Đời Sống

I love you nghĩa la gì

Cách người Mỹ nói “yêu”

Thông thường, người Mỹ thường rất dễ dàng nói ra ba chữ “I love you” đối với tất cả những điều họ thích, từ ba mẹ, vợ chồng cho đến những thứ nhỏ nhặt nhất như một món ăn hay thậm chí là một trận bóng đá nhỏ.

Tuy nhiêu, đối với nhiều người, điều này lại có vẻ khá lạ lùng. Nguyên nhân là vì người Mỹ hay thể hiện tình cảm một cách trực tiếp và rất tùy hứng. Ở Mỹ, “I love you” vừa được hiểu như là một câu nói rất thiêng liêng nhưng cũng vừa là lời cửa miệng hàng ngày. Thật đáng buồn khi nó có thể là tất cả mọi điều đặc biệt trên thế giới này nhưng đồng thời cũng chẳng mang một ý nghĩa riêng biệt nào cả.

Hàm ý của câu nói “I love you” ở các quốc gia

Ở Trung Quốc, giới trẻ hiện nay dễ dàng nói câu wo ai ni (“Tôi yêu bạn”) hay wo xihuan ni (“tôi thích bạn”) với nhiều thứ – điều mà hầu như thế hệ trước hiếm khi nói ra.

Giáo sư tâm lý học Kaiping Peng đã nói với nhà báo Roseann Lake rằng: “Một người Trung Quốc chỉ thể hiện tình cảm bằng cách nắm tay, hôn hoặc có thể là viết ra giấy hay làm những điều có ích cho người thương, dù vậy, họ không bao giờ nói ra những lời âu yếm thân mật”.

Vào năm 2014, bốn nhà nghiên cứu người Trung Quốc đã tiến hành tìm hiểu nguyên nhân tại sao câu nói “I love you” được dùng phổ biến hơn ở Mỹ. Câu nói này không chỉ sử dụng để bày tỏ cảm xúc đối với người yêu, người thân mà còn dùng cho các đối tượng khác như bạn bè trên Facebook, thú cưng và thậm chí còn hay được nhắc đến trong nhiều tình huống từ bày tỏ sự hối lỗi đến kết thúc một cuộc gọi điện thoại.

Mục đích của việc nghiên cứu là nhằm giúp cho giáo viên tiếng Anh ở các quốc gia trên thế giới có thể giải thích mạch lạc và rõ ràng hơn ý nghĩa câu nói “I love you” cho các sinh viên đang học tiếng Anh.

Một số giáo viên tiếng Anh người Trung chia sẻ: “Trong kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm của mình, chúng tôi luôn cố gắng bỏ qua phần giải thích và thực hành sử dụng câu “I love you” khi nó xuất hiện trong sách giáo khoa. Thật ra, chúng tôi không muốn bản thân và các sinh viên viên rơi vào tình huống ngượng ngùng”.

Elisabeth Gareis và Richard Wilkins, giáo sư chuyên ngành truyền thông tại Baruch College đã thực hiện một vài nghiên cứu xuất sắc về vấn đề này. Trong một nghiên cứu vào năm 2006 dựa trên một cuộc khảo sát trực tuyến giữa sinh viên Mỹ và sinh viên quốc tế tại Mỹ, Gareis và Wilkins đã tìm ra được điểm khác biệt.

Nếu so sánh với sinh viên bản xứ, sinh viên quốc tế nói rằng, họ ít sử dụng ba chữ “I love you” trong những mối quan hệ thân mật của mình như giữa tình nhân hay bố mẹ và con cái. Một số người đến từ các quốc gia, nơi tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, nói rằng, họ sử dụng ba chữ “I love you” còn nhiều hơn cách diễn đạt tương đương trong ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.

Ngoài ra, Gareis and Wilkins cũng mời một số người tham gia khảo sát để trao đổi chi tiết hơn về suy nghĩ của họ đối với câu nói đặc biệt này.

