Công ty xuyên quốc gia là gì

Công ty xuyên quốc gia

Khái niệm

Công ty xuyên quốc gia trong tiếng Anh là Transational Corporations – TNCs.

Công ty xuyên quốc gia là các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc vô hạn, có cơ cấu tổ chức gồm công ty mẹ và hệ thống công ty chi nhánh ở nước ngoài, theo nguyên tắc công ty mẹ kiểm soát tài sản của công ty chi nhánh thông qua góp vốn cổ phần.

Cơ sở ra đời của công ty xuyên quốc gia, nói chung là do tác động của nhiều yếu tố: trình độ phát triển kinh tế, sự tiến bộ của cách mạng kĩ thuật, sức sản xuất tăng, cạnh tranh gay gắt, phân công lao động xã hội phát triển.

Tuy nhiên, yếu tố cơ bản nhất quyết định sự ra đời của TNCs là tích tụ và tập trung hoá sản xuất (production concentration & centraliztion) cả về vốn và công nghệ vào một số công ty độc quyền. Trước sự lớn mạnh nhanh chóng của những công ty này, thị trường tiêu thụ nội địa trở nên chật hẹp. Việc mở rộng quốc tế để xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài là một tất yếu khách quan.

Những đặc trưng nổi bật của công ty xuyên quốc gia

Đa dạng hoá (Diversification): Để thoả mãn nhu cầu đa dạng của thị trường mục tiêu nước ngoài, TNCs không có cách lựa chọn tích cực nào khác là phải đa dạng hoá sản phẩm, và do đó mỗi nhóm sản phẩm của công ty phải theo hướng “cá biệt hoá” (Differentiation).

Đặc trưng này là sự quán triệt nguyên lý chung “tư duy toàn cầu, hành động địa phương” (Thinking global, Action Local) như đã nói trên để thực hiện chiến lược cụ thể “sản phẩm toàn cầu, thị hiếu địa phương” (Global Product, Loccal Tastes).

Tiêu chuẩn hoá (Standardization): TNCs xác định những nhu cầu, thị hiếu giống nhau của thị trường nước ngoài khác nhau trên phạm vi địa lí rộng để hướng vào những sản phẩm tiêu chuẩn hoá nhằm thoả mãn nhu cầu đồng nhất của số khách hàng đông nhất trên nhiều thị trường, nhất là thị trường toàn cầu.

Quốc tế hoá (Internationalization): Đây là đặc trưng nổi bật của TNCs diễn ra chủ yếu ở pha 3 trong tiến trình mở cửa quốc tế. Đó cũng là quá trình nỗ lực để mở rộng hoạt động kinh doanh của TNCs ra hàng loạt quốc gia trên toàn khu vực có nhiều lợi thế nhất. Đặc trưng này còn gọi là đa quốc gia hoá hay khu vực hoá (như toàn bộ khu vực châu á – Thái Bình Dương hay trên toàn bộ châu Âu…).

Toàn cầu hoá (Globalisation): Đặc trưng này của TNCs thường thể hiện rõ nhất trong pha 4 của tiến trình mở cửa quốc tế. Toàn bộ hoạt động chiến lược Marketing – mix của TNCs lớn thường mở rộng trên cấp độ toàn cầu, như chiến lược thị trường toàn cầu, chiến lược sản phẩm toàn cầu, chiến lược giá toàn cầu.

Đây cũng là đặc trưng nổi bật hiện nay của nhiều công ty, điển hình như Coca – Cola, IBM, P&G, Toyota… Đặc trưng này cũng là mục tiêu cao nhất mà TNCs hướng tới, theo đó người lãnh đạo TNCs rất chú trọng nguyên tắc: “xem xét toàn bộ thị trường thế giới như một đơn vị kinh tế thống nhất”, Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng IBM Jacques Maisonrouge đã nói như vậy.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Marketing Quốc tế, NXB Lao động – Xã hội)