Cảm ứng ở động vật là gì

CẢM ỨNG Ở ĐỘNG VẬT

1. Khái niệm về cảm ứng ở động vật

– Cảm ứng ở động vật là khả năng tiếp nhận kích thích và phản ứng lại các kích thích từ môi trường sống đảm bảo cho sinh vật tồn tại và phát triển.

– Ở động vật có tổ chức thần kinh, phản xạ được coi là một dạng điển hình của cảm ứng. Phản xạ được thực hiện nhờ cung phản xạ.

– Một cung phản xạ gồm:

+ Thụ quan tiếp nhận kích thích (thụ thể hoặc cơ quan thụ cảm)

+ Đường dẫn truyền vào (đường cảm giác)

+ Bộ phận phân tích và tổng hợp thông tin (thần kinh trung ương)

+ Đường dẫn truyền ra (đường vận động)

+ Bộ phận thực hiện phản ứng (cơ, tuyến,..)

Xem video phản xạ khớp gối tại đây:

– Hình thức, mức độ chính xác của cảm ứng phụ thuộc vào mức độ tổ chức thần kinh của chúng.

2. Cảm ứng ở động vật có tổ chức thần kinh

2.1. Cảm ứng ở động vật có tổ chức thần kinh dạng lưới

– Có ở nhóm động vật: đối xứng toả tròn (ruột khoang)

– Cấu tạo hệ thần kinh: các tế bào thần kinh phân bố khắp cơ thể thành dạng lưới.

– Hình thức trả lời kích thích: co rút toàn thân

2.2. Cảm ứng ở động vật có hệ thần kinh dạng chuỗi hạch

– Đối tượng: động vật có cơ thể dạng đối xứng hai bên (giun dẹp, giun tròn, chân khớp,…)

– Cấu tạo hệ thần kinh: Các dây thần kinh tập trung theo chiều ngang và tập trung theo chiều dọc tạo nên các hạch thần kinh dạng bậc thang, dạng chuỗi hạch và dạng chuỗi hạch có hạch não.

– Hình thức trả lời kích thích: Mỗi hạch chỉ đạo một phần cơ thể (chủ yếu là phản xạ không điều kiện).

2.3. Cảm ứng ở động vật có hệ thần kinh dạng ống

2.3.1. Cấu trúc của hệ thần kinh dạng ống

– Gặp ở động vật có xương sống: cá, lưỡng cư, bò sát, chim, thú.

– Hệ thần kinh dạng ống được phân hoá thành não, tuỷ sống, các dây thần kinh và hạch thần kinh. Não và tuỷ sống thuộc bộ phận thần kinh trung ương được bảo vệ trong hộp sọ và ống xương sống.

– Căn cứ vào chức năng của hệ thần kinh có thể phân hệ thần kinh thành hệ thần kinh vận động (hệ thần kinh cơ xương) và hệ thần kinh sinh dưỡng.

2.3.2. Hoạt động của hệ thần kinh dạng ống

– Hệ thần kinh ống hoạt động theo nguyên tắc phản xạ, giúp động vật thích nghi với môi trường.

– Động vật có hệ thần kinh cấu tạo càng phức tạp thì số lượng các phản xạ càng nhiều và phản ứng càng chính xác, tiêu phí càng ít năng lượng, cách thức phản ứng càng đa dạng, phong phú, với số lượng nơron tham gia vào cung phản xạ càng nhiều.

– Hai loại phản xạ:

+ Phản xạ không điều kiện: thực hiện do cung phản xạ, bởi một số lượng ít tế bào do tủy sống điều khiển.

+ Phản xạ có điều kiện: phản xạ có sự tham gia của một số lượng lớn tế bào thần kinh và não đặc biệt là vỏ bán cầu đại não.

Xem video phản xạ không điều kiện tại đây: