a) Khả năng sáng tạo: 30 điểm;
b) Ý tưởng khoa học: 30 điểm;
c) Tính thấu đáo: 15 điểm;
d) Kỹ năng: 15 điểm;
đ) Sự rõ ràng, minh bạch: 10 điểm
Tiêu chí đánh giá dự án dự thi được mô tả chi tiết ở phụ lục III.
4. Hồ sơ dự thi khoa học kỹ thuật
Hồ sơ dự thi khoa học kỹ thuật quy định tại Điều 13 Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT, cụ thể bao gồm:
1. Quyết định của thủ trưởng đơn vị dự thi cử các dự án tham dự Cuộc thi.
2. Bản đăng kí số lượng dự án, số lượng thí sinh dự thi.
3. Phiếu báo xếp loại hạnh kiểm và học lực của thí sinh có xác nhận của hiệu trưởng nhà trường.
4. Hồ sơ dự án đăng ký dự thi theo quy định tại các văn bản hướng dẫn tổ chức Cuộc thi hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Các biểu mẫu đăng kí thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học
Trên đây là các vấn đề và câu hỏi liên quan đến cuộc thi KHKT 2022. Mời các bạn tham khảo bài viết liên quan tại mục Tài liệu của HoaTieu.vn.