động viên quốc phòng là gì

Ngày 25 tháng 2 năm 2003, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 09/2003/PLUBTVQH11 về Động viên công nghiệp. Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2003.

1. Khái niệm, nguyên tắc, yêu cầu động viên công nghiệp quốc phòng.

1.1- Khái niệm

Động viên công nghiệp quốc phòng là huy động một phần hoặc toàn bộ năng lực sản xuất, sửa chữa trang bị cho Quân đội của doanh nghiệp công nghiệp ngoài lực lượng quốc phòng, nhằm huy động mọi nguồn lực của đất nước hoặc một số địa phương,… phục vụ cho quốc phòng, nhằm giành thế chủ động, bảo toàn, phát huy tiềm lực mọi mặt của quốc gia, duy trì, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Khái niệm trên thể hiện khái quát một số nội dung chính sau đây:

+ Động viên công nghiệp quốc phòng được chuẩn bị từ thời bình, là việc làm thường xuyên từ Trung ương đến địa phương.

+ Động viên công nghiệp quốc phòng không áp dụng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

+ Có thể tổng động viên hoặc động viên cục bộ: Chiến tranh tương lai nếu xảy ra là một cuộc chiến tranh hiện đại, đối phương chủ yếu sử dụng vũ khí công nghệ cao, bất ngờ, tiến công từ xa vào các mục tiêu trọng yếu trên phạm cả nước, bằng pháo binh, không quân, tên lửa hành trình… Vì vậy, động viên công nghiệp quốc phòng chúng ta phải được chuẩn bị từ thời bình, bảo đảm cho đất nước luôn ở trạng thái sẵn sàng đáp ứng được với mọi tình huống.

1.2- Nguyên tắc động viên công nghiệp quốc phòng

+ Động viên công nghiệp quốc phòng được tiến hành trên cơ sở năng lực sản xuất, sửa chữa đã có của các doanh nghiệp công nghiệp, Nhà nước chỉ đầu tư thêm trang thiết bị chuyên dùng để hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị cho Quân đội.

+ Việc lựa chọn, giao nhiệm vụ động viên công nghiệp quốc phòng cho các doanh nghiệp công nghiệp phải bảo đảm tính đồng bộ theo nhu cầu sản xuất, sửa chữa trang bị của Quân đội và phù hợp với năng lực sản xuất, sửa chữa trang bị của doanh nghiệp.

+ Nhà nước bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp công nghiệp, người lao động trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp quốc phòng.

1.3- Yêu cầu động viên công nghiệp quốc phòng

+ Chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp quốc phòng phải bảo đảm bí mật, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đúng kế hoạch, nhanh chóng tăng cường sức mạnh về mọi mặt, sẵn sàng đối phó với các tình huống chiến tranh.

Đây là yêu cầu cơ bản, có tính quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ động viên công nghiệp quốc phòng. Trước hết về kế hoạch động viên công nghiệp quốc phòng của các cấp, theo quy định của Nhà nước thuộc tài liệu tuyệt mật, vì vậy việc xây dựng, quản lí, khai thác kế hoạch phải tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật: các doanh nghiệp công nghiệp phải có trách nhiệm thực hiện chế độ quản lí, sử dụng, bảo mật theo đúng quy định.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, việc bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả là một yêu cầu rất quan trọng, nhất là trong điều kiện ngân sách bảo đảm cho động viên công nghiệp quốc phòng của Nhà nước và Bộ quốc phòng còn nhiều hạn hẹp. Khi có lệnh thực hành động viên công nghiệp, nếu không bảo đảm đủ số lượng, đúng thời gian quy định theo kế hoạch được giao sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của quân đội.

+ Chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp quốc phòng phải bảo đảm cho yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của các địa phương trong thời chiến. Đây là một yêu cầu rất quan trọng trong chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của các địa phương trong thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Trên đây là yêu cầu cơ bản, có tính quyết định đến kết quả của công tác động viên công nghiệp quốc phòng. Vì vậy, kế hoạch động viên công nghiệp quốc phòng của các cấp các ngành phải theo đúng quy định của nhà nước thuộc tài liệu mật, phải tuân thủ chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

2. Một số nội dung động viên công nghiệp quốc phòng

2.1- Chuẩn bị động viên công nghiệp quốc phòng

+ Khảo sát, lựa chọn doanh nghiệp công nghiệp có khả năng sản xuất, sửa chữa trang bị, nội dung khảo sát gồm:

