III/ Giá trị xã hội
Các loại giá trị, các quan niệm về giá trị cũng như khái niệm “giá trị” đều là sản phẩm của con người, theo khoa học, đều thuộc phạm trù xã hội. Giá trị xã hội, theo các tài liệu xã hội học, chính trị học…, được xác định là lợi ích do các loại dịch vụ, trong đó có dịch vụ công mang lại cho xã hội, trong đời sống của con người và cộng đồng, xã hội; nó chú ý nhiều tới các phạm vi như an sinh (wellbeing), sức khỏe, hợp đồng, việc làm, môi trường… Vì vậy, “giá trị xã hội” là giá trị của tập thể, có cả mặt “tinh thần” lẫn mặt “vật chất”. Trong đời sống của con người và cộng đồng, xã hội, hai mặt này hầu hết gắn bó với nhau, tuy ở mỗi trường hợp sự gắn bó này có thể ở các mức độ khác nhau. Tuy vậy, nhiều tác giả khi xem xét các “giá trị xã hội” không coi trọng khía cạnh tài chính mà tập trung vào ý nghĩa xã hội – “vốn xã hội”.
Từ đầu thế kỷ XX, J. Schumpeter (1883 – 1950) đã có bài viết “Bàn về quan niệm giá trị xã hội” (năm 1909) đặt vấn đề phải xác định không những giá trị của từng người mà còn phải tính đến giá trị xã hội – cái có lợi ích chung cho xã hội. Ông chỉ ra việc sản xuất phải gắn liền với việc phân phối, và đặt trong mối quan hệ với giá trị xã hội, giá trị xã hội phụ thuộc vào phân phối phúc lợi. Mặt khác, giá trị xã hội bắt nguồn từ từng người muốn gì và được hưởng phúc lợi bao nhiêu. Ở đây phải tính đến cả luật cung – cầu, riêng về phương diện cầu trên thị trường vừa phải có tính cá thể vừa phải có tính xã hội. Như vậy, Schumpeter đã đưa ra thuật ngữ – khái niệm – quan niệm ban đầu về “giá trị xã hội”; xác định nội hầm “giá trị” là “cái có ích”, “điều mong muốn”, và “hưởng thụ”; giá trị xã hội ảnh hưởng đến giá trị cá nhân, và ngược lại. Cách tiếp cận giá trị được vận dụng vào xã hội học và có ảnh hưởng tới quản trị xã hội, có thể coi đây là đóng góp của giá trị học đầu thế kỷ XX cho loài người.
Tuy ý tưởng về sức mạnh của tổ chức xã hội đã có từ lâu nhưng chỉ gần đây, vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, thuật ngữ “vốn xã hội” mới trở nên phổ dụng trong chính trị học, xã hội học, giá trị học, cả trong kinh tế học cũng như trong đời sống nói chung. Chủ đề này có nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu, mở đầu là R. Putnam, Giáo sư Đại học Harvard và F. Fukuyama, Giáo sư Đại học John Hopkins. “Vốn xã hội” theo Putnam là giá trị của tập thể tất cả các mạng (hệ thống, tổ chức xã hội, các mạng máy tính và khuynh hướng xã hội, do các thành viên đem lại lợi ích cho nhau). Từ định nghĩa này có thể hiểu “giá trị xã hội” là “giá trị tập thể” do các thành viên tạo nên, các giá trị này đem lại lợi ích cho nhau, chủ thể của giá trị là tập thể, nội hàm của “giá trị” là “lợi ích chung”. Còn theo Fukuyama, “vốn xã hội” là các giá trị hay chuẩn mực được chia sẻ, giúp cải thiện sự hợp tác xã hội, trực tiếp trong các quan hệ xã hội đương thời. Ông cũng nói đến tác dụng tích cực của “vốn xã hội” đối với sự phát triển thành công của xã hội. Ý kiến này gần với giá trị học. Định nghĩa của Putnam giúp ta hiểu ra rằng, nói đến “vốn xã hội” là nói đến “giá trị xã hội” do xã hội (cộng đồng) là chủ thể, nhấn mạnh sự đồng thuận của các thành viên đối với các giá trị. Như vậy, có sự gặp gỡ từ phía xã hội và từ phía cá nhân trong “giá trị”: tập thể (cộng đồng, xã hội, dân tộc) lựa chọn giá trị, từng cá nhân theo và sử dụng các giá trị trong đời sống bản thân. Tâm lý học giá trị và giáo dục học giá trị rát cần lưu ý đặc điểm này, nhất là khi vận dụng phương pháp tiếp cận cá thể. Trong sản xuất cũng như mọi hoạt động khác của thế giới hiện đại, con người rất chú ý vai trò chủ động tích cực hoạt động vì lợi ích bản thân và cộng động, xã hội, đồng thời cũng rất quan tâm đến các kỹ năng hợp tác nhóm. Một yếu tố quan trọng tạo nên giá trị xã hội, như đã nói ở trên, là “sự chia sẻ” giữa các thành viên, tức là từ các mối quan hệ người – người (trong lịch sử Việt Nam gọi là “đoàn kết”, ngày nay gọi là “tính cộng đồng”, tiếng Anh hay dùng từ “cohesion” (cố kết)). Đó là một đặc trưng rất nổi trội ở loài người, được củng cố và phát triển chủ yếu bằng con đường giáo dục (bao gồm cả tự giáo dục), tạo nên sức mạnh tinh thần – sức mạnh tâm lý. Giá trị ấy chủ yếu thuộc phạm trù “tinh thần”. Để hiểu thêm về “giá trị xã hội”, nhất là “giá trị” trong giá trị học, cần tìm hiểu “giá trị tinh thần” là phạm trù bao gồm các “giá trị tâm lý”.
