Khái niệm cán bộ, công chức
Hoạt động quản lý nhà nước xét đến cùng được thực hiện thông qua hành vi của các cá nhân cụ thể, được Nhà nước trao cho việc thực hiện quyền lực nhà nước. Từ đó mà hình thành phạm trù cán bộ, công chức, một chủ thể đặc biệt và quan trọng của luật hành chính.
Cán bộ, công chức là một đối tượng lao động đặc biệt, họ thiết lập quan hệ lao động với Nhà nước và thực hiện công vụ, nhiệm vụ do nhà nước giao. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, pháp luật Việt Nam sử dụng các khái niệm khác nhau để chỉ đối tượng lao động này.
Sau khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 quy định về chế độ công chức. Theo Sắc lệnh này, chỉ những công dân Việt Nam được chính quyền cách mạng tuyển, bổ nhiệm giữ một chức vụ thường xuyên trong các cơ quan Chính phủ mới được coi là công chức. Như vậy, phạm vi công chức quy định trong Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 là rất hẹp.
Trong thời kỳ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các đơn vị kinh tế quốc doanh hoạt động hoàn toàn theo những chỉ tiêu pháp lệnh do Nhà nước giao. Do đó, những công nhân làm việc tại các đơn vị kinh tế quốc doanh cũng được xem như đang thực hiện công vụ, nhiệm vụ nhà nước. Nhà nước trả lương và thực hiện mọi chế độ đãi ngộ đối với tất cả những người làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị kinh tế quốc doanh và địa vị pháp lý của những người này là như nhau. Từ đó, trong các văn bản pháp luật của nhà nước Việt Nam hình thành một khái niệm chung “công nhân viên chức nhà nước”.
Phù hợp với quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các đối tượng lao động trong xã hội có sự phân hóa một cách rõ rệt. Theo đó, yêu cầu đặt ra là nhà nước phải có những quy chế pháp lý phù hợp với các đối tượng lao động; đồng thời xác định địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ cụ thể của họ trong quá trình làm việc tại các cơ quan, tổ chức. Để thực hiện mục đích đó, ngoài Bộ luật Lao động năm 1994 đã được sửa đổi, bổ sung các năm 2002, 2006, 2007 và 2012, nhà nước đã ban hành những văn bản pháp luật quan trọng như:
– Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008; – Luật Viên chức ngày 15/11/2010;
– Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức;
– Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 5/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
– Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức;
– Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 31/8/2010 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010;
– Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức.
Theo pháp luật hiện hành, những người làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo chế độ hợp đồng lao động được gọi là người lao động (người làm công ăn lương); cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động (gọi chung là người sử dụng lao động) có trách nhiệm trả lương cũng như các đãi ngộ khác đối với họ và quy chế pháp lý điều chỉnh đối tượng này là pháp luật lao động.
Tuy cũng là những người lao động nhưng những người được tuyển dụng, bổ nhiệm, bầu hay cử làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được gọi là cán bộ, công chức, những người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập như trường học, bệnh viện gọi là viên chức.
Theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008, khái niệm về cán bộ, công chức được phân biệt như sau:
Cán bộ (12) là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Công chức (15) là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhận quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Cán bộ xã, phường, thị trấn là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Uỷ ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước,
Luật Cán bộ, công chức cũng quy định về các chức vụ, chức danh của cán bộ, công chức cấp xã (Điều 61); nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức cấp xã (Điều 62); bầu cử, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã (Điều 63) và đánh giá, phân loại, xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm, thôi việc, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức cấp xã (Điều 64).
Một trong những hạn chế cơ bản của pháp luật về cán bộ, công chức theo Luật Cán bộ, Công chức là chưa phân định được đối tượng nào là cán bộ, đối tượng nào là công chức nên rất khó cho việc áp dụng 4). Để khắc phục tình trạng này, ngày 25/1/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức. Luật Viên chức số 58/2010/QH12 cũng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15/11/2010.
Ở nước ta, đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị rất đa dạng, bao gồm những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào những chức danh, ngạch công chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, bộ máy lãnh đạo quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập vv… lại có sự đan xen giữa các chức vụ lãnh đạo trong Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội vv… chịu sự điều chỉnh không chỉ bởi pháp luật mà còn Điều lệ của mỗi tổ chức.