Đặc điểm tình hình; cơ cấu tổ chức, số lượng, chất lượng cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; Nhiệm vụ sản xuất, công suất thiết kế, công suất thực tế; số lượng, chất lượng trang thiết bị hiện có; phương hướng sản xuất và đổi mới công nghệ. Căn cứ vào nhu cầu sản xuất, sửa chữa trang bị của Quân đội và kết quả khảo sát năng lực sản xuất, sửa chữa của các doanh nghiệp công nghiệp Chính phủ quyết định các doanh nghiệp công nghiệp đủ điều kiện động viên công nghiệp quốc phòng.

+ Xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp quốc phòng, nội dung gồm:

Quyết định của Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng công ti; kế hoạch thông báo quyết định động viên công nghiệp quốc phòng; quyết định di chuyển địa điểm; kế hoạch chỉ huy điều hành; kế hoạch bảo đảm vật tư cho sản xuất, sửa chữa trang bị theo chỉ tiêu động viên công nghiệp quốc phòng; kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ động viên công nghiệp quốc phòng (nếu có) theo quy định của pháp luật về công tác nghiên cứu khoa học; kế hoạch bảo đảm kinh phí cho động viên công nghiệp quốc phòng.

Trên cơ sở kế hoạch của cấp trên, các doanh nghiệp công nghiệp lập kế hoạch động viên công nghiệp quốc phong cho doanh nghiệp mình.

Nội dung gồm: Kế hoạch bảo dưỡng trang thiết bị do Nhà nước giao; kế hoạch thông báo quyết định động viên công nghiệp quốc phòng; kế hoạch di chuyển địa điểm; kế hoạch chỉ huy điều hành; kế hoạch bảo đảm vật tư cho sản xuất, sửa chữa trang bị theo chỉ tiêu động viên công nghiệp quốc phòng; kế hoạch sản xuất, sửa chữa trang bị; kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ động viên công nghiệp công nghiệp (nếu có) theo quy định của pháp luật về công tác nghiên cứu khoa học; kế hoạch bảo đảm kinh phí.

+ Giao chỉ tiêu động viên công nghiệp quốc phòng

+ Hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, sửa chữa trang bị

+ Quản lí, duy trì dây chuyền sản xuất

+ Bồi dưỡng chuyên môn cho người lao động và diễn tập động viên công nghiệp quốc phòng

+ Dự trữ vật chất

2.2- Thực hành động viên công nghiệp quốc phòng

Thực hành động viên công nghiệp quốc phòng gồm:

+ Quyết định và thông báo quyết định động viên công nghiệp quốc phòng (do Chính phủ quy định).

+ Tổ chức di chuyển địa điểm đối với doanh nghiệp công nghiệp phải di chuyển.

+ Tổ chức bảo đảm vật tư, tài chính.

+Tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa trang bị.

+ Giao, nhận sản phẩm động viên công nghiệp quốc phòng.

2.3- Một số biện pháp chính thực hiện động viên công nghiệp quốc phòng

+ Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ các Bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tổng công ti, thực hiện nghiêm Pháp lệnh động viên công nghiệp quốc phòng. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, Tổng công ti phối hợp hiệp đồng chặt chẽ thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ động viên công nghiệp quốc phòng.

+ Các Bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương, các Tổng công ty cần quán triệt sâu sắc cho cán bộ, công nhân viên về Pháp lệnh, Nghị định, các văn bản hướng dẫn về động viên công nghiệp quốc phòng của Nhà nước, Chính phủ.

+ Các doanh nghiệp công nghiệp được lựa chọn và giao chỉ tiêu động viên công nghiệp quốc phong cần chủ động lập kế hoạch động viên công nghiệp quốc phòng và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, chỉ tiêu trên giao.

Tóm lại, động viên công nghiệp là một vấn đề lớn có tính chiến lược của quốc gia để đất nước chủ động trong mọi tình huống trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, hơn lúc nào hết ngay từ thời bình, công tác động viên công nghiệp quốc phòng phải được sự quan tâm một cách đầy đủ của toàn xã hội.

(Nguồn tài liệu: Học phần Đường lối quốc phòng và an ninh của Đảng cộng sản Việt Nam)