IV/ Giá trị tinh thần
Cần tìm hiểu sâu khái niệm “giá trị tinh thần” bởi “giá trị” trong giá trị học thuộc về phạm trù tinh thần; tâm lý, giáo dục đều thuộc thế giới tinh thần. Hơn nữa, nhân dân ta có truyền thống coi trọng các giá trị tinh thần – giá trị văn hóa, lịch sử và hiện nay đang lấy văn hóa là nền tảng tinh thần của phát triển. Các giá trị có thể chia thành hai nhóm: giá trị vật chất và giá trị tinh thần Giá trị vật chất là giá trị chứa đựng sẵn có trong vật thể; các giá trị kinh tế thường hay được xếp vào nhóm giá trị vật chất. Giá trị tinh thần là do con người và cộng đồng tạo nên bằng con đường trải nghiệm. Ở con người, như R. Descartes (1596 – 1650) phân định, một bên là thể xác, một bên là tinh thần, tồn tại song song, thường gọi là “thuyết nhị nguyên” – khái quát lên thành vấn đề “tâm – thế” (tâm lý và thân thể). Các nhóm giá trị này đều thiết yếu cho cuộc sống của con người và cộng đồng xã hội, cái này tiếp nối cái kia, cái này nằm trong cái kia, có lúc thống nhất, có lúc mâu thuẫn, nhưng nhìn chung, chúng tiếp nối nhau, xen kẽ nhau, chồng ghép lại, tương hỗ nhau, kết lại dòng đời của con người và cộng đồng. Giá trị trong giá trị học thuộc phạm trù giá trị tinh thần.
Để đi đến khái niệm giá trị tinh thần, cần hiểu tinh thần là gì? Đây là một khái niệm phức tạp. Trong Từ điển tiếng Việt, thuật ngữ tinh thần có ba nghĩa: 1) Hoạt động trí óc của con người bao gồm tư duy, tình cảm, ý chí; 2) Ý thức đối với sự việc; 3) Ý nghĩa sâu xa, thực chất của nội dung. Cả ba nghĩa này giá trị học đều cần tham khảo, nhất là nghĩa thứ ba, nhưng đều qua cơ chế trải nghiệm.
