Coông ty tài chính là gì

CÔNG TY TÀI CHÍNH LÀ GÌ?

Sự phát triển của thị trường tài chính cùng với sự ra đời và phát triển trung gian tài chính đã góp phần tích cực tạo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của thành phần kinh tế. Trong số các trung gian tài chính đó, Công ty tài chính là chế định tài chính phi ngân hàng, thực hiện chức năng cơ bản là cung ứng, đứng ra làm trung gian cung cấp các dịch vụ tài chính – tiền tệ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Để hiểu rõ hơn về khái niệm công ty tài chính, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017

Nghị định số 86/2019/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Văn bản hợp nhất số 09/2019/VBHN-NHNN về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính

Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính

Nghị định 16/2019/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Công ty tài chính là gì?

Công ty tài chính là một loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có tư cách pháp nhân, hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ. Công ty tài chính được thực hiện chức năng huy động vốn từ tiền gửi hoặc từ các nguồn vốn khác của các tổ chức kinh tế, các định chế tài chính khác trong xã hội theo quy định của pháp luật để thực hiện nghiệp vụ kinh doanh của mình.

Theo Luật tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.

2. Đặc điểm của công ty tài chính

Công ty tài chính mang đầy đủ các đặc trưng của một tổ chức tín dụng nói chung và những đặc điểm riêng được thể hiện ở các điểm sau:

Thứ nhất, Giống như các ngân hàng, công ty tài chính cũng phải có vốn pháp định theo đúng quy định của pháp luật khi thành lập. Vốn pháp định của các tổ chức phi ngân hàng này thấp hơn vốn của ngân hàng thương mại. Pháp luật quy định công ty hoạt động tài chính phải có vốn pháp định là 500 tỷ đồng nếu thành lập từ sau năm 2018. Trước năm 2018, vốn pháp định là 300 tỷ đồng (Theo quy định tại điều 2 Nghị định 86/2019/NĐ-CP).

Thứ hai, Công ty tài chính là một loại hình trung gian tài chính với chức năng cơ bản là chuyển vốn từ nơi dư thừa vốn tới nơi thiếu hụt vốn. Do vậy, nó mang những đặc điểm cơ bản của một trung gian tài chính, theo đó trung gian tài chính là cầu nối gắn liền người có vốn với người cần vốn, hoạt động huy động vốn và cho vay của các trung gian tài chính có thể diễn ra trực tiếp với các chủ thể kinh tế hoặc thông qua thị trường tài chính

Thứ ba, Công ty tài chính là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính, chủ yếu, thường xuyên và mang tính nghề nghiệp một số các hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên khác với các ngân hàng được phép thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng, các công ty tài chính chỉ được thực hiện một hoặc một số các hoạt động ngân hàng. Ví dụ, theo như quy định của pháp luật hiện hành, công ty tài chính sẽ không được thực hiện các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Sở dĩ có những quy định như vậy là để tăng tính an toàn cho hoạt động của các công ty tài chính nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.

Theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 09/2019/VBHN-NHNN, hoạt động của công ty tài chính bao gồm: Huy động vốn ( Nhận tiền gửi của các tổ chức; Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức; Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Hoạt động cho vay ( Cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng; Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác); Bảo lãnh ngân hàng ( Công ty tài chính được bảo lãnh dựa trên uy tín và khả năng tài chính của mình đối với người nhận bảo lãnh); Phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán, cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Thứ tư, Công ty tài chính là loại hình doanh nghiệp chịu sự quản lý nhà nước của ngân hàng nhà nước và thuộc phạm vi áp dụng pháp luật ngân hàng. Do là một loại hình trung gian tài chính, hoạt động của các công ty tài chính cũng có ảnh hưởng lớn tới nhiều chủ thể khác trong nền kinh tế, và hoạt động của các công ty tài chính cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Vì vậy, hoạt động của các công ty tài chính cần phải được quản lý, giám sát và định hướng hoạt động phù hợp.

3. Các loại hình công ty tài chính

Căn cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam thì công ty tài chính được thành lập dưới các hình thức như:

  • Doanh nghiệp nhà nước: công ty tài chính do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức hoạt động kinh doanh.
  • Công ty cổ phần: công ty tài chính do các tổ chức và cá nhân cùng góp vốn theo quy định của pháp luật và thành lập dưới hình thức Công ty cổ phần.
  • Công ty do một tổ chức tín dụng làm chủ sở hữu: công ty tài chính thuộc quyền sở hữu của một tổ chức tín dụng thành lập bằng vốn tự có của mình và tuân theo quy định của pháp luật, hạch toán độc lập và có tư cách pháp nhân.
  • Công ty liên doanh tổ chức tín dụng Việt Nam và công ty liên doanh tổ chức tín dụng nước ngoài: công ty tài chính được thành lập bằng vốn góp giữa bên Việt Nam gồm một hoặc nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Việt Nam và bên nước ngoài gồm một hoặc nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài, trên cơ sở hợp đồng liên doanh.
  • Công ty có 100% vốn đầu tư của một hoặc nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài: công ty tài chính được thành lập bằng vốn của một hoặc của nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên lưu ý là hiện nay chỉ còn có 3 loại hình công ty: bao gồm công ty tài chính TNHH một thành viên, công ty hai thành viên trở lên và công ty cổ phần. Tất cả các loại hình này đều không phân biệt vốn nước ngoài hay vốn trong nước.

Về thời gian hoạt động thì công ty tài chính có thời gian hoạt động tối đa là 50 năm, nếu muốn gia hạn thêm thời gian hoạt động thì cần phải được phía Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Mỗi lần gia hạn thời gian hoạt động thì cũng không thể gia hạn quá 50 năm.

4. Vai trò của công ty tài chính

Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng nói chung và công ty tài chính nói riêng đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính của một quốc gia. Các tổ chức này thường bổ sung những dịch vụ còn bị sót lại của các ngân hàng thương mại, nhưng đồng thời cũng cạnh tranh với ngân hàng. Điều này tạo nên tính hiệu quả cho toàn bộ nền tài chính, buộc chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác cũng phải không ngừng hoàn thiện và hoạt động hiệu quả để đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú và đa dạng cho khách hàng.

Bên cạnh đó, công ty tài chính đã thể hiện vai trò của mình trong việc hỗ trợ quản lý tài chính, thu xếp vốn trong và ngoài nước cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đồng thời, công ty tài chính cũng là một kênh cung cấp vốn trung – dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư chiều sâu để đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, song hành cùng các ngân hàng thương mại cung cấp vốn cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngoài ra, hoạt động của các công ty tài chính đồng thời góp phần làm phong phú thêm các dịch vụ tài chính – ngân hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng của thị trường tài chính tiền tệ trong nền kinh tế thị trường. Như vậy, có thể thấy, khi nền kinh tế càng phát triển thì vai trò của trung gian tài chính càng quan trọng. Bên cạnh các trung gian tài chính khác, công ty tài chính cũng góp phần tạo thêm một kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, đáp ứng được nhu cầu vay vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng của cá nhân.

Bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về công ty tài chính. Hy vọng rằng qua đó, bạn đã có thể tìm ra câu trả lời cho câu hỏi công ty tài chính là gì. Hiểu rõ những điều cơ bản cần biết về công ty trong lĩnh vực tài chính này sẽ giúp bạn thực hiện giao dịch rõ hơn. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Công ty tài chính là gì – Luật Phamlaw

Xem thêm:

  • Công ty cho thuê tài chính là gì
  • Điều lệ công ty là gì