Bài 7
SỰ HIỆP THÔNG TRONG HỘI THÁNH
Ep 4, 11 – 16
I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:
Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã quy tụ chúng con trong gia đình của Chúa là Hội Thánh. Chúng con xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý hôm nay với tất cả lòng yêu mến của chúng con để cầu nguyện cho các linh hồn.
Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần để Ngài soi sáng giúp chúng con ngày càng hiểu và yêu mến Hội Thánh hơn.
Đọc kinh Sáng soi…
II. DẪN VÀO LỜI CHÚA: Câu chuyện “Những hình ảnh” (Bông lúa vàng, trg. 108)
-Một cha sở thấy trong họ đạo có một người rất chăm chỉ đi nhà thờ, nhưng bỗng thấy vắng hẵn ông. Cha sở tới gặp thấy ông đang ngồi cạnh lò sưởi. Không nói gì, Cha lẳng lặng gắp ra một cục than hồng đểû trên tảng đá, hồi lâu than tàn dần, người kia bèn cất tiếng phá vỡ bầu khí nặng nề:
. Thưa cha, cha khỏi cần phải nói lời nào hết, ngày mai con sẽ đi dự lễ như mọi khi…Than hồng một mình sẽ tàn lụi dần, cùng chung với các than trong lò, nó sẽ sáng hồng và nóng mãi.
– Nếu ta hỏi chiếc lá cây: “Một mình có đầy đủ không?” Nó sẽ trả lời: “Không, đời sống của tôi ở cành cây cơ!” – Nếu ta hỏi cây thì sẽ được trả lời: “Sức sống của tôi ở rễ cây!” – Nếu ta hỏi rễ cây thì nó sẽ trả lời: “Không, sức sống của tôi thì ở trong thân cây, lá cây: nếu ngắt các bạn tôi đi, tôi sẽ chết”.
Các em thân mến, những hình ảnh trên đây giúp ta liên tưởng đến đời sống hiệp thông trong Hội Thánh: mọi người đều liên đới và gắn bó mật thiết với nhau trong Chúa Ki-tô như trong đoạn thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô mà chúng ta sẽ công bố sau đây.
Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA: Ep 4,11 – 16
Thinh lặng giây lát
IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA:
1. Dẫn giải đoạn Lời Chúa vừa công bố:
– Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe của ai viết? Gửi cho ai?
Của thánh Phao-lô viết, gửi cho tín hữu Ê-phê-sô.
– Thời gian viết? Khoảng năm 60, lúc thánh Phao-lô đang bị cầm tù.
Thánh Phao-lô viết thư này để huấn dụ các tín hữu: mỗi người nhờ Phép Rửa đã trở nên con cái của Hội Thánh, được tháp nhập vào Thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô, vì thế mọi người phải hiệp nhất với nhau để xây dựng Hội Thánh. Sự hiệp nhất trong thân thể không làm mất đi tính đa dạng của các chi thể: Trong việc xây dựng thân thể Chúa Ki-tô, cần có nhiều chi thể với phận vụ khác nhau. Chỉ có một Chúa Thánh Thần ban những ân sủng khác nhau, để làm ích cho Hội Thánh theo sự sung mãn của Người và tùy nhu cầu của các công việc. Sự hiệp nhất của Nhiệm thể làm phát sinh và thúc đẩy lòng bác ái giữa các tín hữu.
Chúng ta cùng thảo luận đoạn thư này để thấy rõ hơn mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh.
2. Các em học sinh thảo luận:
Đoạn Lời Chúa chúng ta vừa nghe là một bài giảng.
a. Đoạn văn có những từ ngữ hoặc cụm từ nào quan trọng?
– Chính Ngài đã ban ơn, xây dựng thân thể Đức Ki-tô, đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin, nhận biết Con Thiên Chúa, sống theo sự thật và trong tình bác ái, vươn tới Đức Ki-tô là Đầu.