Trong Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 4 đề cập rõ hơn nghĩa thông thường và nghĩa theo triết học của khái niệm tinh thần. Tinh thần là phạm trù đối lập với vật chất, là phương thức tồn tại của đối tượng được phản ánh trong tâm lý con người dưới dạng hình tượng cảm tính và lý tính, tinh thần phản ánh và cải biến thực tiễn hoạt động vật chất, xã hội, lịch sử, văn hóa của con người và cộng đồng. Cách hiểu tinh thần trong cả hai cuốn từ điển là cách hiểu duy vật biện chứng (nhưng không “đối lập”), khác với cách hiểu tinh thần chỉ trong phạm vi ý thức, như nhà triết học vĩ đại người Đức G.W.F. Hegel (1770 – 1831) đã khẳng định. Tuy vậy, dưới góc độ giá trị học, trong phạm vi của mục này, cần suy ngẫm những ý tưởng lớn của Hegel về phạm trù tinh thần. Chẳng hạn, đầu tiên là ý tưởng khẳng định tinh thần là một phạm trù của con người và do con người tạo ra – các giá trị trong giá trị học thuộc phạm trù này. Hegel coi “tinh thần là điểm xuất phát cho mọi việc làm của mọi người như: mục đích, mục tiêu của mọi người, vì cái đó là cái tự mình…”. Vận dụng vào giá trị học, các hình thức tồn tại của giá trị cá nhân hay cộng đồng đều xếp vào bình diện tinh thần (như thái độ đối với giá trị này hay giá trị khác…), gắn với mục tiêu, mục đích của hành vi, hành động, đều được chính người mang các giá trị ấy trải nghiệm. Ý tưởng của Hegel về “tinh thần là đời sống đạo đức của một quốc gia, dân tộc” rất có ý nghĩa khi bàn tới hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Hegel còn chỉ ra rằng, đời sống đạo đức là tinh thần có thực, hiện thực đích thực, những hình thái của cả một thế giới (nhiều hơn những hình thái của ý thức – tức là cả trong phạm vi tư duy lẫn trong phạm vi tình cảm, ý chí) tức là có thế giới tinh thần mà các khoa học xã hội và nhân văn, nhất là tâm lý học, giáo dục học đã và đang nghiên cứu, rất có ý nghĩa đối với phát triển đất nước và mỗi con người. Các ý tưởng này có ý nghĩa sâu sắc trực tiếp với giá trị học, tâm lý học giá trị, giáo dục học giá trị. Hegel còn chỉ ra rằng, tinh thần là thế giới văn hóa, văn minh, tinh thần có thể hiểu đồng nghĩa với văn hóa. Ý tưởng này có thể vận dụng để xem xét các vấn đề hệ giá trị chung của dân tộc và riêng từng cá nhân. Dưới góc độ của mỗi con người ông cũng khẳng định: Tinh thần là thế giới của sự đào luyện – tức là của giáo dục, là cái đã đi vào lại trong chính mình – đây là nội dung của cơ chế trải nghiệm – cơ chế hình thành nên giá trị; tinh thần là “thế giới của lòng tin”, niềm tin là một giá trị có ý nghĩa bậc nhất trong hệ giá trị.
Trong tác phẩm Bách khoa thư các khoa học triết học, tập III với tiêu đề Triết học tinh thần, Hegel viết: “Nhận thức về tinh thần là một việc làm cụ thể, và vì vậy, cũng là việc cao nhất và khó nhất. Nhận biết bản thân… là nhận biết cái thực chất trong con người, cái thực chất trong bản thân cho bản thân, – đó chính là nhận biết chính cái bản chất là tinh thần”. Vận dụng luận điểm này vào xây dựng triết lý “giá trị bản thân” là một vấn đề phức tạp, từ đó đến nay đã 200 năm (1816 – 2015), tuy đã có một số tiến bộ trong nhận thức về thế giới tinh thần và vận dụng vào công tác xã hội, quản lý xã hội, nhất là vào giáo dục, nhưng vẫn còn rất nhiều khúc mắc, nhiều nơi, nhiều lúc còn thiếu tầm nhìn xa trông rộng, quá nặng về quan tâm đến đời sống vật chất đơn thuần. Trong cuốn sách này, Hegel có một mục từ về tâm lý học: Tâm lý học được xác định là một khoa học về tinh thần (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trong tâm lý học và phân tâm học nói về “đời sống tâm lý” (psychical life), S. Freud (1856 – 1938) thường dùng thuật ngữ “đời sống tinh thần” (mental life). Đúng vậy, ở con người, và cả ở xã hội, dân tộc, tinh thần là bản chất – bản chất này được xác định bởi tổng hòa các mối quan hệ xã hội, như K. Marx viết trong Luận cương thứ sáu về L. Feuerbach (1845), trong đó các quan hệ kinh tế là cơ sở, con người trước hết phải sống sau đó mới tính đến các bậc khác trong thang giá trị. Quan niệm về phạm trù tinh thần và về bản chất ở con người hết sức có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu về con người nói chung và giá trị học nói riêng. Trong khoa học cũng như trong đời sống, quan niệm này là một vấn đề vô cùng phức tạp, có một lịch sử rất phong phú, trước và sau Hegel, nhiều bác học đã đề cập tới ở các mức độ khác nhau.
(còn tiếp)
TH: T.Giang – SCDRC
Nguồn tham khảo: Phạm Minh Hạc – Tìm hiểu các giá trị dân tộc Việt Nam với tâm lý học và giáo dục học – NXB CTQG 2015.