Cần kiệm liêm chính là gì

Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về yêu dân và vì dân. Với nhân dân, Người ân cần, gần gũi, tôn trọng, khiêm nhường, yêu quý, lắng nghe. Người đau nỗi đau của nhân dân, buồn vì nỗi buồn của nhân dân, chia vui cùng niềm vui của nhân dân nhưng bao giờ cũng ý thức chịu khổ trước dân, hưởng vui sướng sau dân. Người luôn nêu cao đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh đến yếu tố năng động chủ quan của con người, đến sức mạnh của lý tưởng, của ý chí, của tu dưỡng đạo đức cách mạng. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là mối quan hệ “với tự mình”. Hồ Chí Minh quan niệm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là bốn đức tính của con người, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương, Bác viết: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính Thiếu một mùa thì không thành trời Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”, và Người giải thích cặn kẽ, nội dung từng khái niệm: – Cần là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biến, không ỉ lại, không dựa dẫm. Phải thấy rõ “lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta”. – Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm của dân, của nước, của bản thân mình, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức, …”. Cần, kiệm là phẩm chất của tất cả người lao động trong đời sống, trong công tác. – Liêm là trong sạch, là “luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân”, “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân”; không tham địa vị, không tham tiền tài, …”. Liêm là phẩm chất của người cán bộ trong thi hành công vụ. – Chính là ngay thẳng, không tà, là đúng đắn, chính trực. Đối với mình không tự cao, tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Được giao nhiệm vụ gì quyết làm cho kỳ được, “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm; việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh”. – Chí công là rất mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị “tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán”, đem lòng chí công, vô tư đối với người, với việc. “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Muốn “chí công vô tư” phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân. Đây là chuẩn mực của người lãnh đạo, người “giữ cán cân công lý”, không được vì lòng riêng mà chà đạp lên pháp luật. – Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau, với chí công vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính dẫn đến chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.

Tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là những giá trị đạo đức cao đẹp của thời đại. Cán bộ, đảng viên là cầu nối giữa Đảng với quần chúng, là người đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đến với quần chúng. Để trở thành một người cán bộ, đảng viên tốt trong cơ quan, đơn vị; người công dân tốt trong xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên cần hiểu sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải làm cho đông đảo quần chúng hiểu đúng, tổ chức cho quần chúng thực hiện đúng và hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng./.