– Từ ngữ hoặc cụm từ chính yếu: Vươn tới Đức Ki-tô là Đầu
b. Câu tóm ý: câu 15
c. Đặt tựa đề ngắn: Mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh
1. Bài học giáo lý:
Sau khi tuyên xưng “Hội Thánh Công giáo”, Kinh Tin kính các Tông đồ còn thêm “Các thánh hiệp thông”. Hội Thánh là gì, nếu không phải là cộng đoàn tất cả các thánh? Hội Thánh chính là mầu nhiệm các thánh hiệp thông. Thuật ngữ “Các thánh hiệp thông” có hai nghĩa liên kết chặt chẽ với nhau: “Hiệp thông trong các sự thánh” và “Hiệp thông giữa những người thánh”
3. 1 Hiệp thông các ân huệ thiêng liêng:
Sách Công vụ Tông đồ mô tả sinh hoạt của cộng đoàn Ki-tô hữu đầu tiên như thế nào? “Họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng…Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau, để mọi sự làm của chung” (Cv2,42-44)
Cộng đoàn ấy là mẫu mực của Hội Thánh sống mầu nhiệm hiệp thông:
a. Hiệp thông trong cùng một đức tin:
Hội Thánh ở khắp nơi trên thế giới, bao gồm mọi nước, mọi dân, mọi ngôn ngữ, mọi thời đại, nhưng vẫn chỉ tuyên xưng cùng một đức tin duy nhất, nhận được từ các Tông đồ.
Hiệp thông trong cùng một đức tin, chúng ta không chỉ đón nhận nhưng còn có bổn phận làm cho đức tin đó mỗi ngày một lớn lên trong ta nhờ việc học hỏi Lời Chúa, suy gẫm và đem ra thực hành. Trong Hội Thánh, mỗi người góp phần nâng đỡ đức tin của những người khác, cũng như nhờ đức tin của người khác mà đức tin của mình được nâng đỡ và lớn mạnh (Rm 1,8-12; 15,1).
b. Hiệp thông về các bí tích:
Chính khi cử hành phụng vụ, nhất là các bí tích, các tín hữu biểu lộ và phát huy sự hiệp thông với nhau trong cùng một đức tin duy nhất. Các bí tích liên kết tất cả mọi người chúng ta với Chúa Ki-tô và hiệp thông chúng ta với nhau.
Bí tích Rửa tội dẫn chúng ta vào cánh cửa hiệp thông trong Hội thánh: chúng ta trở nên chi thể của thân thể Chúa Ki-tô, vì thế chúng ta cũng là chi thể của nhau (Ep 4,25)
Bí tích Thêm sức ban Chúa Thánh Thần, sáp nhập chúng ta vào thân thể Chúa Ki-tô cách mật thiết hơn, khiến mối liên lạc của ta với Hội Thánh thêm chặt chẽ.
Bí tích nào cũng tạo sự hiệp thông vì kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa. Đặc biệt là bí tích Thánh thể, bí tích dưỡng nuôi và hoàn thành mối hiệp thông trong Hội Thánh: “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17)
c. Hiệp thông về các đoàn sủng:
Chúa Thánh Thần không chỉ thánh hoá và hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí tích, các chức vụ, các nhân đức, Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt để xây dựng Hội Thánh. Đó là các đoàn sủng.
Có nhiều đoàn sủng khác nhau, chẳng hạn như ơn khôn ngoan để giảng dạy, ơn hiểu biết để trình bày, ơn nói tiên tri, ơn làm phép lạ…Chúa Thánh Thần ban cho các tín hữu những ơn ấy, mỗi người mỗi cách tuỳ theo ý Ngài, là để phục vụ ích chung của Hội Thánh. Do vậy, các ơn ấy phải được thúc đẩy bằng đức ái và là thước đo thật sự của các đoàn sủng, trong sự vâng phục các vị chủ chăn trong Hội Thánh. (x. 1Cr 12,7; 13; SGLC 799 – 801; GH 12)
d. Hiệp thông trong cùng một đức ái:
Đức ái là linh hồn của sự thánh thiện mà Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta đạt đến: “Đức ái chi phối mọi phương thế nên thánh, là linh hồn của chúng và đưa chúng đến cùng đích” ( LG 42)
Hiệp thông trong Đức ái là chia sẻ với nhau của cải vật chất, đến nỗi “Không ai phải thiếu thốn” (Cv4,34) và cả của cải thiêng liêng vì “Nếu một bộ phận nào đau thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang thì mọi bộ phận cùng vui chung” (1Cr 12,26). Sự thánh thiện hay tội lỗi của một người đều ảnh hưởng đến cả cộng đoàn.