Một người phụ nữ Mỹ gốc Trung cho rằng, tình yêu không cần thiết phải trực tiếp diễn đạt thành lời. Cô nói thêm, ở Trung Quốc, người đàn ông luôn luôn là người đứng đầu gia đình và phụ nữ ở đây được dạy dỗ để vâng lời cha, chồng và chăm sóc con cái. Vì vậy, đàn ông luôn ở thế chủ động và quyết định mọi thứ. Đồng thời, để tỏ rõ quyền lực của mình, họ không dễ nói ra câu “I love you” bởi vì nếu làm như vậy, họ sẽ bị coi là người ủy mị và đa cảm.

Còn đối với một người đàn ông Mỹ gốc Syria, “I love you” càng giống như là một lời thề nguyện tình yêu. Nếu một cô gái Trung Đông được ai đó thổ lộ câu nói này, họ sẽ tự động nghĩ ngay đến việc kết hôn.

Thông thường, người Ba Lan ngầm hiểu rằng, những người trong gia đình luôn yêu mến và quý trọng lẫn nhau. Nhưng nếu một người trực tiếp thổ lộ với một người khác mà người đó không phải là vợ hay chồng, thì họ sẽ cảm thấy không thoải mái và hơi phiền lòng.

Cô cũng cho rằng, dùng câu “I love you” thì dễ dàng để trao đổi tình cảm hơn như khi phải nói điều này bằng tiếng Ba Lan.

Một người đàn ông Mỹ gốc Colombia chia sẻ, đối với người Latin, yêu là không nên ngần ngại nói ra. Từ “love” đôi khi được nói ra nhiều đến mức như bạn cảm tưởng rằng, mình là một thiếu niên đang say đắm trong biển tình nồng vậy.

Người phụ nữ Hungary đến từ Romania lại cho rằng, khi nói ra câu “I love you”, điều đó cho thấy sự yếu kém của một người khi không thể kiểm soát nổi bản thân và bứt rứt đến nỗi phải thể hiện thành lời.

Đối với một số nền văn hóa, bày tỏ tình cảm qua lời nói không phải là một điều dễ dàng. Nó đòi hỏi nhiều thời gian để luyện tập và trau dồi lòng can đảm để có thể thực sự nói ra ba chữ “I love you”. Môi trường sinh sống và học tập đóng góp rất nhiều đến cách thể hiện tình yêu của một người. Ví dụ như, một người thường trở nên cởi mở hơn trong việc biểu lộ tình cảm nếu họ sống ở các quốc gia như Mỹ,…

Hàm nghĩa đa dạng của cụm từ “I love you” là do đâu?

Các nhà nghiên cứu người Trung Quốc khi tìm hiểu về sự phổ biến của câu “I love you” trong tiếng Anh – Mỹ đã trích dẫn giả thuyết của nhà nhân chủng học nổi tiếng Edward Hall. Theo Hall, văn hoá được chia thành hai loại: văn hóa “nghèo ngữ cảnh” và văn hóa “giàu ngữ cảnh”.

Nếu đó là một nền văn hóa giàu ngữ cảnh như ở một số quốc gia Nhật Bản, Trung Quốc, cách giao tiếp của họ được diễn đạt gián tiếp và khá hàm súc. Ngược lại, một quốc gia trẻ, mang tính độc lập và dân chủ đa dạng như Mỹ lại có nền văn hóa “nghèo ngữ cảnh”. Còn quốc gia lâu đời, mang tính tập thể và đồng nhất cao như Trung Quốc là nền văn hóa “giàu ngữ cảnh”.

Các nhà nghiên cứu viết: “Chuẩn mực Trung Hoa cho rằng, việc phát ngôn một cách thẳng thắn và công khai, ví dụ như khi nói câu “I love you”, thì sẽ bị xem là nông cạn và phù phiếm”.

Ngược lại, phong cách giao tiếp gián tiếp được xem là văn minh và tinh tế hơn, vì họ cho rằng nên hành động hơn là chỉ nói suông.

Tuy nhiên, giải thích này vẫn chưa chính xác trong nhiều trường hợp. Theo một nghiên cứu vào năm 2010, Gareis và Wilkins đã phát hiện ra rằng, câu nói “I love you” được sử dụng thường xuyên trong các mối quan hệ ở Mỹ nhiều hơn ở Đức, mặc dù nền văn hóa Đức cũng được phân loại vào nhóm “nghèo ngữ cảnh”.

