Hoạt động nghề nghiệp của cá nhân tại các vị trí trong một cơ quan, đơn vị, tổ chức gọi chung là đơn vị công tác. Đơn vị công tác là thông tin quan trọng gắn liền với cá nhân cần được xác định trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như trong sơ yếu lý lịch hay các đơn từ liên quan. Thông tin về đơn vị công tác là cách để chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để tìm kiếm, trao đổi thông tin cũng như chứng minh tư cách của cá nhân. Thực tế, cách ghi đơn vị công tác trong các mẫu đơn từ không quá khó khăn bởi đơn thuần chỉ là việc ghi tên nơi mà mình làm việc.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
1. Đơn vị công tác là gì?
Đơn vị công tác hay còn gọi là đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế, là thuật ngữ được sử dụng để chỉ về nơi cá nhân làm việc, tức là nơi thực hiện hoạt động “công tác”. Đơn vị công tác hay áp dụng đối với các cơ quan công lập, nhưng thường trong các hồ sơ hay giấy tờ thì đơn vị công tác cũng đều được hiểu là nơi làm việc của cá nhân.
Một đơn vị công tác được cấu thành bởi hai yếu tố là nhân lực và vật lực. Trong đó, nhân lực được tổ chức theo các hình thức khác nhau theo cấp bậc từ trên xuống dưới, có quản lý, có người chỉ đạo và có nhân viên. Vật lực bao gồm cơ sở vật chật, nguồn tài chính để thực hiện hoạt động nghề nghiệp và duy trì sự tồn tại, phát triển của đơn vị công tác.
Đơn vị công tác là nơi cá nhân làm việc, “người lao động” hoàn toàn có quyền được lựa chọn đơn vị công tác theo ý mình, tuy nhiên, đối với cán bộ, công chức, viên chức thì điều đó không hề đơn giản mà phải thực hiện theo quy định của pháp luật, theo đó, Khoản 4 Điều 3 Thông tư 03/2019/TT-BNV quy định rằng: “Khi viên chức chuyển đến cơ quan, đơn vị khác thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp đang làm việc và được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Trường hợp viên chức được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập khác thì không thực hiện việc tuyển dụng mới và không giải quyết chế độ thôi việc.” Đồng thời, Điều 15, Thông tư 15/2012/TT-BNV cũng ghi nhận: “Khi viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải ký kết hợp đồng làm việc với viên chức và thực hiện chế độ tiền lương phù hợp trên cơ sở căn cứ vào năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội của viên chức.“
Đối với công chức chuyển đổi nơi công tác thì chỉ được thực hiện khi: Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể; Chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật; Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Đơn vị công tác trong Tiếng anh là “Work unit“.
2. Cách ghi thông tin đơn vị công tác:
Cách ghi đơn vị công tác thực sự không có gì khó khăn, người làm đơn từ hay ghi hồ sơ chỉ cần ghi tên cơ quan, đơn vị nơi mình làm việc, chẳng hạn như: “Đơn vị công tác: Trường Đại học Luật Hà Nội”.
Một trong các đơn vị công tác được người ta cực kỳ quan tâm là các đơn vị sự nghiệp công lập, chính vì điều đó, tác giả sẽ có những phân tích rõ hơn về đơn vị công tác này.
Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. (Luật Viên chức)
Các hoạt động của đơn vị sự nghiệp rất phong phú, đa dạng, phức tạp và mang tính phục vụ, thường không có thu hoặc có nguồn thu thấp, các khoản chi do ngân sách nhà nước cấp để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Đảng và nhà nước giao trong từng giai đoạn nhất định. Các hoạt động này là các hoạt động phi lợi nhuận,phục vụ toàn xã hội, không loại trừ đối tượng nào; giúp bộ máy quản lý nhà nước các cấp hoạt động thường xuyên, không gián đoạn, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng.
Mặc dù trong xã hội tồn tại nhiều loại hoạt động khác nhau nhưng nếu quy theo tính chất thì có hai loại hoạt động lớn là: Các hoạt động của đơn vị sản xuất kinh doanh và các hoạt động của đơn vị sự nghiệp. Điểm khác nhau cơ bản giữa 02 loại hoạt động này là: hoạt động của đơn vị sản xuất kinh doanh chủ yếu tạo ra sản phẩm vật chất cho xã hội, mang lại lợi ích trực tiếp cho chủ thể tổ chức ra hoạt động đó. Ngược lại, hoạt động của đơn vị sự nghiệp chủ yếu cung cấp các dịch vụ thoả mãn nhu cầu chung, vì lợi ích của cả cộng đồng về mặt kinh tế cũng như xã hội.
