Công tác dân vận là gì

Công tác Dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng đất nước ta, cả trong thời kỳ chưa có chính quyền lẫn thời kỳ Đảng cầm quyền; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và toàn xã hội, thắt chặt mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với dân.

Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng; tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác Dân vận – công tác vận động quần chúng – là một hệ thống những quan điểm, phương thức Dân vận được thấm nhuần trong cả cuộc đời và trong các tác phẩm của Người.

Ngày 15/10/1949 Bác Hồ kính yêu viết bài “Dân vận” đăng trên báo Sự thật. Ngày 15/10 hàng năm trở thành ngày Dân vận của cả nước. Chỉ trong một bài báo ngắn gọn, Người đã nêu rất đầy đủ ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của công tác Dân vận trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Bác Hồ viết: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân; sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân; chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên; nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân; …”.

Khắc sâu lời Bác Hồ dạy: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, do làm tốt công tác Dân vận mà Đảng ta luôn tập hợp tuyên truyền, giáo dục, động viên, phát huy mọi tầng lớp nhân dân thành lực lượng cách mạng hùng hậu tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc, làm nên những thành quả vĩ đại của cách mạng. Xuyên suốt quá trình phát triển của cách mạng, quan điểm của Đảng về cách mạng là sự nghiệp của quần chúng được quán triệt và vận dụng sáng tạo qua mỗi thời kỳ. Nhờ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng hợp quy luật, hợp lòng dân tạo thành sức mạnh đại đoàn kết, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách giành những thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến cứu nước cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Một trong những bài học chủ yếu thời kì đổi mới đất nước là: “Đổi mới phải dựa vào dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn và luôn luôn sáng tạo”. Lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, Đảng ta không có mục đích nào khác là phục vụ nhân dân, để nhân dân trở thành chủ nhân thực sự của đất nước, làm chủ bản thân và xã hội, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã xác định công tác Dân vận có vị trí rất to lớn và quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước nhà; thực hiện công tác dân vận là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đồng thời công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản, quan trọng, gắn liền với sự trưởng thành về sự lãnh đạo nhân dân làm cách mạng của Đảng. Đảng ta đã hết sức coi trọng công tác Dân vận. Điều đó đã được thể hiện một cách nhất quán trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Thông qua công tác Dân vận, Đảng đã phát huy cao độ sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên động lực to lớn đưa sự nghiệp cách mạng không ngừng phát triển.

Các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đều thể hiện rõ rệt quan điểm và tư tưởng đó. Đặc biệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (mà chúng ta thường gọi là NQ8B) về “Đổi mới công tác quần chúng của Đảng tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân” có ý nghĩa quan trọng đẩy mạnh sự nghiệp vận động quần chúng nhân dân trong thời kì đổi mới.

Công tác Dân vận không chỉ tiến hành trong ngày Dân vận, mà phải làm thường xuyên hằng ngày. Nhưng mỗi năm khi đến ngày 15/10, tất cả các cấp Ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần kiểm điểm lại kết quả một năm thực hiện công tác Dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm đưa công tác quan trọng này thành nền nếp, thành ý thức thường xuyên của mọi cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, coi đây là một tiêu chuẩn để đánh giá về phẩm chất, đạo đức cách mạng và năng lực của cán bộ, đảng viên, hội viên; góp phần để nhân dân thật sự tin yêu Đảng và mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn./.