Những nhà nghiên cứu cho rằng, một phần nguyên nhân của sự khác biệt này là vì trong tiếng Anh, chỉ có một từ đa năng để thể hiện tình yêu. Trong khi đó, tiếng Đức lại có nhiều cách diễn đạt khác, ví dụ như “I hold you dearly,”(“Tôi yêu mến bạn rất nhiều”) – đối với các kiểu tình cảm khác nhau (Từ tiếng Đức “Ich liebe dich” tương đương với “I love you” được nhiều người Đức vừa được quan niệm là một lời bày tỏ quá mức trang trọng vừa là lời cam kết tình yêu chính thức).

Gareis và Wilkins cũng chỉ ra rằng, việc cởi mở bày tỏ tình yêu trong mối quan hệ tình cảm ở Mỹ có lẽ bắt nguồn từ lễ hội tình yêu từ những năm 1960 và phong trào giải phóng nữ quyền và nam giới trong nửa sau của thế kỷ 20. Và chúng đã lan truyền rộng rãi đến các vùng khác trên thế giới, đặc biệt ở thế hệ trẻ tại các nước khác, thông qua nền văn hoá nhạc pop và công nghệ mới của Mỹ.

“Dường như quá trình lan truyền mạnh mẽ trong và ngoài Mỹ đặc biệt ảnh hưởng đến cách sử dụng câu nói “I love you” ở mọi người. Một số lý do được cung cấp bởi những người tham gia khảo sát bao gồm phong trào hướng đến sự bày tỏ cảm xúc cởi mở hơn, những lời khuyên giúp cha mẹ bày tỏ tình yêu với con cái nhiều hơn, các thông điệp yêu thương được truyền tải thông qua công nghệ mới như nhắn tin văn bản,… và sự bày tỏ tình cảm thông qua bằng ngôn từ của Mỹ đến toàn cầu (thông qua phim ảnh, truyền hình, nhạc pop, v.v …)”.

Gareis và Wilkins đưa ra một ví dụ điển hình về những xu hướng này: Trong năm 2003, McDonald’s đã đưa ra chiến dịch quảng cáo “I love you” ở Đức và phiên dịch thành “Ich liebe es” trong tiếng Đức. Tuy nhiên, những nhà bảo hộ tiếng Đức không hài lòng với việc này.

Họ cho rằng: “Một người Mỹ tương đối dễ dàng thể hiện tình cảm đối với những điều tầm thường và vì vậy không có điều gì ngăn cản họ “yêu” những món đồ ăn nhanh cả. Nhưng, bản dịch tiếng Đức “Ich liebe es”, lại quá trang trọng và thành kính để một người thể hiện tình yêu với một chiếc bánh mì kẹp thịt”.

Thật sự thì “yêu” một điều bình dị thì có gì là sai? Hay thật sự là có một cách “chính xác” để bày tỏ tình yêu đối với điều gì đó. Ở đây, điều quan trọng không phải là phương pháp diễn đạt như thế nào mà là sự biến hóa đa dạng của ý nghĩa đồng thời làm phong phú định nghĩa về tình yêu.

Ví dụ như khi dịch một câu tiếng Đức “ich habe mich gerade wieder in dich verliebt” (“Tôi mới vừa yêu em lại lần nữa”), tại sao một người phụ nữ không nên cảm thấy sỉ nhục khi nghe câu nói này, hay tại sao cô ấy không nên đau đớn khi biết tình yêu của chàng trai đối với mình chớp lóe chập chờn như ngọn nến không ổn định?

Thật ra, ý nghĩa thật sự của câu nói này là “khoảnh khắc bạn nhận ra rằng, bạn đã yêu ai đó lại lần nữa”. Đó là cảm xúc mà có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng trải qua, tuy nhiên nếu dùng “I love you” thì nó lại không thể diễn đạt đầy đủ thông điệp này.

Nguồn: The Atlantic