Các hoạt động của đơn vị sự nghiệp có các đặc trưng cơ bản sau:
– Thứ nhất: Gắn bó hữu cơ với quá trình tạo ra của cải vật chất và giá trị tinh thần.
Quá trình tái sản xuất xã hội sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp các “hàng hoá công cộng” ở dạng vật chất và phi vật chất do các hoạt động của đơn vị sự nghiệp tạo ra. Hàng hoá công cộng thuần túy với hai đặc điểm “không loại trừ” và “không tranh giành”.Quá trình sản xuất của cải vật chất đạt hiệu quả ngày càng cao và thuận lợi nếu sử dụng những hàng hoá công cộng do các hoạt động của đơn vị sự nghiệp tạo ra. Vì vậy các hoạt động của đơn vị sự nghiệp luôn gắn bó hữu cơ và tác động tích cực đến quá trình tái sản xuất xã hội.
– Thứ hai: Các hoạt động của đơn vị sự nghiệp nói chung không nhằm mục đích lợi nhuận trực tiếp. Trong nền kinh tế thị trường, các hoạt động của đơn vị sự nghiệp tạo ra các sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho mọi thành phần xã hội nhưng chủ yếu không vì mục đích lợi nhuận. Không chỉ thực hiện vai trò của mình trong việc phân phối lại thu nhập và thực hiện các chính sách phúc lợi công cộng khi can thiệp vào thị trường thông qua việc tổ chức, duy trì và tài trợ cho các hoạt động sự nghiệp để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ cho thị trường, Nhà nước còn hỗ trợ cho các ngành kinh tế hoạt động bình thường, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đảm bảo nhân lực, thúc đẩy hoạt động kinh tế phát triển và ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, không ngừng nâng cao đời sống, sức khoẻ, văn hoá, tinh thần của nhân dân.
– Thứ ba: Các hoạt động của đơn vị sự nghiệp luôn gắn liền và bị chi phối bởi các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước. Trong kinh tế thị trường, Chính phủ tổ chức, duy trì và đảm bảo các hoạt động của đơn vị sự nghiệp để thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội nhất định như: chương trình xoá mù chữ, chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình… Chỉ có Nhà nước mới có thể thực hiện một cách triệt để và có hiệu quả các chương trình này.Việc tiêu dùng xã hội, mục tiêu an sinh xã hội sẽ không đạt hiệu quả nếu để tư nhân thực hiện, do đó phát triển xã hội không được cân bằng.
– Thứ tư: các hoạt động của đơn vị sự nghiệp cung cấp các hàng hóa, dịch vụ công cho xã hội và các dịch vụ khác trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thông tin,thể dục thể thao,nông-lâm-ngư nghiệp…,nhằm thỏa mãn nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của người dân, duy trì sự hoạt động bình thường của các ngành kinh tế quốc dân,có thể dùng chung cho nhiều người, cho nhiều đối tượng trên phạm vi rộng. Nhìn chung, những sản phẩm tạo ra từ các hoạt động của đơn vị sự nghiệp, đại bộ phận là sản phẩm có tính phục vụ không chỉ bó hẹp trong một ngành hoặc một lĩnh vực nhất định mà thường có tác dụng lan toả.
Các đơn vị sự nghiệp công lập là công cụ để Nhà nước thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nhất định, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Nhà nước không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về đơn vị sự nghiệp , trong đó có việc hoàn thiện công tác quản lý tài chính, một khâu quan trọng trong quản lý kinh tế xã hội, nó tác động tới hiệu quả kinh tế – xã hội theo định hướng đã được định sẵn. Thực tế, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập ngày càng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng.Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và còn phải vượt qua không ít những khó khăn, thách thức.
Như vậy, có thể thấy rằng, chỉ riêng đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã có rất các đơn vị công tác, hơn nữa không chỉ có mỗi đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị công tác, điều này có thể thấy được tính đa dạng, phong phú của đơn vị công tác.