đại từ xưng hô là gì

Khác với nhiều ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung,…trong tiếng Việt các đại từ xưng hô là vô cùng phong phú, đa dạng. Tùy vào hoàn cảnh, thái độ, mối quan hệ,… mà người Việt sử dụng các đại từ xưng hô tương ứng phù hợp. Tuy nhiên, việc sử dụng đại từ xưng hô sao cho đúng lại là vấn đề gây rắc rối, nhầm lẫn ngay cho cả người Việt. Chính lẽ đó, bài viết này sẽ gửi đến bạn đọc các thông tin giải đáp và tìm hiểu rõ hơn về đại từ xưng hô là gì? hiểu và biết cách sử dụng các đại từ xưng hô.

Đại từ là gì?

Trước khi tìm hiểu về đại từ xưng hô là gì? chúng ta cùng khái quát qua về đại từ.

Đại từ là từ dùng để xưng hô hay để thay thế cho danh từ, tính từ, động từ, cụm danh từ, cụm tính từ, cụm động từ trong câu cho khỏi lặp lại các từ ngữ ấy.

Chức năng của đại từ: Đại từ có thể làm chủ ngữ, vị ngữ hoặc phụ ngữ của danh từ, động từ, tính từ.

Đại từ trong tiếng Việt có thể phân thành 03 loại gồm:

– Đại từ xưng hô: Là đại từ dùng để xưng hô, được người nói dùng để tự chỉ mình hay chỉ người khác khi giao tiếp. Đại từ xưng hô được thể hiện ở 3 ngôi là ngôi thứ nhất dùng để chỉ người nói, ngôi thứ 2 được dùng để chỉ người nghe và ngôi thứ 3 là người được ngôi thứ nhất và ngôi thứ 2 nói tới.

– Đại từ dùng để hỏi : ai? gì? đâu? nào? bao nhiêu ? thế nào? …

– Đại từ dùng để thay thế từ ngữ đã dùng cho khỏi lặp : vậy, thế.

Lưu ý: Đại từ có khả năng thay thế cho từ loại nào thì có thể giữ những chức vụ giống như từ loại ấy. Cụ thể:

+ Các đại từ xưng hô có khả năng thay thế danh từ do đó chúng có thể có chức vụ trong câu như danh từ.

+ Các đại từ “vậy, thế” có khả năng thay thế động từ, tính từ do đó chúng có thể có chức vụ trong câu như động từ, tính từ.

Khái niệm Đại từ xưng hô

Đại từ xưng hô là từ được người nói dùng để tự chỉ mình hay chỉ người khác khi giao tiếp : tôi, chúng tôi ; ta, chúng ta; mày, chúng mày ; nó, chúng nó,…

Ví dụ: Tôi không đi học nữa.

Chúng ta đều là bạn.

Nó có một bộ lông mềm mại.

Bên cạnh các từ nói trên, người Việt Nam còn dùng nhiều danh từ chỉ người làm đại từ xưng hô để thể hiện rõ thứ bậc, tuổi tác, giới tính : ông, bà, anh, chị, em, cháu, thầy, bạn,…

Ví dụ: Cháu chào bà.

Thầy sẽ giải thích cho em câu này.

Chị lấy hộ em cốc nước với ạ.

Khi xưng hô, cần chú ý chọn từ cho lịch sự, thể hiện đúng mối quan hệ giữa mình với người nghe và người được nhắc tới.

Ví dụ: Khi xưng hô với bố mẹ là con – bố, mẹ không được xưng tao – mày,…

Khi xưng hô với người lớn hơn tuổi xưng em, cháu,…

Phân loại đại từ xưng hô

Qua việc tìm hiểu về khái niệm đại từ xưng hô, có thể phân đại từ xưng hô thành hai loại:

– Đại từ xưng hô chuyên dùng

Đại từ xưng hô chuyên dùng thể hiện ở 3 ngôi:

+ Đại từ chỉ ngôi thứ nhất (chỉ người nói ) : tôi, ta, tớ, chúng tôi, chúng ta,…

Ví dụ: Chúng ta là anh em cùng chung chí hướng.

