Bố cục của văn bản là gì?
Trong bất kỳ văn bản, hợp đồng, bài tập làm văn hay đoạn văn ngắn đều viết theo một bố cục rõ ràng. Nó giúp người đọc dễ dàng hiểu được ý nghĩa và nội dung câu chuyện, thông báo hoặc mô tả đó. Cách viết theo lối logic đó gọi là bố cục trong văn bản.
Định nghĩa bố cục trong văn bản
Một văn bản bất kỳ không thể viết một cách tùy ý về mặt nội dung và bố cục trình bày. Bố cục văn bản là cách sắp xếp, bố trí các thành phần nội dung theo một trình tự, hệ thống một cách rõ ràng, rành mạch và hợp lý. Trong bất kỳ một văn bản nào thì bố cục cũng đều chia thành 3 phần chính gồm: mở bài, thân bài và kết luận.
Vai trò và yêu cầu trong bố cục văn bản
Để viết được đoạn văn bản, hợp đồng hay một đoạn văn bạn cần hiểu được vai trò và bố cục một văn bản mẫu như sau:
Vai trò của bố cục văn bản
- Giúp người viết trình bày được vấn đề một cách rành mạch, rõ ràng và chi tiết nhất.
- Tác giả có thể sắp xếp nội dung theo thời gian, diễn biến câu chuyện hợp lý.
- Giúp người đọc hiểu rõ nội dung mà mình đang đọc.
- Tạo nên tính nghệ thuật và sự thuyết phục cho văn bản.
Các yêu cầu một bố cục văn bản bất kỳ
- Trình tự các phần phải liên quan với nhau, thống nhất thành một câu chuyện, nội dung rõ ràng, mạch lạc.
- Phải thể hiện rõ mục đích khi phân chia bố cục văn bản, mở bài, thân bài và kết bài nên viết những nội dung gì để phù hợp với văn bản.
- Giữa các phần phải phân biệt rạch ròi nhưng tạo thành một thể thống nhất về mặt nội dung chung.
Các thành phần trong bố cục văn bản
Một văn bản rõ ràng và mạch lạc thường có 3 phần chính gồm: mở bài, thân bài và kết bài.
Phần mở bài:
Giới thiệu nội dung tổng quát về câu chuyện, thông tin về tác giả, nhân vật chính hay sự vật, sự việc chính.
Ví dụ: Khi mô tả về người mẹ nên giới thiệu khái quát về tên, tuổi, nghề nghiệp và mục đích cần mô tả thông tin về người mẹ. Hoặc khi phân tích một bài thơ, đoạn văn thì đoạn mở đầu nên giới thiệu tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm…
Phần thân bài:
Từ những nội dung đã giới thiệu từ phần mở bài, phần thân bài chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích, mô tả nội dung đó. Từ đó giải quyết những nhiệm vụ đã đặt ra, đây là phần quan trọng nhất trong bố cục văn bản vì vậy câu từ, cách sử dụng các loại động từ, danh từ, tính từ nên lựa chọn phù hợp với mục đích và nội dung văn bản. Người dùng có hiểu được vấn đề bạn trình bày hay không phụ thuộc vào phần thân bài này.
Phần kết bài:
Khẳng định những nội dung đã phân tích ở phần thân bài và đưa ra kết luận chung cho toàn bộ văn bản. Phần kết luận nên viết ngắn gọn, xúc tích.
Các loại bố cục văn bản thường gặp
Trong chương trình ngữ văn lớp 8, thường các bạn hay gặp 2 loại bố cục văn bản chính gồm:
Văn bản miêu tả
Có thể là miêu tả cảnh vật, con người, động vật, hình ảnh, âm thanh…. Loại văn bản này khá phổ biến trong chương trình ngữ văn cấp trung học cơ sở.
- Phần mở bài: Mô tả khái khát đối tượng cần miêu tả như hình dáng, màu sắc, kích thước…
- Phần thân bài: Đi sâu vào tả chi tiết những vấn đề liên quan đến đối tượng cần miêu tả đó.
- Phần kết bài: Phát biểu cảm nghĩ, nhận xét về đối tượng đó.
Văn bản tự sự
Nói lên cảm nghĩ, tâm sự hay nhận xét về con người, cảnh vật, tác phẩm văn học, tác giả…. Loại văn bản này thường khó viết và yêu cầu bố cục, cách trình bày và câu chữ hơn văn bản miêu tả.
- Phần mở bài: Giới thiệu về nhân vật, sự việc cần phân tích.
- Phần thân bài: Mô tả chi tiết diễn biến tâm lý, cảm xúc của nhân vật.
- Phần kết bài: Sử dụng khoảng 2 đoạn để kết thúc câu chuyện.
Kết luận: Việc hiểu rõ rõ và nắm vững bố cục của văn bản sẽ giúp các bạn dễ dàng làm các bài văn phân tích theo đúng yêu cầu mà thầy cô đã đề ra.
Ví dụ về bố cục văn bản
– Văn bản:
Câu chuyện giáo dục
Khi ai đó tặng em món quà gì thì chớ bao giờ trách móc người ấy bằng cách chê bai hay tỏ thái độ chẳng thèm ngó ngàng gì đến món quà ấy.
Cứ mỗi tháng thầy lại dẫn một nhóm học sinh xuất sắc trong lớp đi chơi cuối tuần để khen thưởng. Tháng trước, thầy dẫn các bạn đi xem trận bóng đá tại một tỉnh ở đồng bằng, trận đấu chia tay khán giả nhà của một tuyển thủ quốc gia. Các em nghỉ đêm tại khách sạn để gặp gỡ cầu thủ này.
Tháng này, một nhóm học sinh xuất sắc khác trong lớp lại sắp được thưởng một chuyến tham quan câu lạc bộ bóng đá của thành phố mình. Sự chênh lệch của hai chuyến đi là khó tránh khỏi và điều này không thể không đập vào mắt học sinh. Trong các em đã có những lời xì xầm, so đo, phân bì và chuyện này khiến thầy đau lòng. Đa số các thầy cô giáo khác chẳng bao giờ dẫn học sinh trong lớp đi chơi cả, còn thầy đã mất công mất sức dẫn học sinh của mình đi lại còn bị các em trách móc là đi thăm câu lạc bộ sao vui bằng đi về đồng bằng.
Để dạy các em một bài học, thầy tuyên bố hủy bỏ chuyến đi thăm câu lạc bộ và chẳng có thưởng gì khác nữa. Quyết định này đúng là có phần nghiêm khắc, nhưng đó lại là cách hiệu quả để tỏ rõ suy nghĩ của thầy đối với các học trò vô ơn bội nghĩa và hi vọng ký ức về lý do bị trừng phạt sẽ còn lưu giữ dài lâu trong tâm trí các em. Tặng quà cho ai mà người ấy lại chẳng biết thừa nhận món quà ấy thì quả là khó chịu thật.
Chuyện đứa cháu của thầy gặp rắc rối do thái độ vô ơn của nó chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Vợ chồng người chị của thầy có nhận một người con nuôi lúc em ấy được bốn tuổi. Lúc mới đến trong gia đình, em tỏ ra biết ơn về tất cả những gì em nhận được. Khi ai cho em món quà gì, em cẩn thận mở giấy gói và cũng với sự cẩn thận tương tự, gấp giấy gói lại để sang một bên, sau đó từ tốn mở hộp xem có gì bên trong. Khuôn mặt em luôn sáng rỡ và ôm ghì lấy bất cứ thứ gì bên trong hộp như là sách, vớ, quần áo… Giờ thì em ấy đã ở với gia đình chị thầy được hơn một năm và mọi chuyện đã đổi thay nhiều. Thầy cũng thường cho quà em ấy, nhưng về sau thầy cho quần áo hơn là những thứ khác. Giờ đây, mỗi khi mở quà, em cứ vội vã xé toạc giấy gói ra để xem bên trong có gì, và khi nhìn thấy quà bên trong là quần áo thì em lại cau mày và dài giọng “Chú úúúúúúúúúú… này” như muốn trách cứ thầy sao chẳng biết làm gì hay ho hơn là chỉ biết mua những thứ đồ chán chết như thế này!
Thầy nghĩ bên cạnh việc dạy cho trẻ biết kính trọng đối với người đã tặng chúng quà hay phần thưởng nào đó, thì quan trọng còn là dạy cho trẻ biết không nên ứng xử theo cách như thế. Mới đây, khi được thầy tặng quà, cô cháu gái của thầy đã biết nói: “Thưa chú, con rất thích món quà chú tặng con”.
K.T. Việt Báo (Theo_Tuổi Trẻ)
– Văn bản trên có bố cục 3 phần rõ ràng: mở bài, thân bài, kết bài.
+ Phần mở bài: Nêu ra chủ đề của văn bản (Thái độ của chúng ta khi được nhận quà).
+ Phần thân bài: Nhiều đoạn nhỏ trình bày các khía cạnh của chủ đề xoay quanh việc nhận quà và thái độ khi nhận quà của các em học sinh.
+ Phần kết bài: tổng kết lại chủ đề của văn bản (Chúng ta phải có thái độ biết ơn khi được nhận quà).