– Tóm ý: Sự hiệp thông các ân huệ thiêng liêng trong Hội Thánh là hiệp thông trong cùng một đức tin, một đức ái, các bí tích và các đoàn sủng.
3. 2 Hiệp thông giữa Hội Thánh trên trời và Hội Thánh dưới đất:
Trong cùng một Hội Thánh “Có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế ( được gọi là Hội Thánh Lữ hành), có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống đời này và đang được thanh luyện (gọi là Hội Thánh thanh luyện), và có những người đã được hưởng hạnh phúc vinh quang với Thiên Chúa Ba Ngôi trên Thiên đàng (gọi là Hội Thánh khải hoàn) (GH 49). Nhưng dù ở tình trạng nào, tất cả cùng hiệp thông trong cùng một tình mến Chúa và yêu người, cùng làm môn đệ của Chúa Ki-tô và cùng được Thánh Thần hướng dẫn (Rm 12, 3-8)
a. Hiệp thông với các thánh trên trời (SGLC 954 – 957)
Thánh Đa-minh, khi lâm chung Ngài đã nói với các bạn rằng: “Xin anh em đừng khóc, sau khi chết tôi sẽ có ích cho anh em hơn, sẽ giúp anh em hiệu quả hơn khi tôi còn sống”.
Vâng, nơi trần gian, các tín hữu nhìn lên các thánh trên trời với lòng yêu mến và tôn kính để noi gương sáng của các Ngài và xin các Ngài phù giúp. Nhờ gắn bó mật thiết hơn với Chúa Ki-tô, các thánh trên trời góp phần làm cho Hội Thánh thêm thánh thiện…Các Ngài không ngừng cầu bầu cho chúng ta bên Chúa Cha và không ngừng lo lắng cho chúng ta trong tình huynh đệ. Nếu như tình hiệp thông giữa các Ki-tô hữu trên trái đất giúp ta gần gũi với Chúa Ki-tô hơn, thì sự hiệp thông với các thánh càng giúp ta hiệp nhất với Chúa Ki-tô hơn nữa. (GH 49 -51) (SGLC 954 -957)
Hằng năm, ngoài những ngày lễ riêng, Hội Thánh còn dành ngày 1. 11 để mừng chung các thánh nam nữ.
b. Hiệp thông với các linh hồn nơi luyện ngục:
Các linh hồn nơi luyện ngục không có thể lập công trạng gì cho họ nữa nhưng họ vẫn có thể cầu cho chúng ta. Do đó, trong tình hiệp thông, các tín hữu còn ở trần gian dâng Thánh lễ và các việc lành phúc đức cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục. Việc cầu nguyện như thế không những giúp họ sớm hoàn tất cuộc thanh luyện mà còn làm cho lời chuyển cầu của họ cho chúng ta được thêm hiệu nghiệm (2Mcb 12, 38-45; GH 49-50)
Ngày 2. 11 và suốt tháng 11, Hội Thánh đặc biệt cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.
– Tóm ý: Hội Thánhcòn là một cộâng đoàn hiệp thông giữa những người đang lữ hành ở trần thế, những người đã qua đời và đang hoàn tất việc thanh luyện, các thánh trên trời. Tất cả họp thành một Hội Thánh duy nhất.
3. 3 Sống mầu nhiệm các thánh cùng thông công
a. Cầu nguyện cho nhau:
Lời cầu nguyện của chúng ta còn hướng đến tha nhân, kể cả những kẻ làm hại mình ( Cv7,60). Ta trình bày với Chúa mọi nỗi vui, buồn và nguyện ước của họ. Qua việc cầu nguyện cho người khác, ta được liên kết với Chúa Giê-su là Đấng trung gian duy nhất hằng cầu bầu cho chúng ta bên cạnh Chúa Cha (Rm 8,34)
Trong tình hiệp thông, chúng ta còn hướng tới những nhu cầu của Hội Thánh : Việc truyền giáo, công cuộc dạy giáo lý, ơn gọi, sự hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu.
b. Nối kết Thánh lễ với cuộc sống:
“ Nếu ngươi đi dâng lễ mà chợt nhớ có người anh em đang bất hoà với ngươi…” (Mt 5,23-24)
Thánh lễ mời gọi ta sống an hoà với mọi người vì Thánh lễ là dấu hiệu và nguồn mạch của sự hiệp thông : “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17)
Trong Thánh lễ, chúng ta cầu nguyện cho Hội Thánh, cho quê hương đất nước, cho những người nghèo khổ bị bỏ rơi, cho ông bà, cha mẹ, cho bạn bè, anh em trong gia đình…Để rồi khi Thánh lễ kết thúc, chúng ta được sai đi, biến những tâm tình cầu nguyện ấy thành những hoạt động bác ái yêu thương cụ thể.
– Tóm ý: Bằng đời sống của mình, mỗi Ki-tô hữu phải là hình ảnh của một Hội Thánh hiệp thông cho thế giới hôm nay.
· TÓM Ý TOÀN BÀI: Hội Thánh là một cộng đoàn hiệp thông: hết thảy mọi người chúng ta, từng cấp bậc và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến Chúa yêu người. Vì tất cả đều thuộc về Đức Ki-tô và nhận lãnh Thánh Thần của Ngài, họp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Ngài. Bởi vậy, sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em trong luyện ngục và các thánh trên trời không hề bị gián đoạn.
V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ:
1. Gợi tâm tình cầu nguyện: Các em thân mến,
Trong Kinh Thánh, Hội Thánh thường được ví như một gia đình: gia đình con cái Thiên Chúa (Mt 12,46-50), như đoàn chiên mà Chúa Ki-tô là vị mục tử tốt lành (Ga 10,1-18), như cây nho mà Chúa Ki-tô là thân cung cấp nhựa sống cho mọi cành (Ga 15,1-17). Hội Thánh còn được ví như một thân thể mà Chúa Ki-tô là Đầu (Rm 12,4-8; 1Cr 10,17)…Tất cả những hình ảnh ấy đều muốn nói lên sự hiệp thông trong Hội Thánh: Hội Thánh là dấu hiệu và là phương tiện cho loài người được hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau.
Cảm tạ Chúa đã quy tụ chúng ta trong gia đình Hội Thánh, chúng ta hãy dâng lời chúc tụng, nguyện xin:
2. Cầu nguyện:
Lạy Chúa, hiệp cùng các thánh trên trời, chúng con xin dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa là Đầu của Hội Thánh. Xin cho mọi người trong Hội Thánh luôn hiệp nhất trong cùng một đức tin, một Phép Rửa, một Thiên Chúa là Cha, và xin Chúa cho những ai đã qua đời đựơc Phục sinh, và cho chúng con được cùng họ hưởng vinh quang muôn đời.
Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
VI. SINH HOẠT: Hát “ Bốn phương trời”
VII. BÀI TẬP: Em hãy chọn câu đúng nhất và đánh dấu x vào ô vuông ¨
1. Sự hiệp thông các ân huệ thiêng liêng trong Hội Thánh là:
a. Cùng một đức tin, một đức ái, các bí tích và các đoàn sủng.
b. Hiệp thông trong cùng một phép Rửa.
c. Hiệp thông trong việc cầu nguyện và sống đức ái. ( câu a)
2. Sống mầu nhiệm các thánh cùng thông công là:
d. Noi gương các thánh và xin các ngài phù giúp.
e. Dâng Thánh lễ và các việc lành cầu nguyện cho các linh hồn.
f. Các thánh và các linh hồn ở luyện ngục chuyển cầu cho ta. Câu a đúng.
g. Cả 3 câu a, b, c đều đúng (câu e)
VIII. ĐIỀU DỐC LÒNG:
1. Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?
Mỗi người sống trong Hội Thánh đều được Chúa ban ơn để góp phần xây dựng Hội Thánh là Thân thể Đức Ki-tô.
2. Qua bài học hôm nay, Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?
– Tìm một gương tốt nơi thánh bổn mạng để noi theo.
– Mỗi ngày dâng 10 lời nguyện tắt để cầu cho các linh hồn
IX. CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ:
Lạy Chúa Giê-su, chúng con dâng lên Chúa tâm tình tri ân về những ơn Chúa đã ban cho chúng con trong giờ giáo lý này. Xin Chúa giúp chúng con thực hiện điều quyết tâm, để chúng con luôn sống trong mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh. Chúng con cầu xin Chúa. Amen.