5k là gì trong y tế

Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa, học sinh đến trường, cơ quan, doanh nghiệp tổ chức đi làm bình thường, cùng với đó là du lịch, lễ hội, các khu vui chơi, giải trí mở cửa thì cần thay đổi và linh hoạt hơn trong việc thực hiện quy định 5K.

Thông điệp 5K (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tụ tập – khai báo y tế) của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện suốt hơn 2 năm qua góp phần quan trọng vào thành quả chống dịch của Việt Nam. Tuy nhiên gần đây, nhất là từ khi Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa, học sinh đến trường, cơ quan, doanh nghiệp tổ chức đi làm bình thường, cùng với đó là du lịch, lễ hội, các khu vui chơi, giải trí… mở cửa thì nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh như hiện nay cần thay đổi và linh hoạt hơn trong việc thực hiện quy định 5K.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người dân đang nỗ lực để tái sản xuất phục hồi kinh tế, bù đắp cho giai đoạn suy thoái do dịch COVID-19 gây ra. Mặt khác, dịp nghỉ lễ 30/4,1/5 đang đến rất gần. Ngành du lịch Việt Nam chắc chắn trong dịp này sẽ đón các chuyến bay đông khách hơn, nhà hàng kín người, khách sạn “full” phòng, các điểm du lịch, bãi biển đông nghẹt… Với thực tế như vậy, chúng ta không thể quy định vừa tắm biển hay ăn uống trong nhà hàng lại đeo khẩu trang, hoặc đến một khu du lịch lại bắt du khách giữ khoảng cách 2 mét, không được tập trung đông người.

Đặc biệt, các dịch vụ được cho là môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao như karaoke, spa, massage, vũ trường, quán bar, rạp chiếu phim đã hoạt động trở lại, đó là người dân đã trở lại cuộc sống bình thường “cũ”. Do đó, không thể giữ lại các quy định đang thực thi cho giai đoạn bình thường “mới” vào cuộc sống bình thường được.

Chị Nguyễn Thu Hiền, chủ của một chuỗi cửa hàng kinh doanh ăn uống trên đường Pháo Đài Láng, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi không biết phải làm thế nào cho phù hợp trong giai đoạn hiện nay, nếu vẫn thực hiện đúng quy định 5K thì không thể kinh doanh buôn bán được nhưng làm sai thì lại sợ bị xử phạt trong trường hợp bị thanh kiểm tra. Chúng tôi rất mong cơ quan quản lý nhà nước có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới để tạo điều kiện thuận lợi nhưng vẫn giữ an toàn cho người dân trước dịch COVID-19”.

Kiến nghị của chị Hiền là hoàn toàn chính đáng bởi tình hình dịch bệnh hiện nay đã khác hẳn một năm trước. Tỷ lệ tiêm vaccine của người dân trên cả nước rất cao, đạt mức miễn dịch cộng đồng. Chứng minh trên thực tế cho thấy số ca mắc có giai đoạn rất lớn nhưng số ca bệnh nặng, tử vong thì rất thấp. Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục giảm sâu, ngày 17/4, cả nước còn 14.660 ca, thấp nhất trong hơn 2 tháng qua. Việt Nam đã đi qua đỉnh dịch và đã phổ cập được vaccine.

Đối với thế giới, mặc dù tổ chức Y tế thế giới vẫn đưa ra cảnh báo về những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, đặc biệt là biến chủng mới và yêu cầu vẫn cần phải có những biện pháp phòng ngừa và sẽ không được phép chủ quan trước đại dịch. Tuy nhiên hiện tại, những quy định không còn phù hợp, Bộ Y tế nên xem xét, mạnh dạn điều chỉnh thông điệp, bởi thực tế có những quy định không ai chấp hành vì không còn phù hợp thì chắn chắn cũng không còn mấy ý nghĩa, thậm chí gây khó cho những người thực thi.

Một số chuyên gia y tế đề nghị từ 5K, có thể điều chỉnh thành 2K hoặc 3K để phù hợp hơn. Đó có thể là khẩu trang, khử khuẩn hay là khai báo y tế. Tuy nhiên, việc thực hiện phải linh hoạt trong từng hoạt động có tính chất đặc thù mà mỗi ngành, mỗi cơ quan, mỗi đơn vị, mỗi công ty, xí nghiệp, nhà máy… có những hướng dẫn và quy định phù hợp.

“Ví dụ, khi ăn uống thì không thể đeo khẩu trang được nhưng chúng ta có thể giãn cách. Ở đây cũng không phải giãn cách tất cả người với người mà giãn cách giữa nhóm người như các gia đình với nhau, bố trí phòng ăn riêng…. Hay khi đi xem thi đấu thể thao thì không thể “không tụ tập” hoặc giữ “khoảng cách” nhưng khẩu trang và khử khuẩn rất quan trọng. Ở các nhà máy, xí nghiệp cũng vậy. Khi làm việc trong phân xưởng sản xuất có nơi không thể thoáng khí được vì chống bụi bẩn bám vào sản phẩm nên việc đeo khẩu trang rất quan trọng rồi mới đến khử khuẩn, giãn cách… Hoặc việc khai báo y tế có thể điều chỉnh thu hẹp, tập trung những trường hợp có yếu tố nguy cơ cao” – một chuyên gia dịch tễ học phân tích.

Chúng ta không chủ quan trước đại dịch, nhất là với những biến chủng mới chưa đánh giá được mức độ nguy hiểm của chúng và sẵn sàng tái khởi động các biện pháp phòng dịch khi cần thiết. Còn hiện tại hãy mạnh dạn loại bỏ các quy định không phù hợp ra khỏi đời sống vì thực tế cho thấy có quy định đấy nhưng mấy ai thực hiện và tác dụng phòng dịch của nó hiệu quả hay không? Câu trả lời dành cho các nhà chuyên môn, các nhà quản lý và người dân đang mong chờ những hướng dẫn thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay!