Các loại giấy tờ có giá được sử dụng rất phổ biến trong cuộc sống, trong các giao dịch dân sự thông thường. Tuy nhiên hiện nay vẫn có rất nhiều người không biết giấy tờ có giá là gì hoặc thường có sự nhầm lẫn giữa giấy tờ có giá với các loại giấy tờ khác. Vậy giấy tờ có giá là gì? Pháp luật quy định như thế nào đối với các loại giấy tờ có giá, hãy cùng ACC tìm hiểu thông qua một số kiến thức pháp lý liên quan đến vấn đề này nhé!
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13
Thông tư số 01/2012/TT-NHNN
Thông tư số 04/2016/TT-NHNN
Công văn số 141/TANDTC-KHXX
1. Giấy tờ có giá là gì?
Bộ luật dân sự năm 2015 không định nghĩa rõ giấy tờ có giá là gì mà chỉ nhắc đến giấy tờ có giá là một loại tài sản, khoản 1 Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Tuy nhiên tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư 04/2020 và khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2012 của Ngân hàng Nhà nước đều định nghĩa về giấy tờ có giá như sau: giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
Cũng tại Thông tư 01, Ngân hàng Nhà Nước chia giấy tờ có giá làm 2 loại là:
- Giấy tờ có giá dài hạn là giấy tờ có giá có thời hạn từ một năm trở lên kể từ khi phát hành đến khi đến hạn thanh toán.
- Giấy tờ có giá ngắn hạn là giấy tờ có giá có thời hạn dưới một năm kể từ khi phát hành đến khi đến hạn thanh toán.
2. Các loại giấy tờ có giá
Tuy rằng Bộ luật dân sự không đặt ra quy định thế nào được coi là giấy tờ có giá, nhưng tại điểm c khoản 2 Điều 6 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giải đáp về nghiệp vụ bởi Công văn 141/TANDTC-KHXX ngày 21 tháng 09 năm 2011. Theo đó quy định các loại giấy tờ có giá bao gồm:
- Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu theo quy định của Pháp lệnh về ngoại hối.
- Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, Séc, Công cụ chuyển nhượng khác theo quy định của Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005 (trừ công cụ nợ dài hạn được tổ chức phát hành nhằm huy động vốn trên thị trường).
- Tín phiếu, trái phiếu, hối phiếu, công trái và công cụ khác theo quy định của pháp luật quản lý về nợ công.
- Các loại chứng khoán theo quy định tại Điều 6 Luật chứng khoán năm 2006 sửa đổi năm 2010, gồm các giấy tờ như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, nhóm chứng khoán, chỉ số chứng khoán, Hợp đồng góp vốn đầu tư và các loại chứng khoán khác.
Xem thêm công trái là gì?
3. Giá trị của các loại giấy tờ có giá đối với ngân hàng
Giấy tờ có giá cũng nằm trong 4 loại tài sản được quy định trong luật dân sự (tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản), các loại giấy tờ này thường được dùng để bảo đảm việc thực hiện vay vốn tại các ngân hàng thương mại.
Đối với các ngân hàng thương mại, giấy tờ có giá có tính thanh khoản cao nên thường được sử dụng làm tài sản đảm bảo. Các ngân hàng thương mại sẽ có các chính sách khác nhau về số vốn cho vay (hầu hết tối đa 75% giá trị giấy tờ có giá) nhằm đảm bảo cho quyền và lợi ích của ngân hàng khi có rủi ro xảy ra
Bạn có thể vay thế chấp ngân hàng bằng các loại giấy tờ có giá, ví dụ như:
- Thế chấp trái phiếu doanh nghiệp
- Sổ tiết kiệm bằng loại tiền: VND, USD, EURO
Chúng ta thấy rằng khi cần vay vốn ngân hàng thì giấy tờ có giá đóng vai trò quan trọng đối với việc bảo đảm lợi ích của ngân hàng và giúp khách hàng tăng độ tin cậy khi muốn vay vốn.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi đưa ra để giúp các bạn hiểu rõ hơn về khái niệm giấy tờ có giá là gì. Nếu bạn có bất kì thắc mắc gì hoặc cần tư vấn trực tiếp, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn tận tình và nhanh chóng nhé!