2.600 máy đào BTC và ETH khởi chạy, thợ đào nhỏ lẻ ‘buồn lòng’

Tài nguyên BTC và ETH sẽ tiếp tục bị chia thành nhiều phần, khi mới đây có thêm 2.600 máy đào được đưa vào hoạt động tại Hồng Kông.

Thứ Sáu ngày 8/10, Powercrypto Holdings – một công ty con của Powerbridge Technologies đã cho ra mắt dàn máy khai thác tiền điện tử Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) tại Hồng Kông. Theo công bố, có 600 máy khai thác BTC hiệu suất cao với tốc độ đào khoảng 60 PH/s, 2.000 máy khai thác ETH hiệu suất cao với tốc độ đào khoảng 1.000 GH/s.

Sở dĩ Powercrypto chọn Hồng Kông triển khai hoạt động các máy đào BTC và ETH là bởi Trung Quốc cấm mọi hoạt động khai thác tiền điện từ. Powercrypto cho biết, họ sẽ đã đảm bảo hoạt động khai thác tiền điện tử ở Hồng Kông với nguồn năng lượng thân thiện với môi trường, xanh và bền vững.

Powercrypto là nhà phát triển blockchain Ethereum (ETH) và đang rất nỗ lực để hướng tới các nền tảng blockchain Proof-of-Stake (PoS), vì vậy quyết định đầu tư mạnh vào khai thác ETH là một bước đi táo bạo. Phát biểu về bước đi này, ông Sean Wang , Tổng Giám đốc và Giám đốc Công nghệ của Powercrypto, cho biết: “Powercrypto bước vào khai thác tiền điện tử và sẽ phát triển, coi đó là một lĩnh vực kinh doanh. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc nâng cao tốc độ khai thác tổng thể trong việc khai thác BTC và ETH, thông qua phương án thiết lập các trụ sở khai thác ở Bắc Mỹ và Châu Á”.

Với việc có thêm 2.600 máy mới đi vào hoạt động, thị phần BTC và ETH sẽ tiếp tục bị chia nhỏ và dẫn đến độ khó khai thác 2 đồng tiền điện tử hàng đầu này gia tăng. Đây chắc chắn là điều không vui với các thợ đào cũ, đặc biệt là các thợ đào nhỏ lẻ khi vốn nguồn thu nhập đã thấp nay còn thấp hơn.

Trung Quốc cấm khai thác tiền điện tử

Trung Quốc hiện đã cấm mọi hoạt động khai thác tiền điện tử, đây là ngành công nghiệp được liệt kê vào “danh sách cấm” đối với tất cả nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài.

Trong bối cảnh đàn áp mạnh tay gần đây, gần 20 công ty đã rút khỏi thị trường Trung Quốc. Chính quyền tỉnh Giang Tô của Trung Quốc cho biết, có gần 4.500 địa chỉ IP đang tham gia khai thác tiền điện tử và nó tiêu thụ 260.000 kWh năng lượng mỗi ngày.

Một số nhà phân tích toàn cầu cũng tin rằng lệnh cấm tiền điện tử của Trung Quốc là do sự thiếu hụt năng lượng mà gã khổng lồ kinh tế châu Á đang phải đối mặt.