Giữa cán bộ và công chức tuy có những điểm chung như: là công dân Việt Nam, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; cùng có các quyền, nghĩa vụ chung như trung thành với Đảng, Nhà nước, tận tụy với nhân dân, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành nhiệm vụ; đều được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có sự khác nhau giữa cán bộ, công chức đó là: Cán bộ là những người được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm để giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội các cấp. Ở mỗi cấp, cán bộ là những người giữ trọng trách trong một cơ quan, tổ chức, do đó yêu cầu không thể thiếu là khả năng bao quát với tư duy, năng lực lãnh đạo, quản lý và trình độ chính trị đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của cấp mà cán bộ đó là thành viên; còn công chức là người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo, quản lý, vào các ngạch, bậc khác nhau để thực hiện công việc mang tính chuyên môn, nghiệp vụ; yêu cầu có tính tiên quyết đối với họ là phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức vụ, ngạch, bậc, vị trí việc làm.
Để trở thành cán bộ phải thông qua việc bầu cử, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm; còn đối với công chức về cơ bản phải qua thi tuyển hoặc xét tuyển, bổ nhiệm với những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể không giống nhau. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng, điều kiện bổ nhiệm vào những chức danh, chức vụ, ngạch, bậc đối với công chức vì thế có những yêu cầu khác với cán bộ.
Công chức quy định tại Điều 32 của Luật Cán bộ, Công chức bao gồm:
a) Công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội;
b) Công chức trong cơ quan nhà nước;
c) Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhận quốc phòng; công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
Theo quy định của Điều 61 Luật Cán bộ, Công chức 2008, công chức cấp xã có các chức danh sau đây:
a) Trưởng Công an;
b) Chỉ huy trưởng Quân sự;
c) Văn phòng – thống kê;
d) Địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường (đối với xã);
đ) Tài chính – kế toán;
e) Tư pháp – hộ tịch;
g) Văn hóa – xã hội.
Đặc trưng của cán bộ, công chức
So với các đối tượng lao động khác, cán bộ, công chức có những đặc trưng cơ bản là:
– Cán bộ, công chức phải là công dân Việt Nam thiết lập quan hệ lao động với Nhà nước thông qua chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm, bầu hay cử. Họ làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
– Cán bộ, công chức bao giờ cũng là người thực hiện một công vụ, nhiệm vụ nào đó của Nhà nước. Họ phải gánh vác một nghĩa vụ nhất định đối với Nhà nước và do vậy họ cũng được trao những quyền hạn nhất định để hoàn thành nghĩa vụ của mình. Trong quá trình thực hiện công vụ, nhiệm vụ, cán bộ, công chức chỉ được hành động trong phạm vi quyền hạn được giao.
– Hoạt động thi hành công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất mà đó là những hoạt động để thực hiện chức năng quản lý nhà nước nói chung.
– Cán bộ, công chức là đối tượng lao động đặc biệt. Họ thực thi quyền lực nhà nước trên ba mặt: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Do đó, quy chế pháp lý điều chỉnh đối với cán bộ, công chức được xác định theo Luật Hành chính.
– Cán bộ, công chức được hưởng lương và các chế độ đãi ngộ khác do ngân sách nhà nước chi trả.
Như vậy, cán bộ, công chức là những người có quan hệ lao động với Nhà nước. Trong quan hệ này luôn luôn tồn tại hai yếu tố: yếu tố tự nguyện của người lao động và yếu tố ý chí của nhà nước. Sự đồng ý của người lao động là yếu tố cần thiết, là điều kiện bước đầu để quan hệ này được hình thành. Song, ý chí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới là yếu tố quyết định hình thành quan hệ pháp luật giữa hai bên. Nhưng Người lao động không có quyền buộc Nhà nước phải trao cho mình một chức vụ hoặc những hoạt động nhất định. Khi đã trở thành công chức nhà nước, họ không có quyền từ chối những công việc được giao. Nhà nước có quyền thay đổi, điều động công tác, thậm chí chấm dứt quan hệ đó, trong các trường hợp nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước.
Các đối tượng là cán bộ, công chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Riêng đối với những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch viên chức hoặc giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội trường học, bệnh viện công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật.