Thuật ngữ “vua chuột” từ đâu?
Thuật ngữ “vua chuột” bắt nguồn từ Đức. Từ gốc “Rattenkonig” được sử dụng trong suốt thế kỷ 17 và 18 để chỉ những người sống dựa vào người khác. Hiện tượng vua chuột thường gắn liền với nước Đức, nơi phần lớn hiện tượng khác thường này được ghi nhận.
Thuật ngữ “Rattenkonig” lúc đầu không được sử dụng để nhắc đến những con chuột, mà được sử dụng để chỉ những người sống nhờ người khác. Sau này, cụm từ vua chuột được dùng để chỉ một ông vua ngồi trên ngai vàng của những cái đuôi bị thắt nút.
“Vua chuột” bị cho là điềm báo cho một tai ương khủng khiếp nào đó sắp xảy ra như nạn đói hoặc dịch bệnh.
“Vua chuột” đầu tiên xuất hiện vào năm 1564 bao gồm 25 con chuột nâu. Các trường hợp sau đó hầu hết đều hình thành từ các cá thể chuột đen, trong đó có nhiều vua chuột đã chết hoặc thậm chí trở thành xác ướp.
Hiện tượng “vua chuột” là gì?
“Vua chuột” là một thuật ngữ dùng để mô tả hiện tượng một nhóm các con chuột có đuôi thắt chặt vào nhau. Nút thắt này chặt đến mức không thể có bất kỳ con chuột nào trong nhóm có thể thoát ra. Hiện tượng này rất hiếm khi gặp và đã truyền cảm hứng cho nhiều truyền thuyết trong nhiều thế kỷ.
Những con chuột sau đó lớn lên cùng nhau với phần đuôi dính liền. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở những nơi bẩn thỉu, khi đàn chuột sinh sôi nhanh chóng và đạt tới số lượng cực lớn.
Theo Vintage News, “vua chuột” là hiện tượng kỳ lạ và cực kỳ hiếm gặp xảy ra ở một số quần thể chuột, khi một số lượng lớn chuột vô tình bị quấn đuôi vào nhau, có thể do máu, đất cát hay phân và nước tiểu.
“Vua chuột” là điềm xấu gieo rắc sợ hãi?
“Vua chuột” luôn là chủ đề gây lo sợ và bị coi là điềm rất xấu trong lịch sử ở châu Âu. Nguyên nhân do chuột là loài gieo rắc dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dịch hạch, nên vua chuột thường được coi là nguồn gây bệnh. Chúng luôn bị giết ngay khi bị phát hiện.
Theo các nguồn tin, rất ít người tin hiện tượng “vua chuột” là có thật. Và đến hiện nay, nguyên nhân của hiện tượng này vẫn là đề tài tranh luận gay gắt của các nhà khoa học.
Nhà nghiên cứu Emma Burns, phụ trách khoa học tự nhiên tại Bảo tàng Otago cho biết, “vua chuột” là hiện tượng tự nhiên, không phải nhân tạo. Hiện tượng này xảy ra là do đuôi của một số con chuột có phản xạ “siết chặt” vào nhau.
Tuy nhiên, đến nay, hiện tượng này vẫn chưa có lời giải thích khoa học cụ thể. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, hiện tượng này là một nỗi sợ hãi tột cùng. Bởi lẽ, nhiều người cho rằng, hiện tượng này là một điềm báo cho một đại nạn nào đó sắp xảy ra như nạn đói, dịch bệnh. Từ đó, những con chuột có đuôi bị quấn chặt vào nhau thường bị giết ngay sau khi phát hiện, hoặc đưa lên chùa làm lễ thanh tẩy.
Ngày nay, mẫu vật “vua chuột” được trưng bày ở nhiều bảo tàng trên khắp thế giới. Bảo tàng Khoa học Mauritanium ở Altenburg, Đức, lưu giữ xác “vua chuột” lớn nhất thế giới bao gồm 32 con, tìm thấy tại một lò sưởi của thợ xay ở làng Buchheim.
Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Hamburg, Göttingen, Hamelin và Stuttgart cũng trưng bày xác “vua chuột” bảo quản bằng rượu. Bảo tàng Otago ở Dunedin, New Zealand lưu giữ một “vua chuột” gồm nhiều con chuột đen chưa trưởng thành có đuôi bị rối do lông ngựa.
Thanh Bình (tổng hợp)