Tớ rất thích được đi du lịch.

Chúng tôi kết hôn rồi.

+ Đại từ chỉ ngôi thứ hai (chỉ người nghe ): mày, cậu, các cậu, bọn mày, …

Ví dụ: Mày lại thức khuya à?

Các cậu hôm nay trực nhật nhé!

+ Đại từ chỉ ngôi thứ ba ( người được người ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai nói tới) : họ, nó, hắn, bọn họ, chúng nó,…

Ví dụ: Bọn nó cùng chui vào một cái hang nhỏ.

Hắn là kẻ trộm.

Bọn họ đi về hướng Tây.

– Đại từ xưng hô lâm thời

Bên cạnh các đại từ xưng hô chuyên dùng, thì tiếng Việt còn sử dụng nhiều danh từ làm đại từ xưng hô được gọi là đại từ xưng hô lâm thời, bao gồm: đại từ chỉ quan hệ gia đình, đại từ chỉ chức vụ nghề nghiệp.

+ Đại từ chỉ quan hệ gia đình – thân thuộc: Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, cháu, cô, gì, … Nguyên tắc để sử dụng các danh đại từ này là dựa vào vị thế, tương quan tuổi tác, liên hệ bà con, mức độ thân sơ của các vai giao tiếp. Người đóng vai giao tiếp có quan hệ như thế nào thì sử dụng danh từ chỉ ngôi như vậy. Trong đó, các danh đại từ chỉ ngôi có thể được dùng trong gia đình hoặc dùng để xưng hô trong xã hội. Ví dụ như:

“Con”, với ông bà, cha mẹ, những người bà con ngang vai với ông bà cha mẹ, với thầy cô giáo; với những người già.

“Cháu”, với ông bà, chú bác cô dì, với những người ngang tuổi với ông bà cha mẹ.

“Em”, với anh chị; với những người hơn tuổi, hơn chức phận, với chồng (nếu người nói là nữ), hoặc người đàn ông nào mà đương nhân muốn dùng tiếng xưng hô này để biểu lộ tình cảm, với thầy cô giáo.

“Anh”, “chị” với các em, với những người mà đương sự coi là đàn em của mình.

“Cô”, “dì”, “bác”, “thím”,v.v. với các cháu theo tương quan họ hàng, với người nhỏ tuổi được đương sự coi như con cháu. “Mẹ”, “má”, “me”,… với các con.

“Tôi”, với tất cả mọi người khi bản thân lớn hơn hoặc ngang bằng.

“Tao”, “ta”, với một số người khi đương sự không cần giữ lễ, hoặc muốn biểu lộ uy quyền, hoặc sự tức giận, hỗn láo,…

+ Đại từ chỉ chức vụ – nghề nghiệp đặc biệt: Bộ trưởng, thứ trưởng, hiệu trưởng, y tá, luật sư, bác sĩ, giáo viên, công an,…

Ví dụ: Xin mời luật sư tiến hành bào chữa.

Cảm ơn bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa cho con tôi.

Hiệu trưởng dạo này có khỏe không?

Lưu ý: Để biết một danh đại từ chỉ quan hệ gia đình – thân thuộc, chỉ chức vụ – nghề nghiệp khi nào được dùng như danh từ chỉ đơn vị hoặc khi nào được dùng để xưng hô, thì cần dựa vào hoàn cảnh sử dụng.

Ví dụ 1: Bác của em là bác sĩ. (bác là DT chỉ quan hệ gia đình – thân thuộc)

Bác Lan là một người tốt bụng. (bác là danh từ chỉ đơn vị)

Cháu chào bác ạ! ( bác là đại từ xưng hô).

Ví dụ 2: Chị của em đang đi làm. (chị là DT chỉ quan hệ gia đình – thân thuộc)

Chị Mai thích đi du lịch. (chị là danh từ chỉ đơn vị)

Chúc chị sinh nhật vui vẻ. ( chị là đại từ xưng hô).

Trên đây là các nội dung liên quan đến đại từ xưng hô là gì? Hy vọng các thông tin trên là hữu ích và giúp độc giả giải đáp phần nào thắc mắc.