Với tư cách là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) trong tháng 6-2014, phái đoàn Nga vừa cho lưu hành dự thảo nghị quyết yêu cầu chính quyền Ukraina chấm dứt ngay hành động quân sự và thiết lập hành lang nhân đạo tại miền Đông nước này. Tuy nhiên, đề xuất vấp phải nhiều chỉ trích cũng như nghi vấn của phương Tây khi Mát-xcơ-va nhiều lần phản đối cái gọi là “hành lang nhân đạo” tại Syrie.
Văn kiện trên yêu cầu các bên tại Ukraina “ngừng bắn lâu dài” và tạo dựng các hành lang nhân đạo, cho phép người dân sơ tán an toàn khỏi các khu vực chiến sự và đảm bảo việc tiếp cận với các cứu trợ nhân đạo không bị cản trở. Đồng thời, dự thảo nghị quyết cũng đề nghị các bên phải thực thi thỏa thuận Genève và tuân thủ lộ trình hòa bình của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết văn bản đã nhận được “một số ủng hộ tích cực” nhưng nước này chưa quyết định bước tiếp theo để đưa nó trở thành nghị quyết bắt buộc.
Trong khi đó, phương Tây tiếp nhận đề xuất này rất lạnh nhạt. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi đề xuất của Nga là “đạo đức giả” vì cùng lúc Mát-xcơ-va để các binh sĩ và vũ khí theo đường biên giới Nga thâm nhập vào Ukraina cũng như “không làm gì” để ngăn chặn các phần tử ly khai thân Nga tấn công những mục tiêu mới và bắt các quan sát viên OSCE làm con tin. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói: “Nếu họ muốn kêu gọi hoặc ủng hộ giảm căng thẳng thì sẽ thiết thực hơn nếu họ chấm dứt những hoạt động đó”. Washington còn cáo buộc làn sóng nổi dậy hiện nay tại Ukraina là do Mát-xcơ-va “đạo diễn”. Cáo buộc của bà Psaki đưa ra giữa lúc hàng trăm tay súng ly khai tấn công dữ dội vào lực lượng an ninh biên giới trung thành với chính quyền Kiev tại nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng hôm 2-6 làm nhiều người thương vong.
Đại sứ Anh tại LHQ Mark Lyall Grant cho rằng nghị quyết do Nga đề xuất không phù hợp để giải quyết vấn đề tại Ukraina vì đó là cuộc khủng hoảng an ninh – chính trị chứ không phải khủng hoảng nhân đạo. “Không ai bị thiếu lương thực, không có sự vây hãm các thành phố, vì thế sẽ không rõ mức độ hoặc tình trạng khủng hoảng như thế nào để có thể lý giải cho (việc thiết lập) các hành lang nhân đạo”.
Ngoài ra, một nhà ngoại giao phương Tây khác cũng cho rằng việc Nga đệ trình dự thảo trên vào lúc này nhằm “đánh lạc hướng” các thành viên HĐBA về các thảo luận đang diễn ra quanh cách thực thi các hành lang nhân đạo ở Syrie. Đại sứ Litva tại LHQ Raimonda Murmokaite châm biếm rằng Mát-xcơ-va từng nhiều lần bỏ phiếu phủ quyết đề xuất của phương Tây về giải pháp nhân đạo tại Syrie, thế mà nay lại đưa ra đề nghị tương tự cho Ukraina. Bà Murmokaite còn khẳng định “phương thuốc” cho cuộc khủng hoảng Ukraina không phải dự thảo nghị quyết trên, mà “điều duy nhất Nga có thể làm là từ bỏ các phần tử nổi dậy, ngừng các nguồn cung ứng, ngừng chu cấp tài chính, hoàn toàn tách biệt khỏi lực lượng nổi dậy. Tôi cho rằng khi đó vấn đề sẽ được giải quyết trong thời gian rất ngắn”.
Cái gọi là “hành lang nhân đạo” mà phương Tây nhiều lần tìm cách thiết lập trong cuộc nội chiến tại Syrie nhằm xây dựng môi trường an ninh cho người tị nạn và lực lượng nổi dậy xem ra đang gặp “đối trọng” ở Ukraina.
THUẬN HẢI (Theo Reuters, AFP)