Đời Sống

Dỡ chà tát đìa là gì

Náo nức dỡ chà, tát đìa bắt tôm cá ăn Tết

Hàng năm, khi những cơn gió heo may bắt đầu thổi, lũ rút-đồng nước cạn dần đầy rẫy cá, tép… cũng là lúc người dân đồng bằng sông Cửu Long- nhất là vùng Đồng Tháp Mười và khu Tứ giác Long Xuyên bắt tay vào mùa dỡ chà và tát đìa để bắt tôm-cá ăn Tết!

Nghề chất chà ven sông, kênh, rạch… để khai thác thủy sản kiếm sống là nét hoạt động độc đáo có từ lâu đời của người dân Nam bộ. Vào thời điểm cận Tết, gió bấc thổi se se lạnh, người dân châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long bắt tay vào mùa dỡ chà bắt tôm – cá rất nhộn nhịp. Dọc dài theo hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu thuộc các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… đang có rất nhiều đống chà lớn – nhỏ bước vào mùa thu hoạch rộ để có nguồn thu nhập mua sắm hàng hóa, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc.

Theo “dân chất chà” ở vùng Đồng Tháp, An Giang cho biết: “Chất chà khai thác thủy sản cũng tùy theo điều kiện và hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình! Nhà nào có đủ khả năng, tiền của thì chất những đóng chà to-rộng; còn ít vốn- ít nhân công… thì chất những đóng chà vừa và nhỏ mà thôi. Những đống chà lớn-nhỏ thường thể hiện qua diện tích mặt nước và số lượng các nhánh chà trong đóng…”.

Thông thường, người chất chà đều chọn các vị trí thuận lợi để xây chà gồm những bãi đất bồi de ra sông, những nơi đầu vàm, ngã ba-ngã tư sông và cặp theo bến sông… Khi đã chọn được nơi thích hợp, người hành nghề này bắt đầu cặm xuống đáy sông những cây tre, so đũa, bạch đàn, tầm vông… suông-dài khoảng từ 5 – 7m và buộc chặt với những cây đặt nằm ngang… để tạo nên một diện tích mặt nươc hình chữ nhật ven sông – gọi là xây chà.

Tiếp đó, chất bên trong diện tích mặt nước đó một số góc cây, đoạn cây to ở tầng đáy rồi chất tiếp những nhánh chà bằng các loại cây me nước, gáo, xoài, tre… Khi chất xong, chủ đống chà thường rải tấm, cám, xác mắm… để làm mồi dẫn dụ tôm, cá; rồi thả trên mặt nước đóng chà từng dề lục bình để tạo bóng mát cho các loại thủy sản trú ngụ…

Ông Nguyễn Văn Nam có trên 10 năm trong nghề chất chà bắt cá ven sông ở xã Tân Long đoạn cuối Cù lao Tây, huyện Thanh Bình cho biết: “Theo kinh nghiệm, chà mới chất phải để 2 – 3 tháng mới dỡ; còn những đóng chà chất lâu thì mỗi tháng dỡ 1 lần vào nước ròng khoảng 20 – 25 âm lịch. Hoạt động dỡ chà rất rộn ràng và tất bật – nhất là khoảng thời gian tháng 11 và tháng chạp hàng năm. Đội quân dỡ chà thường là cánh đàn ông, trai tráng lực lưỡng, khéo léo – thuần thục và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong nghề dỡ chà. Trước khi dỡ chà khoảng 4 – 5 ngày, gia đình tôi luôn chăm sóc, o bế đống chà khá cẩn thận, kỹ lưỡng, tránh làm động và thường xuyên rải mồi để nhử và giữ tôm – cá ở trong đống chà”.

Đến ngày dỡ chà, thông thường – người hành nghề này phải chờ đến lúc cao điểm của con nước lớn (thủy triều lên) mới sử dụng dàn lưới nilon có viền chì bao quanh đống chà. Tiếp đó, chọn một người thạo nghề lặn ngụp xuống nước kéo viền lưới sát đáy đống chà rồi dùng lạt tre kết chặt lại với nhau… Xong rồi, quăng từng nhánh chà trong đống ra khỏi vồng lưới. Khi các nhánh chà, đoạn cây… đã được quăng ra ngoài, vồng lưới bắt đầu được thu hẹp dần… Lúc này là thời điểm con nước ròng (thủy triều xuống) những con cá chài, mè vinh, cá ngựa… trong vồng lưới không lối thoát thân thường nhảy bắn lên khỏi mặt nước – trông rất ngoạn mục và thật ấn tượng!

Ông Nam vui vẻ nói: “Mỗi lần dỡ chà, gia đình tôi thu hoạch cả chục ký cá các loại và 5 – 7 kg tôm càng xanh. Lần nào trúng kiếm được trên 10 kg tôm. Bắt được cá lớn, tôm ngon… tôi thường gửi tặng các anh em trong đội dỡ chà mang về nhà ăn lấy thảo; chừa một mớ cá đem về nhà chia cho dòng họ, bà con chòm xóm để cùng ăn Tết; số tôm – cá còn lại, tôi cân cho thương lái ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã có ghe đục chờ sẵn tại nơi dỡ chà để đem đi tiêu thụ khắp nơi”.

Xuôi dòng Tiền Giang, đoạn từ Cồn Long Khánh, thị xã Hồng Ngự xuống Cù Lao Tây, cồn Én, cồn Phú Mỹ, huyện Thanh Bình qua Cù lao Gieng, cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới (An Giang) vào thời điểm cận Tết, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều đống chà ven sông đang vào mùa thu hoạch rộ. Chỉ một đoạn sông ngắn của huyện Thanh Bình từ cuối Cù lao Tây xuống đầu cồn Phú Mỹ thuộc thị trấn Thanh Bình (khoảng trên 7 km) đã có tới cả chục đống chà được cất dỡ trong ngày. Cứ vài trăm mét lại có 1 đống chà được dỡ… Nhìn mỗi đống chà có trên chục người làm công việc bao lưới, bắt viền, quăng nhánh chà và bắt cá rất nhịp nhàng và hấp dẫn làm sao. Anh Tư Tâm ở xã Tân Thạnh có 2 đống chà cặp đuôi cù lao Tây vừa mới dỡ kiếm cũng được cả chục ký cá các loại và hơn 5 kg tôm càng xanh, thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng.

Cùng với dỡ chà, thời điểm tát đìa bắt thủy sản thích hợp nhất diễn ra từ tháng 11 (âm lịch) năm trước đến tháng hai âm lịch. Nhà nào đủ khả năng, có nhiều phương tiện thì tổ chức tát đìa bằng máy bơm nước; còn hộ nào không đủ khả năng, ít phương tiện thì tát đìa bằng thau-thùng, gàu… Cách đây mười lăm, hai mươi năm ở vùng Đồng Tháp Mười và khu Tứ giác Long Xuyên, chỉ cần ra đồng ruộng, lung bàu, mường-đìa… là nhìn thấy từng đàn cá bơi lội tung tăng, bầy cá lòng ròng bơi đỏ lừ trên mặt nước, nghe tiếng cá lóc táp mồi, cá rô đồng nẹt lẹt xẹt, những con rùa-rắn bò rung rinh bụi lúa, đám cỏ…

Chỉ cần bước xuống ruộng là bắt được cá – nhất là khi rút nước ra, làm vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông Xuân. Hừng sáng ra đồng, xách theo cái giỏ, cái thau, rỗ xúc… men theo luống cày là bắt được vô số cá, tép… Siêng một chút thì sử dụng thau-thùng-gàu, tát một cái đìa hoặc đoạn mương nhỏ là có được rất nhiều loài thủy sản như: cá sặt, rô, trê, lóc, tôm, tép… Ai thích ăn cá lóc nướng trui, cá rô đồng kho tộ… mà không phải xuống nước thì đi bắt con nhái bầu, giựt ổ kiến vàng để làm mồi câu. Trong nháy mắt, những chú cá lóc to đùng-những con rô mề bằng bàn tay xòe… dính câu, đầy giỏ. Đêm đến thì sử dụng lu-khạp ra ở đầu ruộng, bờ vàm kênh-mương nhận hầm, đến tờ mờ sáng ra thăm thì bắt được rất nhiều cá, lươn, ếch, rắn, rùa… tha hồ mà nấu nướng, “nhậu nhẹt”. Một khung cảnh thôn quê Đồng Tháp Mười thật sinh động và nhộn nhịp!

Nét văn hóa cộng đồng của dân cư ở vùng quê Đồng bằng Nam bộ không chỉ có việc làm lúa vần công mà nó còn thể hiện rõ trong tình cảm, tinh thần tương thân-tương ái, giúp đỡ lẫn nhau qua việc tát đìa bắt cá! Vào những ngày cận Tết cổ truyền dân tộc, nhà nào có tát đìa thì cả một xóm đến cùng nhau bắt phụ. Mỗi người một việc, tự phân chia nhau làm: người tát ao, kẻ quăng những nhánh chà ra khỏi đìa… Lúc nước trong đìa gần cạn, những con cá chài, mè vinh, cá ngựa, lòng tong bay… trong đìa không lối thoát thân thường nhảy bắn lên khỏi mặt nước – trông rất thú vị và thật ấn tượng! Tát nước ra xong, đìa cạn những con cá lóc, trê, rô… chúi sâu dưới sình, lúc ngộp mới ngoi lên mặt đìa, người bắt cứ việc túm đầu cá bỏ vào giỏ…

Ông Năm Hùng ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) bày tỏ: tôm cá bắt được sau khi tát đìa, ông cũng biếu cho bà con dòng họ, anh em chòm xóm cùng ăn và để ăn trong gia đình rồi phơi khô, làm mắm để ăn dần trong những lúc thắt ngặt. Những con cá nhỏ thì ông đem ủ kỹ với muối hột trong lu, khạp da bò để sau vài tháng nấu lấy nước mắm. Đây là loại nước mắm “cây nhà lá vườn” rất thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng không thua gì với nước mắm cá cơm Phú Quốc! Từ đó cho thấy: phong cách ăn-uống của người dân Đồng bằng Nam bộ rất hào phóng thể hiện qua cách dùng đũa nghiêng để gắp cá…

“Món quà” thiên nhiên ban tặng cho con người là vô cùng quý giá. Mùa dỡ chà, tát đìa bắt tôm – cá… ăn Tết đã được xem như là một hoạt động kiếm sống độc đáo và đầy tính dân dã của người dân đất Phương Nam. Dỡ chà, tát đìa bắt thủy sản vừa có nguồn cá-tôm cải thiện bữa ăn hàng ngày – vừa có nguồn thu nhập mua sắm đồ đạc trong gia đình để vui Xuân – đón Tết của người dân Nam bộ thật là thú vị và đặc sắc!…

Tuy nhiên, những năm gần đây, nước lũ thấp, nguồn lợi thủy sản hiện đang dần cạn kiệt do một bộ phận người dân khai thác quá mức, với những ngư cụ mang tính hủy diệt nên mùa dỡ chà, tát đìa bắt tôm-cá hàng năm đang lùi dần vào ký ức của mọi người-nhất là việc tát đìa bắt tôm-cá… chỉ còn tìm thấy ở những khu du lịch miệt vườn, tái hiện lại cảnh sinh hoạt độc đáo của ông cha ta trong quá trình khai khẩn đất hoang.

Nguồn: BPL