“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.” Có lẽ với bất kỳ ai từng đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều không thể quên được câu nói trên.
Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị hiểu rõ độc lập dân tộc là gì và độc lập dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Mời Quý vị tham khảo.
Độc lập dân tộc là gì?
Độc lập dân tộc là quyền bất khả xâm phạm của một dân tộc bởi chính người dân sinh sống ở đó, có nghĩa có chủ quyền tối cao. Độc lập dân tộc còn có thể hiểu là “sự không phụ thuộc” từ cá nhân, tập thể, xã hội, quốc gia hay dân tộc nào vào dân tộc khác.
Độc lập dân tộc có thể là tình trạng ban đầu của một quốc gia mới xuất hiện, nhưng nó thường là một sự giải phóng từ sự thống trị. Độc lập dân tộc cũng có thể nói theo nghĩa phủ định: là tình trang không bị điều khiển, cai trị bởi một thế lực khác thông qua chủ nghĩa thực dân, sự bành trướng hay chủ nghĩa đế quốc. Độc lập có thể giành được nhờ việc chống lại thực dân hóa, chống lại sự chia cắt.
Độc lập sẽ giúp cho nhân dân sống trong ấm no hạnh phúc, không sợ hãi về những gì chiến tranh, sự xung đột, bạo loạn gây ra.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nội dung cốt lõi xuyên suốt toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh; thể hiện sự nhất quán trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Người.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội thể hiện ở ba nội dung lớn, đó là:
– Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với tiến lên chủ nghĩa xã hội
Theo Hồ Chí Minh độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước hết, là cơ sở tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo Người, con đường cách mạng Việt Nam có hai giai đoạn: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng dân tộc dân chủ có hai nhiệm vụ chiến lược cơ bản, trong đó giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ dân chủ được thực hiện tiến trình từng bước và phục tùng nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Vì thế, ở giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ thì độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước mắt, cấp bách.
– Những điều kiện bảo đảm cho độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong quá trình cách mạng Việt Nam
Hồ Chí Minh khẳng định, xác lập, tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng Cộng sản là điều kiện cơ bản để độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì cách mạng Việt Nam không thể vận động theo cách mạng vô sản và chắc chắn sự nghiệp độc lập dân tộc sẽ đi theo vết xe đổ của các phong trào cứu nước trước đó.
Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam mang tính khách quan. Để hoàn thành sứ mệnh của mình, Đảng phải trong sạch, vững mạnh và thường xuyên chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đủ trí tuệ, đủ bản lĩnh vượt qua những thử thách gay gắt nhất, phải thực hiện xây dựng Đảng về các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó công tác cán bộ bao giờ cũng là vấn đề cốt tử. Đảng phải xây dựng, củng cố và tăng cường khối liên minh giai cấp công nhân, nông dân và trí thức làm nền tảng khối đại đoàn kết dân tộc. Người xác định công – nông là gốc, là chủ lực của cách mạng, các giai tầng, cá nhân yêu nước là bầu bạn của cách mạng. Khi đất nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người đòi hỏi công – nông – trí thức đoàn kết lại. Tất cả được tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Mặt trận được xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh có hạt nhân cốt lõi là liên minh công – nông và trí thức để đoàn kết toàn dân thành một khối. Hạt nhân và toàn dân là mối quan hệ biện chứng được Hồ Chí Minh quan tâm đúng mức cả hai, không coi nhẹ hoặc thiên lệch bên nào. Mặt trận đó được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
– Sự thể hiện trên thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ra đời và phát triển ở thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Tư tưởng đó hình thành ở Hồ Chí Minh từ đầu những năm 20 và đến mùa xuân năm 1930 với sự kiện Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam thì con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã thành ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam liên tục giành những thắng lợi lịch sử suốt hơn 90 năm qua. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được thể hiện trên thực tiễn cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ khác nhau.
Trên đây là một số chia sẻ liên quan đến độc lập dân tộc là gì? Mong rằng bài viết đã giúp Quý vị hiểu một cách đúng đắn, đầy đủ hơn về độc lập dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trân trọng cảm ơn Quý độc giả đã theo dõi nội dung chia sẻ của chúng tôi!