Khi chọn mua ô tô thì chiều dài cơ sở là một trong những thông số được nhiều người quan tâm bởi đây không chỉ đơn giản là con số thể hiện cho kiểu dáng, phân hạng của một mẫu xe mà còn có nhiều ý nghĩa về khả năng vận hành, sự thuận tiện trong sử dụng.
1. Chiều dài cơ sở là gì?
Hiểu một cách đơn giản thì chiều dài cơ sở của ô tô là khoảng cách giữa tâm bánh xe trục trước với tâm bánh xe trục sau. Ở mỗi phân hạng thì chiều dài cơ sở của các mẫu xe là không giống nhau. Điều này phụ thuộc vào thiết kế của từng hãng, mục đích sử dụng, đối tượng khách hàng mà nhà sản xuất muốn hướng tới.
Xem thêm: Phân hạng các phân khúc xe ô tô tại Việt Nam
2. Ý nghĩa của chiều dài cơ sở xe ô tô
Khi chọn xe, đa phần chúng ta đều rất quan tâm tới chiều dài cơ sở là bởi vì thông số này có ý nghĩa tương đối quan trọng đối với khả năng vận hành, dáng xe và độ rộng rãi của không gian hành khách. Cụ thể, chiều dài cơ sở của xe có ý nghĩa như sau:
*Đối với không gian khoang hành khách: chiều dài cơ sở càng lớn thì khung gầm xe càng dài, khoang hành khách càng rộng rãi. Với ý nghĩa như trên, khi chọn mua xe ô tô, so sánh giữa các mẫu trong cùng phân khúc, cùng tầm tiền, nếu bạn muốn đạt được sự thoải mái cao hơn về độ rộng rãi trong nội thất thì nên ưu tiên chọn các mẫu có chiều dài cơ sở lớn hơn.
*Đối với khả năng vận hành: Không chỉ quyết định tới khoang hành khách, chiều dài cơ sở còn có ảnh hưởng trực tiếp tới độ lớn bán kính vòng quay và độ ổn định động học của xe. Tùy thuộc vào phân hạng xe (dáng xe), điều kiện địa hình, vận tốc… mà chiều dài cơ sở và các kích thước liên quan sẽ được nhà sản xuất tính toán sao cho phù hợp nhất.
+Điều kiện địa hình: Với những chiếc xe được sản xuất để chuyên trị những địa hình phức tạp, gồ ghề… thì phải có chiều dài cơ sở ngắn để giảm khoảng cách giữa các trục tới vị trí trọng tâm xe, từ đó giúp cho xe có độ linh hoạt cao hơn nhờ các góc giới hạn lật ngang/dọc lớn hơn. Chiều dài cơ sở ngắn khi được kết hợp cùng khoảng sáng gầm xe cao sẽ khiến cho các góc tiếp cận và góc vượt đỉnh dốc tăng lên đáng, xe sẽ không “ngán ngại” bất kỳ loại địa hình nào. Đây chính là đặc điểm thiết kế mà chúng ta thường thấy trên các mẫu SUV.
+Tốc độ: Khi một chiếc xe được xác định thường xuyên vận hành với tốc độ cao và trên điều kiện địa hình hay phải vào cua gắt thì các nhà sản xuất phải tăng chiều dài cơ sở, đồng thời hạ thấp khoảng sáng gầm để giúp kéo dài khoảng cách giữa các trục bánh xe tới trọng tâm xe. Với đặc điểm thiết kế này, khi xe tăng hoặc giảm tốc độ đột ngột thì momen chống lật sẽ tăng đáng kể, góp phần giúp xe bức tốc/hãm tốc vững vàng, mượt mà hơn. Không chỉ vậy, thân xe cũng sẽ ổn định hơn do có trọng tâm thấp và có hệ số khí động học tốt hơn giúp tăng khả năng bám đường. Chính vì vậy, những mẫu xe đua luôn có gầm xe và trọng tâm thấp hơn các mẫu xe thông thường để đảm bảo mức cản gió thấp nhất nhằm đạt được vận tốc cao nhất.
Xem thêm: Tư vấn mua xe SUV, các dòng xe gầm cao 5 chỗ, 7 chỗ giá xe & ưu nhược điểm
+Dáng xe: Thường thì những mẫu xe có tỷ lệ chiều dài cơ sở so với kích thước tổng thể càng lớn thì sẽ có không gian khoang hành khách rộng hơn, tuy nhiên lại phải đánh đổi bằng sự cân đối trong thiết kế tổng thể ngoại thất, khả năng vận hành ổn định cũng sẽ kém đi. Các mẫu xe cỡ nhỏ vận hành trong đô thị sẽ có hai trục được kéo dài và áp sát tối đa phần cản sau, trong khi những mẫu sedan lại thoải mái về kích thước tổng thể hơn nên dáng vẻ cân xứng và “thon thả” hơn.
Chẳng hạn: Kia Morning có tỷ lệ chiều dài cơ sở trên chiều dài tổng thể là 2385/3595 mm, đạt tỷ lệ 66,34%. Trong khi đó, tỉ lệ này trên Toyota Camry là 2775/4850 mm, đạt 57,22%.
Xem thêm: Các dòng xe sedan hạng B 4 chỗ, 5 chỗ tại thị trường Việt Nam, giá xe & ưu nhược điểm